Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm

03:08, 11/08/2021

Ngày 11-8, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và Nghị quyết Quốc hội khóa XV về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự và chỉ đạo hội nghị; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước; Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội tới dự; đồng chí Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Phạm Gia Túc, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban TVTU; Thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Các đồng chí: Phạm Gia Túc, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.
Các đồng chí: Phạm Gia Túc, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, đây là phiên họp đầu tiên của Chính phủ sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Phiên họp có tính chất quan trọng, nhằm thống nhất những vấn đề then chốt, quan trọng này nhất để thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đề ra 23 chỉ tiêu chủ yếu, tăng 2 chỉ tiêu so giai đoạn 2016-2020. Một số chỉ tiêu quan trọng là: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.700-5.000USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45%. Tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 bình quân 3,7% GDP. Các chỉ tiêu về xã hội, tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 67 năm; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28-30%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) duy trì mức giảm 1-1,5%/năm. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới tối thiểu 80%, trong đó có 10% đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…

Để tập trung thực hiện có hiệu quả mục tiêu trên, Nghị quyết đề ra 12 nhóm giải pháp. Trong đó, tập trung vào một số giải pháp chủ yếu như: Tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, khẩn trương triển khai chiến lược vắc-xin toàn diện, hiệu quả, phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số.

Tại hội nghị, các đại biểu Trung ương và địa phương thảo luận về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ khóa XV triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Trong đó tập trung đánh giá nhận định về bối cảnh, tình hình; quan điểm, mục tiêu; thảo luận về các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, chủ yếu giai đoạn 2021-2025.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, hội nghị tổ chức trong không khí vui tươi, khoa học, đoàn kết đồng lòng, đồng trí và quyết tâm cao nhằm mục tiêu xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh và ngày càng tiến bộ. Đối với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 thực hiện trong điều kiện có nhiều khó khăn thách thức, do đó Chính phủ cần tiếp tục phát huy truyền thống, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý điều hành trong giai đoạn mới. Tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ trong tâm, 6 nhiệm vụ chiến lược, 12 giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế. Phát huy tối đa tiềm năng sẵn có; cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế gắn với phát huy sức mạnh, sức sáng tạo của từng tập thể, cá nhân trong phát triển kinh tế - xã hội. Kiên quyết bảo vệ độc lập quốc gia, giữ vững quan hệ quốc tế, quan tâm các vấn đề lý luận về cách mạng nước ta. Quan tâm nghiên cứu, quán triệt sâu sắc những vấn đề lý luận thực tiễn cơ bản gồm: Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hiện đại hội nhập kinh tế quốc tế, có sự quản lý của Nhà nước. Phát triển kinh tế gắn với văn hóa xã hội; xác đinh con người là trung tâm phát triển, tăng trưởng kinh tế gắn với công bằng phát triển xã hội; thống nhất chính sách kinh tế với chính sách văn hóa xã hội, không chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại đòi hỏi tăng cường an ninh kiên quyết bảo vệ chủ quyền, bảo vệ ninh quốc gia, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với an ninh quốc phòng, xây dựng quân đội nhân dân, công an nhân dân tinh nhuệ, vững mạnh, hiện đại và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc làm cơ sở cho kinh tế - xã hội phát triển. Về công tác tổ chức xây dựng bộ máy cán bộ cần đặc biệt quan tâm thực hiện nghiêm theo Luật Tổ chức cán bộ, xây dựng bộ máy cán bộ tinh nhuệ; thay đổi lề lối làm việc của cán bộ, chú trọng cải cách hành chính, ứng dụng CNTT, nâng cao năng lực bộ máy cán bộ; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 một cách thực chất. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ phần tử lợi dụng, tham nhũng, nêu cao tinh thần trách nhiệm của tổ chức cá nhân dám đổi mới sáng tạo góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng rằng với sự nỗ lực của mỗi thành viên Chính phủ, sự ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương, sự tin tưởng của nhân dân, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Chính phủ nhiệm kỳ mới phát huy được tinh thần đưa nước ta phát triển, xứng đáng là cơ quan hành chính cao nhất, mang lại ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân./.

Tin, ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com