Ký ức những ngày “đỏ lửa”

09:12, 26/12/2012

Đã 40 năm trôi qua nhưng ký ức về những ngày tháng “đỏ lửa” trong trận đánh “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn đằm sâu trong tâm trí Đại tá, CCB Vũ Ngọc Xuyên, xã Đồng Sơn (Nam Trực) như mới ngày nào.

Năm 1959, vừa tròn 18 tuổi, chàng trai trẻ Vũ Ngọc Xuyên hăng hái lên đường nhập ngũ và được biên chế vào sư đoàn 350, đóng quân ở Thủ đô Hà Nội. Sau 2 năm ở sư đoàn, năm 1961, ông được chọn cử đi học về kỹ thuật ra đa ở trường Sỹ quan kỹ thuật Bộ Quốc phòng. Năm 1964, khi đế quốc Mỹ mở rộng phá hoại miền Bắc cũng là lúc ông hoàn thành khóa học và Bộ Quốc phòng thành lập Binh chủng Tên lửa, tất cả các học viên trong khóa học của ông gồm hơn 100 đồng chí được biên chế về Binh chủng Tên lửa (thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân), ông được biên chế vào tiểu đoàn 72, trung đoàn 285 (thuộc sư đoàn 367) làm sỹ quan điều khiển tên lửa có nhiệm vụ trực tiếp ấn nút phóng hỏa. Tiểu đoàn của ông lúc đó được cấp trên giao nhiệm vụ quan trọng bảo vệ trục đường 5 từ Hải Dương, Hải Phòng đến Quảng Ninh, đây là trục đường huyết mạch vận chuyển xăng dầu, vũ khí tiếp ứng cho các đơn vị đóng quân ở Thủ đô Hà Nội.

Đại tá, CCB Vũ Ngọc Xuyên (bên phải) ôn lại kỷ niệm những ngày tham gia trận đánh 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Đại tá, CCB Vũ Ngọc Xuyên (bên phải) ôn lại kỷ niệm những ngày tham gia trận đánh 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Từ năm 1965 đến năm 1968 là thời điểm địch đánh phá ác liệt tuyến đường 5, mỗi ngày hàng trăm chiếc máy bay quần thảo trên bầu trời. Trong suốt những năm tháng chiến đấu ác liệt đó, tiểu đoàn của ông đã anh dũng kiên cường đánh trả quyết liệt những trận tập kích trên không và đã bắn rơi 9 máy bay của địch. Trước diễn biến tình hình cuộc chiến leo thang của đế quốc Mỹ, cuối năm 1971, Quân ủy Trung ương đã đưa 2 trung đoàn tên lửa sang Liên Xô đào tạo về kỹ thuật tên lửa mới để chuẩn bị cho trận đánh chiến lược, với kinh nghiệm và trình độ vững vàng của một sỹ quan điều khiển tên lửa, ông được chọn cử. Đến giữa năm 1972, nhận định tình hình đế quốc Mỹ có thể tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng, nhằm gây sức ép buộc ta phải nhân nhượng đồng thời đánh phá, hủy diệt tiềm lực kinh tế - quốc phòng của miền Bắc nhằm hạn chế sự chi viện cho chiến trường miền Nam, 2 trung đoàn tên lửa được cử sang Liên Xô học nhận lệnh về nước để chuẩn bị, sẵn sàng cho trận đánh lớn, ông lại được biên chế trở về đơn vị cũ và tiểu đoàn của ông được lệnh về Hà Nội đóng quân ở trận địa phía Nam với nhiệm vụ bảo vệ vòng tuyến bên trong nội thành. Với âm mưu “đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá”, đế quốc Mỹ đã huy động 193 chiếc máy bay chiến lược B52 (siêu pháo đài bay B52, thần tượng của không lực Hoa Kỳ) và hàng nghìn máy bay không quân chiến thuật, tàu sân bay, tàu chiến và các loại vũ khí tham chiến, đây là cuộc huy động lực lượng tập kích đường không lớn nhất của đế quốc Mỹ kể từ sau đại chiến thế giới lần thứ 2 đến năm 1972.

10 giờ 30 phút ngày 17-12-1972, Mỹ bắt đầu mở cuộc tiến công bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã miền Bắc. Trước tình hình đó, Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã triệu tập tất cả các sỹ quan lên giao nhiệm vụ trong loạt trận đầu phải bắn rơi 3 máy bay B52 để thể hiện sức mạnh của ta, trong đó Bộ đội Tên lửa được giao chỉ tiêu bắn rơi 2 máy bay B52, lực lượng Phòng không được giao chỉ tiêu bắn rơi 1 máy bay B52. Suốt đêm 18 rạng ngày 19-12-1972: địch đã huy động 90 lần chiếc B52 và hàng trăm lần chiếc máy bay cường kích quần thảo trên bầu trời, liên tiếp dội bom tàn phá nhiều khu vực của Thủ đô Hà Nội; đất trời thủ đô “đỏ lửa” trong bom đạn rền vang cả ngày lẫn đêm. Kiên cường, dũng cảm đánh trả lại những trận tập kích của quân địch, ngay trong những ngày đầu, Bộ đội Tên lửa đã bắn rơi 3 chiếc B52 và được Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh, xuống động viên khen thưởng. Trong 12 ngày đêm địch oanh kích Thủ đô Hà Nội (từ ngày 18 đến 29-12-1972), ông cùng các đồng đội trong tiểu đoàn kiên cường bám trận địa, mưu trí, dũng cảm chiến đấu đáp trả quyết liệt những trận tập kích của địch; bọn chúng sử dụng máy bay gây nhiễu gây khó khăn cho Bộ đội Tên lửa khi xác định mục tiêu nhưng với tinh thần quyết chiến, mưu trí, dũng cảm, đơn vị ông vững vàng vị trí chiến đấu đã lập nhiều chiến công, trong đó đã bắn rơi 1 máy bay B52 ở Phù Lỗ. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt dưới làn “mưa bom, bão đạn” oanh kích của quân thù, trong trận đánh quyết liệt ở trận địa Thanh Nhàn, tiểu đoàn của ông bị một vệt B52 quét qua làm sập hầm trú ẩn, ông đã bị thương do bị sức ép của bom. Với tinh thần quyết chiến, dũng cảm kiên cường, trong 12 ngày đêm chiến đấu oanh liệt, đơn vị ông cùng các lực lượng và quân dân thủ đô đã bắn rơi 81 máy bay của địch, trong đó có 34 chiếc B52, đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô lớn của đế quốc Mỹ bằng máy bay B52 vào Hà Nội, Hải Phòng, làm nên chiến thắng vang dội “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Chiến thắng này đã tạo ra bước chuyển chiến lược căn bản về cục diện của cuộc kháng chiến chống Mỹ, tạo đà cho cuộc chiến đấu của quân dân miền Nam đi đến thắng lợi cuối cùng.

Năm tháng qua đi, vết thương chiến tranh giờ đã lành sẹo nhưng kỷ niệm về trận đánh 12 ngày đêm “đỏ lửa” trên bầu trời Hà Nội sẽ không bao giờ phai mờ trong ký ức CCB Vũ Ngọc Xuyên./.

Bài và ảnh: Thu Thủy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com