Để Tết trồng cây thật sự có hiệu quả

07:02, 02/02/2012

Cách đây 52 năm, vào dịp Tết Canh Tý 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào "Tết trồng cây" trong cả nước, nhằm mục đích kêu gọi các tầng lớp nhân dân hăng hái trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, góp phần tăng độ che phủ của rừng, bảo vệ môi trường. Từ đó đến nay, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, phong trào "Tết trồng cây" đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống của nhân dân cả nước.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trồng cây tại đồn Biên phòng đóng trên địa bàn huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Ảnh: Nguyễn Khang-TTXVN
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trồng cây tại đồn Biên phòng
đóng trên địa bàn huyện Kim Sơn (Ninh Bình).
  Ảnh: Nguyễn Khang-TTXVN

Năm nay, theo kế hoạch cả nước sẽ thực hiện trồng mới 250 nghìn ha rừng, trong đó có 130 nghìn ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất; trồng lại 120 nghìn ha rừng trên diện tích rừng trồng đã khai thác. Ngoài ra còn cải tạo 30 nghìn ha rừng tự nhiên bị nghèo kiệt, và khoanh nuôi tái sinh 160 nghìn ha rừng tự nhiên, trồng mới 50 triệu cây phân tán.

Để đạt mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm các ngành, các cấp, các địa phương, đứng đầu là ngành lâm nghiệp cần tiếp tục triển khai kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, năm 2012 cần tập trung tạo sự chuyển biến mạnh trong xây dựng, kiện toàn hệ thống tổ chức ngành lâm nghiệp từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm tốt vai trò nòng cốt trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng. Tập trung tham mưu xây dựng và chỉ đạo thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn thiên nhiên. Đổi mới hoạt động của các lâm trường quốc doanh, Cty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ. Thực hiện các chính sách nâng cao hơn nữa thu nhập và đời sống của người làm nghề rừng.

Việc trồng cây, quản lý và bảo vệ rừng đã trở thành một chiến lược của đất nước, do đó không chỉ đòi hỏi ý thức trong mỗi người dân, mà còn là trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc tính toán một cách khoa học để phát triển trồng rừng thâm canh, chú trọng trồng rừng gỗ lớn phục vụ chế biến để xuất khẩu và sử dụng trong nước, hạn chế khai thác cây non, bán nguyên liệu thô. Bên cạnh đó cũng cần điều chỉnh cơ cấu trồng rừng phòng hộ theo hướng đa dạng, với nhiều loại cây, phù hợp từng loại rừng để rừng có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất, thật sự là công cụ xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, và Tết trồng cây mới thật sự mang lại hiệu quả thiết thực./.

Theo: nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com