Thảo luận quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010; sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; Dự án Luật Dự trữ quốc gia

08:06, 12/06/2012

Ngày 11-6, Kỳ họp thứ ba, Quốc hội (QH) khóa XIII sang ngày làm việc thứ 17. Buổi sáng, các đại biểu thảo luận tại hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010; bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015. Buổi chiều, các đại biểu thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Dự trữ quốc gia.

Rà soát lại các dự án mới bổ sung sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ

Thảo luận về bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) giai đoạn 2012-2015, phần lớn ý kiến các đại biểu nhất trí như Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, việc bổ sung năm dự án mới sử dụng nguồn vốn TPCP là phù hợp với thực tế, có ý nghĩa thiết thực trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, của vùng và đất nước.

Trong đó, năm dự án thành phần thuộc tuyến đường ven biển Ninh Thuận đã được Chính phủ cho phép triển khai từ năm 2011, phục vụ hai dự án trọng điểm năng lượng của Quốc gia (Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2). Dự án cầu Năm Căn, là chiếc cầu cuối cùng được xây dựng, thuộc dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2012-2015, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế kinh tế biển, đảo ở Cà Mau. Dự án cầu Kim Xuyên (Tuyên Quang), là dự án vượt sông Lô, nối hai tỉnh Tuyên Quang và Phú Thọ, được Thủ tướng Chính phủ dự kiến đưa vào danh mục sử dụng nguồn vốn TPCP, tỉnh đã ứng vốn thi công, đến nay đã xây dựng cơ bản hoàn thành kết cấu phần dưới công trình. Dự án ký túc xá sinh viên Ðại học Trà Vinh, dự án có quy mô chỗ ở cho 10.500 sinh viên, trong đó chủ yếu phục vụ sinh viên dân tộc thiểu số (30% số sinh viên là dân tộc Khmer). Dự án Bệnh viện ung thư TP Ðà Nẵng, quy mô 500 giường, thực hiện theo mô hình Nhà nước và các doanh nghiệp, các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước cùng lo, nhằm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, phát hiện sớm và điều trị bệnh ung thư cho nhân dân thành phố và các vùng phụ cận...

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) phát biểu ý kiến tại hội trường.
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) phát biểu ý kiến tại hội trường.

Tuy nhiên, các đại biểu Phạm Văn Cường (Lào Cai), Lê Ðình Khanh (Hải Dương), Lê Nam (Thanh Hóa), Lê Việt Trường (An Giang) lại cho rằng, Nghị quyết số 12 của QH ngày 9-11-2011 đã quy định, tổng mức đầu tư nguồn vốn TPCP giai đoạn 2011-2015 không quá 225 nghìn tỷ đồng, giao Chính phủ xây dựng nguyên tắc, tiêu chí cụ thể để rà soát danh mục các dự án, công trình được quy định tại Nghị quyết số 881/2010 của Ủy ban TVQH, 40 dự án đã được Ủy ban TVQH cho phép bổ sung trong năm 2011..., song hiện nay, Chính phủ đang triển khai chưa xong, nay lại bổ sung thêm năm dự án mới sử dụng nguồn vốn TPCP. Hơn nữa, các địa phương, nhất là các tỉnh miền núi, nhiều công trình cũng đang rất cần được bổ sung sử dụng nguồn vốn TPCP để triển khai, xây dựng, song không được bổ sung; đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét lại các dự án mới được bổ sung này.

Ðại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) nêu rõ, năm dự án mới kể trên được đề nghị bổ sung sử dụng nguồn vốn TPCP là cần thiết, nhưng cần phải được công khai, minh bạch. Trong đó, ba dự án giao thông mới được bổ sung, khi triển khai thực hiện cần bảo đảm chặt chẽ, chất lượng, tránh tình trạng đường vừa làm xong kém chất lượng lại phải sửa chữa, gây lãng phí thời gian, tiền của Nhà nước. QH cần có giám sát chuyên đề về lĩnh vực xây dựng các công trình giao thông; rà soát các dự án mới bổ sung sử dụng nguồn vốn TPCP thật chặt chẽ, không để kẽ hở, xảy ra tình trạng "chạy" dự án.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Quang Vinh cho rằng, các dự án được bổ sung kể trên đã được đề cập trong Nghị quyết, chủ trương của QH, nhưng trước khi có Nghị quyết 881 của Ủy ban TVQH, các dự án này do chưa được khảo sát, thiết kế và dự toán ngân sách, hoặc chưa được tổng hợp kịp thời, cho nên chưa được đưa vào danh mục sử dụng nguồn vốn TPCP. Do vậy, Chính phủ đã cân nhắc kỹ để trình QH; tiến hành các bước xem xét, bảo đảm chặt chẽ, không có tiêu cực xảy ra. Việc bổ sung năm dự án này, Chính phủ không cắt giảm nguồn TPCP từ một số công trình của các địa phương, mà sử dụng kinh phí từ nguồn vốn TPCP dự phòng 13 nghìn tỷ đồng.

Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu QH thảo luận tại hội trường, cho ý kiến về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010.

Bảo đảm tốt dự trữ quốc gia

Chiều 11-6, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, thảo luận về dự thảo Luật Dự trữ quốc gia (DTQG). Ða số các ý kiến phát biểu nêu rõ: Pháp lệnh Dự trữ quốc gia được ban hành năm 2004 đã tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động DTQG. Tuy nhiên, qua tám năm thực hiện, Pháp lệnh đã bộc lộ nhiều hạn chế. Vì vậy, việc ban hành Luật Dự trữ quốc gia nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động DTQG, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực DTQG; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật là rất cần thiết.

Mục tiêu của DTQG (Ðiều 1) được nhiều đại biểu QH quan tâm đóng góp ý kiến. Các đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu), Lê Văn Hoàng (Ðà Nẵng), Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ) và một số đại biểu khác cho rằng, mục tiêu quy định trong Dự thảo luật là khá rộng so với nguồn lực DTQG và chưa phù hợp với bản chất của DTQG. Trên thực tế, nguồn lực DTQG chỉ được sử dụng nhằm ứng phó với những vấn đề quốc phòng, an ninh, tình huống đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, đề nghị xem xét thu hẹp mục tiêu sử dụng DTQG dựa trên cơ sở cân đối nguồn lực, bảo đảm phù hợp với bản chất DTQG, tránh dàn trải; theo đó, nguồn lực DTQG chỉ được sử dụng trong trường hợp đột xuất, cấp bách, bất khả kháng, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, đời sống, an ninh, quốc phòng, với phạm vi rộng mang tính vùng, miền, quốc gia. Việc Dự thảo luật quy định mục tiêu "bình ổn thị trường" của DTQG là chưa hợp lý vì có thể dẫn đến trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, phức tạp trong triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang) lại không nhất trí với những ý kiến nêu trên và cho rằng, quy định như dự thảo luật là hợp lý. Nguồn dự trữ quốc gia hoàn toàn có thể tham gia bình ổn thị trường và bảo đảm an sinh xã hội vì trong thực tế, Chính phủ đã từng xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ nông dân trong giai đoạn giáp hạt...

Về hàng hóa, vật tư thuộc phạm vi điều chỉnh, nguồn hình thành DTQG, dự thảo quy định bao gồm các loại vật tư, hàng hóa thiết yếu. Tuy nhiên, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng, để tăng cường tiềm lực DTQG cần xem xét bổ sung dự trữ vàng, ngoại tệ. Về nguồn hình thành DTQG, Ðiều 6 quy định "DTQG được hình thành từ NSNN do Quốc hội quyết định". Về vấn đề này, một số ý kiến cho rằng, để tăng cường sức mạnh DTQG thì cần thiết phải có quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý để khuyến khích, động viên sự đóng góp của doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân tham gia vào hoạt động DTQG, nhằm tạo cơ chế mở, khuyến khích các nguồn lực khác ngoài nguồn NSNN.

Ðiều 21 của Dự thảo luật quy định về tổng mức DTQG: Tổng mức DTQG được tăng dần hằng năm. Ðại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Phùng Ðức Tiến (Hà Nam) và một số đại biểu khác cho rằng, quy định như vậy là chưa hợp lý vì việc có tăng được hằng năm hay không phụ thuộc vào khả năng cân đối của NSNN trong từng thời kỳ và sự cần thiết tăng cường nguồn lực DTQG tại từng giai đoạn. Do vậy, đề nghị bỏ quy định nêu trên nhằm bảo đảm tính khả thi của luật, nhất là trong tình hình NSNN biến động, tiềm lực còn hạn chế...

Theo: nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com