Triển khai hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương

08:02, 13/02/2020

Thực hiện Kế hoạch hành động số 11/KH-UBND ngày 4-2-2020 của UBND tỉnh về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có công văn gửi các sở, ban, ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể đề nghị tập trung thực hiện 4 nội dung trọng tâm. 

Cụ thể: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền đến các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư nhằm nâng cao nhận thức, ứng xử và thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy trong cộng đồng và xã hội, thúc đẩy hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa nhằm giải quyết các vấn đề về rác thải nhựa, mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển; góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xây dựng và thực hiện có hiệu quả Đề án tăng cường quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam và Kế hoạch số 87/KH-UBND ngày 8-9-2018 của UBND tỉnh về thực hiện điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Phát động các phong trào và tổ chức thực hiện các chương trình,  dự án nhằm đạt được các mục tiêu của Kế hoạch 11 gồm: Đến năm 2025 giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương, 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác nằm ở khu vực ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy; bảo đảm tối thiểu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi tắm biển trên địa bàn tỉnh; thực hiện việc quan trắc hàng năm và định kỳ 5 năm một lần nhằm đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại các cửa Ba Lạt (sông Hồng), cửa Đáy (sông Đáy). Đến năm 2030 giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương, 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác nằm ở khu vực ven biển không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; thực hiện việc quan trắc hàng năm và định kỳ 5 năm một lần nhằm đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại 4 cửa sông ven biển trên địa bàn tỉnh (cửa Ba Lạt sông Hồng, cửa Đáy sông Đáy, cửa Lạch Giang sông Ninh Cơ và cửa Hà Lan sông Sò). Tăng cường sự lãnh đạo của chính quyền các cấp, tập trung vào các nội dung thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa từ các hoạt động ở khu vực ven biển và trên biển; kiểm soát rác thải nhựa từ nguồn; nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về xử lý rác thải nhựa trên biển; điều tra, khảo sát, rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý rác thải nhựa trên biển đảm bảo đồng bộ, thống nhất, hiệu lực và hiệu quả. Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ đã nêu trong Kế hoạch số 11/KH -UBND ngày 4-2-2020 của UBND tỉnh./.

Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com