UBND tỉnh ban hành Kế hoạch xây dựng lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã

10:09, 23/09/2020

Ngày 22-9-2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2347/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch xây dựng lực lượng xung kích phòng chống thiên tai (PCTT) cấp xã.

Kế hoạch nhằm mục tiêu: Tổ chức xây dựng, củng cố Đội xung kích PCTT tại địa phương một cách đồng bộ, thống nhất, phù hợp với điều kiện cụ thể địa phương, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng tại chỗ trong PCTT; nâng cao năng lực, chủ động PCTT thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tổn thất về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước; tạo điều kiện phát triển bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và từng bước xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai. Để đảm bảo xây dựng được các Đội xung kích PCTT cấp xã có đủ năng lực thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, UBND tỉnh chỉ đạo phải bố trí lực lượng nòng cốt là dân quân tự vệ và có sự tham gia của các thành viên từ các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, xã (Công an, Dân phòng, Chữ thập đỏ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, một số công chức chuyên môn ở xã như địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường, công chức văn phòng - thống kê, công chức văn hóa - xã hội, y tế...). Tổng số thành viên lực lượng xung kích PCTT cấp xã toàn tỉnh là 270 người gồm: Khu vực các xã nội đồng 70 người; khu vực các xã có đê 90 người; khu vực các xã có đê biển 110 người. Đội xung kích sẽ được trang bị 29 loại trang thiết bị cho đội xung kích PCTT gồm: loa cầm tay, trống hoặc kẻng báo hiệu, nhà bạt các loại, đèn pin, ủng đi mưa, áo mưa, áo phao, phao cứu hộ… Nhiệm vụ của Đội xung kích PCTT cấp xã gồm: Chủ động kiểm tra việc chuẩn bị lực lượng, trang thiết bị, phương tiện, triển khai các nhiệm vụ theo phương án PCTT và TKCN đã được phê duyệt, triển khai các hoạt động theo chỉ đạo của Ban chỉ huy PCTT và TKCN cấp xã và các cơ quan PCTT cấp trên. Triển khai lực lượng phân công cụ thể cho từng tổ, nhóm, các thành viên để thực hiện việc chặt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố công sở, bệnh viện, trạm xá, trường học, công trình đê điều, giao thông, thủy lợi; hướng dẫn, hỗ trợ người dân chằng chống, gia cố nhà cửa, sắp xếp đồ đạc, tài sản đảm bảo an toàn. Kiểm tra, rà soát các điểm dự kiến sơ tán người dân đến tránh trú, sẵn sàng phương án tổ chức sơ tán, di dời người dân sống ở khu vực có nguy cơ rủi ro cao đến nơi tránh trú an toàn; xác định cụ thể số hộ, nhân khẩu của từng phương án sơ tán, di dời đối với từng thôn, xóm. Triển khai biện pháp cụ thể để bảo đảm hậu cần, an ninh trật tự, chăm sóc sức khỏe và vệ sinh môi trường phục vụ người dân tới tránh trú. Theo dõi, cập nhật liên tục các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, thời tiết, thủy văn và diễn biến thực tế tình hình thiên tai trên địa bàn để thông tin, cảnh báo kịp thời, đầy đủ đến từng hộ gia đình, người dân, các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thông qua hệ thống phát thanh, đặc biệt quan tâm đến đối tượng dễ bị tổn thương. Tham gia hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện biện pháp bảo vệ sản xuất, giảm thiểu thiệt hại. Phân công lực lượng thường trực, kiểm tra, chuẩn bị sẵn sàng dụng cụ, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó và cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Tổ chức canh gác, cảnh báo, hướng dẫn người, phương tiện tại các khu vực nguy hiểm./.

Thanh Thúy


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com