Giá bán lẻ điện tăng 8,36% từ 20-3, điện sinh hoạt cao nhất 2.927 đồng/kWh

08:03, 22/03/2019

 

Cuộc họp báo của Bộ Công thương cuối ngày 20-3 đã chính thức công bố tăng 8,36% giá bán lẻ điện bình quân, từ 1.720,65 đồng/kWh lên mức 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm VAT).

Cụ thể, giá bán lẻ điện sinh hoạt được điều chỉnh làm 6 bậc. Bậc 1 từ 0-50kWh được tính giá 1.678 đồng/kWh. Bậc 2 được tính giá 1.734 đồng cho mức tiêu thụ 51-100kWh. Bậc 3 giá bán là 2.014 đồng cho mức tiêu thụ 101-200kWh. Giá bậc 4 là 2.536 đồng cho 201-300kWh. Bậc 5 có giá 2.834 đồng cho 301-400kWh và bậc 6 cao nhất là 2.927 đồng/kWh cho 401kWh trở lên. Cùng với giá bán lẻ điện sinh hoạt, Bộ Công thương cũng quy định giá bán buôn với hộ tiêu dùng thấp nhất 1.646 đồng một kWh cho số điện từ 0 đến 50kWh và cao nhất 2.871 đồng cho hộ dùng trên 400kWh. Giá bán điện với các hộ, doanh nghiệp sản xuất, khu công nghiệp... được chia theo giờ (bình thường, thấp điểm và cao điểm) và cấp điện áp dưới 6kV, 22kV và 110kV. Mức giá bán lẻ cao nhất cho ngành sản xuất điện áp dưới 6kV giờ cao điểm là 3.076 đồng một kWh, thấp nhất là 970 đồng vào giờ thấp điểm với cấp điện áp từ 110kV trở lên.

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết, giá điện được tính toán tăng dựa trên các yếu tố đầu vào cũng như chi phí sản xuất điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Mặt khác, mấy năm gần đây, tăng trưởng phụ tải khoảng 10% mỗi năm - thuộc tốp đầu thế giới trong khi GDP tăng trưởng không tương ứng. Tốc độ triển khai các dự án phát điện chậm trễ và để đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng, ngành điện buộc phải huy động các nguồn giá cao như điện khí, than, diesel.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, việc tăng giá điện đã được tính toán đến những tác động đối với kinh tế vĩ mô. Về tác động tới chỉ số giá tiêu dùng, Bộ Công thương và Tổng cục Thống kê tính toán, với mức tăng giá điện 8,36% sẽ làm chỉ số giá tiêu dùng CPI năm 2019 tăng 3,3-3,9%, đảm bảo mục tiêu được Quốc hội thông qua là dưới 4%. Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, các chi phí không nằm trong chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN sẽ không được tính toán vào giá điện tăng lần này, đồng thời các số liệu sẽ được các đơn vị kiểm toán thẩm định.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc chốt công tơ điện như thế nào để tính toán chính xác giá điện trong tháng khi mà thời điểm tăng giá điện diễn ra giữa tháng, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết đã thực hiện theo hướng dẫn của Bộ. Có 2 nhóm khách hàng: Đối với khách hàng sinh hoạt thì giá điện mới áp dụng từ 20-3 sẽ tính quy đổi theo công thức lấy số điện ở ngày ghi chỉ số công tơ, chia cho 30 ngày rồi nhân với số ngày tính theo giá cũ để ra lượng điện tính toán theo giá cũ, nhân số ngày theo giá mới để ra lượng điện tính theo giá mới, công thức không khác lần điều chỉnh giá trước./.

Theo baotintuc.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com