Dịch bệnh tay chân miệng vào mùa

08:08, 23/08/2017

Mặc dù mới bắt đầu bước vào mùa dịch tay chân miệng, nhưng các bác sĩ cảnh báo đã có nhiều trường hợp bệnh nặng đến mức phải thở máy. Do đó, phụ huynh không nên chủ quan.

Đến thời điểm này, các bác sĩ nhận định, dù bệnh tay chân miệng chưa có đột biến so với những năm trước, nhưng dự báo số ca bệnh sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, nhất là khi học sinh vào mùa tựu trường. Thông thường, hằng năm có 2 thời điểm bệnh tay chân miệng bùng phát, đó là từ tháng 3-5 và từ tháng 9-12. Đây là những tháng trẻ đi học nên sự lây lan sẽ nhiều hơn, do đó số lượng trẻ mắc bệnh cũng nhiều hơn. 

Theo các bác sĩ, đa số các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng là ở thể nhẹ, bệnh sẽ tự khỏi, chủ yếu là điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra biến chứng luôn tiềm ẩn, nên phụ huynh cần cảnh giác, theo dõi kỹ các biểu hiện của trẻ. Khi thấy trẻ có các dấu hiệu cảnh báo như nôn ói nhiều, ăn uống kém, lở miệng… thì nên đưa vào bệnh viện kịp thời. Cũng theo các bác sĩ, bệnh tay chân miệng không phải lúc nào cũng có biểu hiện rõ ràng dễ nhận thấy (như lở miệng, nổi ban tay chân…), mà nhiều trường hợp ban nổi kín đáo, bé chỉ sốt, quấy khóc, bỏ ăn, chảy nước dãi, hoặc biểu hiện thành một số triệu chứng khác (như rối loạn tiêu hóa, rối loạn hô hấp…) tùy thuộc vào tuýp vi-rút, cơ địa của trẻ và diễn tiến bệnh. “Sợ nhất bị các biến chứng về thần kinh, lúc đó trẻ có những biểu hiện như sốt cao liên tục khó hạ, giật mình chới với, run tay run chân, đi đứng loạng choạng… Nếu bệnh diễn tiến nặng thì trẻ có thể khó thở, ảnh hưởng tuần hoàn cơ thể, tim mạch, phải phụ thuộc vào máy thở”, các bác sĩ cho hay.

Các bác sĩ lưu ý về việc đã xuất hiện những quan niệm sai lầm khi điều trị, chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng, như tự ý bôi thuốc không đúng, không vệ sinh tắm rửa cho trẻ thường xuyên vì sợ nhiễm nước, nhiễm gió… Trong khi, với trẻ mắc tay chân miệng thì cần vệ sinh, tắm rửa cho trẻ bình thường để tránh nhiễm trùng. Nếu các nốt loét trong miệng khiến trẻ đau thì có thể dùng thuốc để bôi miệng cho trẻ. 

Các bác sĩ cũng cảnh báo, hiện bệnh tay chân miệng chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, quan trọng nhất vẫn là các biện pháp phòng ngừa. Cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn cho cả người lớn và trẻ nhỏ, đặc biệt là trước khi thay tã, sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi chăm sóc trẻ, trước khi ăn và chế biến thức ăn, sau khi tiếp xúc với người bệnh… Khử trùng thường xuyên các đồ vật mà trẻ hay chạm vào như đồ chơi, các bề mặt bàn, ghế, tay nắm cửa…

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com