Tiếp tục chăm lo tốt cho người có công, đối tượng bảo trợ và người nghèo

08:01, 17/01/2017

Sáng 13-1-2017, Bộ LĐ-TB và XH tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016; triển khai nhiệm vụ năm 2017 về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu Nam Định có đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở LĐ-TB và XH, đại diện các sở, ngành có liên quan.

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Năm 2016, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, sự quan tâm của toàn xã hội; ngành LĐ-TB và XH đã vượt qua được khó khăn, thách thức, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Công tác quản lý Nhà nước tiếp tục được tăng cường và duy trì tốt trên các lĩnh vực của ngành; nhiệm vụ xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng; các nhiệm vụ phát triển thị trường lao động, tạo việc làm, đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Cả nước đã giải quyết việc làm cho trên 1,65 triệu lao động, trong đó xuất khẩu lao động trên 126 nghìn người. Thực hiện tốt chính sách tiền lương, BHXH, BHTN, an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện quan hệ lao động. Tính đến 31-12-2016, cả nước có 13,1 triệu người tham gia BHXH, chiếm khoảng 24,1% lực lượng lao động (trong đó, tham gia BHXH bắt buộc là 12,9 triệu người, tham gia BHXH tự nguyện 203 nghìn người); gần 11 triệu người tham gia BHTN. Mạng lưới dạy nghề tiếp tục được đầu tư phát triển theo hướng xã hội hóa, từng bước gắn với nhu cầu thị trường lao động; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực. Ước cả năm 2016 tuyển sinh dạy nghề được 1 triệu 974 nghìn người, trong đó, tuyển sinh trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề trên 259 nghìn người; tuyển sinh trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng cho 1 triệu 714 nghìn người; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg cho khoảng 479 nghìn người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 53%. Thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, cả nước hiện đang trợ cấp ưu đãi thường xuyên cho 1.392.862 đối tượng với kinh phí khoảng 27,4 nghìn tỷ đồng; trợ cấp giáo dục cho trên 162 nghìn đối tượng với kinh phí trên 1.350 tỷ đồng. Thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xác nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công 456 liệt sĩ; cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công cho gần 30 nghìn trường hợp; lập hồ sơ và quyết định cho 33.770 đối tượng hưởng trợ cấp ưu đãi một lần với tổng số tiền trên 270,7 tỷ đồng. Cuối năm 2016 cả nước có 98,5% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 98% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công. Các lĩnh vực xã hội, toàn ngành tập trung triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Cùng với nguồn lực của Trung ương, các địa phương trong cả nước cũng đã chủ động, ưu tiên bố trí nguồn lực, tổ chức thực hiện đầy đủ các chính sách giảm nghèo hiện hành. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước cuối năm 2016 giảm khoảng 1,3-1,5% so với cuối năm 2015 (còn khoảng 8,58-8,38%); tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm khoảng 4% (còn khoảng 46,4%). Công tác trợ giúp xã hội tiếp tục thực hiện tốt và mở rộng đối tượng thụ hưởng, nâng dần mức trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội. Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật và các chương trình, đề án như: Đề án phát triển nghề công tác xã hội, Đề án chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng, Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác trợ giúp xã hội, huy động nhiều nguồn lực trợ giúp những người thiệt thòi, yếu thế, tạo điều kiện để các đối tượng tự khắc phục khó khăn, vươn lên hoà nhập cộng đồng. Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em tiếp tục được đẩy mạnh, nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em. Hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ đạt được nhiều kết quả tích cực. Về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội: Triển khai Quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện; chú trọng và đa dạng các phương thức, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều trị, cai nghiện ma túy; Triển khai Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020; thực hiện các giải pháp quản lý địa bàn, hạn chế tệ nạn mại dâm. Năm 2017, ngành LĐ-TB và XH đề ra mục tiêu nâng cao chất lượng, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Cải thiện, nâng cao đời sống người có công. Bảo đảm an sinh xã hội; mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội đến mọi người dân; trợ giúp có hiệu quả cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương hoặc gặp rủi ro trong cuộc sống; nâng cao khả năng tự đảm bảo an sinh xã hội của người dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao những cố gắng của ngành LĐ-TB và XH trong việc thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội. Phó Thủ tướng yêu cầu, năm 2017, ngành LĐ-TB và XH tập trung triển khai để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Về công tác lao động và việc làm, ngành cần nắm rõ thực trạng dữ liệu cung - cầu thị trường lao động, nâng cao hiệu quả của các Trung tâm dịch vụ việc làm gắn với doanh nghiệp, làm tốt vai trò đầu mối trong kết nối thị trường lao động; kết nối giữa các địa phương có nhu cầu về nguồn lao động với các tỉnh có nguồn lao động lớn; Nghiêm khắc chấn chỉnh các hoạt động vi phạm pháp luật trong việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; Triển khai quyết liệt hơn công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tập trung làm tốt công tác đào tạo nghề. Về công tác người có công, năm 2017 là năm kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, toàn ngành cần tập trung giải quyết dứt điểm các trường hợp tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công; Thực hiện hiệu quả, đảm bảo tiến độ đề án xác nhận hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; hỗ trợ nhà ở cho người có công. Tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, tập trung nguồn lực trước hết vào những nơi khó khăn nhất, nghèo nhất để giảm nghèo bền vững. Đồng thời, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của các tổ chức hội, đoàn thể, các doanh nghiệp trong thực hiện hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em và đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 đang đến gần, Phó Thủ tướng yêu cầu toàn ngành LĐ-TB và XH và các địa phương cần tập trung làm tốt công tác chăm lo Tết cho các đối tượng người có công, đối tượng bảo trợ, hộ nghèo trên địa bàn./.

Minh Tân

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com