Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội giám sát việc thi hành Luật Giáo dục tại tỉnh ta

08:08, 25/08/2017

Chiều 23-8-2017, Đoàn công tác của Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội do đồng chí Phan Thanh Bình, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thi hành Luật Giáo dục. Tiếp và làm việc với Đoàn, có các đồng chí: Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
phát biểu tại buổi làm việc.

Thực hiện kế hoạch của Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về giám sát việc thi hành Luật Giáo dục tại tỉnh Nam Định trong các ngày 22 và 23-8-2017, Đoàn công tác đã làm việc trực tiếp với các đơn vị: Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Trường Đại học Lương Thế Vinh, UBND huyện Nam Trực, Trung tâm học tập cộng đồng xã Nam Cường (Nam Trực). Trên cơ sở nội dung các buổi làm việc, Đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã đánh giá cao những thành quả giáo dục của tỉnh. Trong đó xác định rõ Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009 là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tổ chức và hoạt động giáo dục, tỉnh đã có nhiều hình thức để phổ biến và tuyên truyền Luật Giáo dục đến với cán bộ quản lý, công chức, viên chức hoạt động trong ngành Giáo dục và đông đảo tầng lớp nhân dân, từ đó tạo sự đồng thuận trong quan điểm, thống nhất trong nhận thức và quyết liệt trong hành động, góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả của hoạt động giáo dục. Tỉnh cũng như các huyện, thành phố đã xác định rõ Luật Giáo dục là căn cứ pháp lý, trên cơ sở đó ban hành nhiều chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để phát triển và nâng cao chất lượng GD và ĐT. Từ tỉnh đến các huyện, thành phố đã triển khai thực hiện Luật hiện hành trên địa bàn thông qua việc cụ thể hóa thành các chương trình, đề án, kế hoạch hành động phù hợp với thực tiễn của địa phương và tập trung đầu tư nguồn lực có trọng tâm trọng điểm triển khai thực hiện hiệu quả. Tỉnh cũng đã quan tâm quy hoạch hệ thống mạng lưới cơ sở GD và ĐT để có sự đầu tư hợp lý, vừa đảm bảo diện rộng để đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của cộng đồng vừa chú trọng mũi nhọn để có thành tích cao. Các chỉ tiêu về phổ cập giáo dục đã cơ bản đạt chuẩn. Việc triển khai chính sách phát triển giáo dục, công tác xây dựng xã hội học tập, khuyến học khuyến tài, công tác xã hội hóa giáo dục được quan tâm thực hiện.

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh đã báo cáo về tình hình thi hành Luật Giáo dục trên địa bàn. Trong đó đánh giá việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục; việc triển khai, thi hành Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật tại địa phương và một số hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thi hành Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn. Đồng thời đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục… Các ý kiến phát biểu tại hội nghị đã tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến tuyển dụng giáo viên, đặc biệt là giáo viên cấp học mầm non; quy định về khung chương trình đào tạo các cấp học; quy định về chuẩn đầu ra đại học; quy định về phổ cập cấp học mầm non, tiểu học, THCS thay vì phổ cập cấp học THPT; về quản lý Nhà nước và phân cấp quản lý giáo dục.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, tỉnh Nam Định thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Giáo dục hiện hành. Tuy nhiên Luật Giáo dục 2005 còn một số bất cập như: Điều 2, quy định về mục tiêu giáo dục chưa phát huy được sáng tạo của người học và người dạy. Với giáo dục phổ thông, cần có quy định về quy chuẩn giáo viên; quy định rõ về quyền về nghĩa vụ của học sinh; phân loại rõ chương trình phổ thông và chương trình chuyên; quy định rõ việc đánh giá học sinh, tránh thay đổi nhiều ảnh hưởng đến tâm lý học sinh, giáo viên và phụ huynh; quy định rõ về nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất giáo dục. Với đào tạo đại học, cần quy định rõ tiêu chuẩn thành lập và điều kiện hoạt động tự chủ của các trường đại học, bảo đảm chất lượng đào tạo.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đánh giá cao kết quả về giáo dục và đào tạo của tỉnh, khẳng định Nam Định là điểm sáng về GD và ĐT của khu vực và cả nước. Về thực hiện Luật Giáo dục, đồng chí đánh giá tỉnh Nam Định đã tuân thủ Luật Giáo dục nhưng có sự chủ động, sáng tạo điều chỉnh khi cần thiết. Đồng chí ghi nhận ý kiến đóng góp của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu về nội dung phát huy tính sáng tạo của người học và người dạy; quy định khung chương trình đào tạo, công khai dữ liệu, thống nhất quản lý trong giáo dục; quy định tự chủ của cơ sở giáo dục, vấn đề nguồn đầu tư cho giáo dục và phổ cập giáo dục. Các ý kiến trao đổi tại hội nghị sẽ được Đoàn công tác tổng hợp trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa vào dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới./.

Tin, ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com