Những điều cần nói thêm về Thăng Long - Hà Nội

03:06, 08/06/2010
Tháp Rùa Hoàn Kiếm
Tháp Rùa Hoàn Kiếm
Năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Đại La đã có nhận định rằng: Quyết thổ cao nhi sảng khải, hữu long, bán hổ cứ chi thế, tiện giao sơn bối hướng chi nghi (Nghĩa là: Đất sáng sủa cao ráo, có cái thế rồng cuộn hổ ngồi, hiện đường dựa sau lưng nhìn núi trước mặt của núi sông…).
Nhân có sự xuất hiện rồng vàng trước Huyền ngự vừa cập bến nên đặt tên là Thăng Long. Đó là thế đất mà sự nghiệp các đế vương phải dựa vào để được sâu rễ, bền gốc.
Thăng Long là kinh đô của ba triều đại: Lý, Trần, Lê đã đứng vững trước những cuộc xâm lăng như vũ bão của quân Nguyên, quân Thanh. Vua Thành Thái nhà Nguyễn nhận định rằng:
Ngưu Hồ dĩ định tam triều cuộc
Long Đỗ nhưng lưu bách chiến thành
Dịch nghĩa bằng thơ:
Hồ xưa lặn dấu trâu vàng
Ba triều đô cũ mơ màng nghi dung
Rồng bay là thế oai hùng
Lũy xưa trăm trận một vùng thành đô
Tuy nhiên Thăng Long nơi đô hội tấp nập cũng là nơi diễn biến nhiều thăng trầm của lịch sử, bởi chiến tranh, bởi sự thịnh suy của nhiều triều đại… Mà người xưa thường nhớ lại Bà huyện Thanh Quan có bài " Thăng Long thành hoài cổ" như sau:
Tạo hóa gây chi cuộc tứ trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn bền gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.
Trong mắt các nhà phong thủy đời xưa, Thăng Long-Hà Nội là đất nhiều long mạch.
Hà Nội nằm trên hai bờ Nhị Hà và Thiên Đức (sông Đuống) phía tây nam có sông Nhuệ chảy qua. Hai sông nhỏ Tô Lịch và sông Kim Ngưu nằm trọn trong phạm vi Thủ đô. Hữu thủy tất hữu long (có nước thì có rồng).
Nói về địa lý của Việt Nam thì nước ta nằm trên bờ tây Thái Bình Dương trên bản lề của núi lục địa và núi đại dương.
Cách đây khoảng 200 triệu năm, địa cầu chúng ta chỉ có một lục địa Pangea và một đại dương cổ Thái Bình Dương (Paleopacipic) khoảng 180 triệu năm trước, lục địa Pangea bị nứt theo ba đường:
- Một đường theo hướng kinh tuyến tách châu Âu, châu Phi ra khỏi châu Mỹ.
- Một đường nữa theo hướng kinh tuyến tách Ấn Độ ra khỏi châu Phi và Nam Cực.
- Một đường theo hướng vĩ tuyến chạy từ eo biển Gibraltar chạy dài đến phía nam I-ran, qua Hy Mã Lạp Sơn, Nê Bạc Nhĩ đến Hoàng Liên Sơn ở Việt Nam, rồi dừng lại trên bờ Thái Bình Dương.
Đại lục Pangea chia thành hai lục địa Gonvana và Icurasia. Việt Nam nằm trên hai núi của lục địa ấy.
Việt Nam lại còn là nơi giao hội, giao thoa của hai vành đai lửa: Hỏa tuyến Địa Trung Hải và hỏa tuyến Thái Bình Dương. Vì hai hỏa tuyến chồng chéo, phủ lên nhau nên hiệu lực địa chấn bị giảm bớt, không có động đất mạnh như Nhật Bản, không có hỏa sơn dữ dội như Krokatoa ở Nam Dương.
Do vậy đây là sự bình an cho đất An Nam (Việt Nam) ta.
Do vậy Thăng Long cũng được hưởng sự bình an của sự giao thoa này.
Phước trời cho được bình yên
Đáng làm thủ phủ một miền Giao Châu
Thành Đại La là tiền thân của Thăng Long. Từ đời Lê (thế kỷ XV trở đi) thi nhân thường vịnh những cảnh đẹp của Thăng Long:
- Ngự lâu quan đào
(Lầu ngự xem sóng)
- Khán Sơn tích chiếu
(Ánh trời chiếu ở Khán Sơn)
- Bồ Đề viễn chiếu
(Trông xe từ bến Bồ Đề)
- Bảo Thiên hiểu chung
(Chuông sớm chùa Bảo Thiên)
- Bạch Mã sấn thị
(Họp chợ ở Bạch Mã)
- Nhĩ Hà hải phàm
(Buồm biển xuất phát từ sông Nhị)
- Lãng Bạc ngư ca
(Tiếng hát dân chài ở hồ Lãng Bạc)
Ngày nay Thủ đô Hà Nội (kinh đô Thăng Long xưa) không chỉ bó hẹp mà nó phát triển mạnh, lan rộng ra các tỉnh Sơn Tây, một phần đất của tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phú đã tạo cho Hà Nội một diện mạo rộng và thoáng đạt hơn, cùng với nhiều phong cảnh núi non tuyệt đẹp. Là thành phố hòa bình, phát triển nhờ sự góp sức của rất nhiều thế hệ.
Nguyễn Viết Tiến (biên soạn)


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com