Đền ơn người có công - để đời đời giáo dục lòng yêu nước

08:07, 23/07/2010

 

Xã Hiển Khánh (Vụ Bản) đầu tư 1,2 tỷ đồng xây dựng Đền thờ các Anh hùng Liệt sỹ, khánh thành vào ngày 27-7 năm nay.  Ảnh: Xuân Thu
Xã Hiển Khánh (Vụ Bản) đầu tư 1,2 tỷ đồng xây dựng Đền thờ các Anh hùng Liệt sỹ, khánh thành vào ngày 27-7 năm nay.            Ảnh: Xuân Thu

Trước lúc đi xa Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn dân, toàn Đảng, toàn quân bản Di chúc, trong đó Người dành tình cảm đặc biệt cho những người có công với nước trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc.

Đối với những người có công, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ba đối tượng chủ yếu và những chính sách với họ sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi.

- Thương binh, liệt sĩ và gia đình họ.

- Những chiến sĩ trẻ tuổi trong lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đều đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm.

- Đồng bào, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta ra sức góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ.

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Đối với thương binh, Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần "tự lực cánh sinh".

Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.

Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét.

Những lời căn dặn cuối cùng của Bác đối với thương binh, liệt sĩ và gia đình họ thấm đượm sâu sắc truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam.

Thực hiện Di chúc của Bác đối với thương binh, liệt sĩ và các gia đình chính sách, trong hơn 40 năm qua, nhất là trong thời kỳ đổi mới, những chính sách về người có công của Đảng và Nhà nước đã có những bổ sung và ngày càng đổi mới. Đặc biệt là Pháp lệnh về người có công được thực hiện đã phát huy cao độ truyền thống "uống nước nhớ nguồn", huy động các tầng lớp trong xã hội tham gia nhiều phong trào đền ơn đáp nghĩa, đã nêu cao truyền thống, đạo lý nhân văn của dân tộc, có ý nghĩa "đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta" mà Bác Hồ đã viết trong Di chúc.

Tuy nhiên dù chúng ta cố gắng rất nhiều nhưng cả nước vẫn còn hàng chục nghìn hộ gia đình chính sách đang sống trong những ngôi nhà tạm, đời sống hàng ngày của các gia đình này còn nhiều khó khăn, vất vả, thiếu thốn về vật chất và tinh thần. Vẫn còn những gia đình liệt sĩ chưa biết thông tin đầy đủ về mộ chí và nơi chôn cất liệt sĩ. Cũng còn không ít những đối tượng, người có công chưa được thụ hưởng chính sách chế độ vì thiếu những thủ tục, quy định của Nhà nước mà do điều kiện chiến tranh không thể nào gìn giữ các giấy tờ cũng như các xác nhận của người cùng chiến đấu, công tác. Trong khi đó thì lại có một số cán bộ, công chức trong ngành thương binh làm giả hồ sơ và ăn chặn, ăn bớt tiền chính sách với người có công...

Để thiết thực chăm lo cho những gia đình thương binh, liệt sĩ chúng ta cần có những việc làm thật thiết thực hưởng ứng Chương trình hành động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chăm sóc người có công, huy động các tầng lớp nhân dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các đoàn thể nhân dân, các doanh nghiệp, doanh nhân, các tổ chức kinh tế, xã hội... ủng hộ, giúp đỡ để cải thiện một bước căn bản đời sống người có công, sớm phấn đấu để không còn hộ gia đình chính sách thuộc diện nghèo, hơn 90% số hộ gia đình có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân ở khu dân cư. Có những chính sách ưu đãi hơn về thuế và đất cho những cơ sở sản xuất thương binh, tăng chế độ nuôi dưỡng đối với thương binh nặng và các mẹ Việt Nam anh hùng, trợ cấp cho con liệt sĩ được ăn học đến khi có nghề nghiệp tự lo được cuộc sống...

2. Đối với những thanh niên nam nữ đã trải qua thử thách rèn luyện trong chiến đấu và công tác, sản xuất dũng cảm và có thành tích, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Thực hiện Di chúc của Bác, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, trong đó đã chọn lựa những thanh niên ưu tú đưa đi đào tạo ngay sau khi chiến tranh kết thúc và họ đã trở thành lực lượng chủ lực trong công cuộc xây dựng, tái thiết đất nước và tiến hành đổi mới. Hiện nay, nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH, tiếp tục thực hiện Di chúc của Bác về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể cần phối hợp để phát triển nguồn nhân lực trẻ có chất lượng đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH. Một điều có ý nghĩa lớn là cán bộ, đảng viên, các bậc phụ huynh cần thật sự nêu gương tốt cho thế hệ trẻ trong mọi việc, gương mẫu trong tư cách đạo đức công dân và trách nhiệm xã hội của công dân, làm việc, sống theo pháp luật, chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình văn hoá...

3. Đối với đồng bào nông dân đã luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ, đã có nhiều đóng góp sức người, sức của cho cách mạng và kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh di chúc: Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất.

Di chúc của Bác đối với đồng bào nông dân thể hiện tầm nhìn sâu sắc, thấm đượm tình yêu thương và biết ơn đồng bào nông dân vô cùng to lớn. Nhìn lại việc thực hiện lời dặn của Người, sau khi miễn thuế nông nghiệp, Đảng và Nhà nước đã có nhiều đổi mới trong chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị và mới đây là chính sách tam nông của Trung ương đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với nông dân, tạo mọi cơ chế chính sách thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp đi vào CNH, xây dựng nông thôn mới và thiết thực chăm lo nâng cao đời sống nông dân.

Tuy nhiên, chúng ta cũng còn nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu và tính toán để làm sao quá trình CNH và đô thị hoá không làm thiệt hại đến lợi ích và cuộc sống của nông dân như huỷ hoại môi trường sản xuất nông lâm ngư nghiệp, đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, nạn thừa lao động ở nông thôn, các tệ nạn xã hội tràn về nông thôn ngày càng nhiều và vấn đề lớn nhất là khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn giữa nông thôn và thành thị...

Thiết nghĩ giải quyết những vấn đề nêu trên một cách khoa học và có quyết tâm cao của các cấp, các ngành thì nhất định chúng ta sẽ góp phần tích cực nâng cao đời sống đồng bào nông dân, thiết thực đền ơn nông dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh./.

Phạm Văn Khánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com