Tìm về chợ quê ngày Tết
.

Tìm về chợ quê ngày Tết

16:15, 07/02/2024

 

Trên địa bàn tỉnh có trên 300 chợ nông thôn. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, chợ quê như được khoác trên mình chiếc áo mới với cơ man hàng hóa, rực rỡ sắc màu. Khác với những khu chợ ở thành thị, chợ quê ngày Tết thường không có “biên giới”, người đông tới đâu, chợ nới rộng ra đến đó, tràn ra cả đường đi, bờ đê hay những vạt đất trống. Cũng chẳng cần quầy, kệ, tủ bàn bày biện cầu kỳ, một đôi quang gánh, một chiếc thúng cắp ngang hông, chiếc xe đạp thồ đôi sọt, tới chợ một tấm vải bạt, mảnh nilon trải ra đất; loáng cái các mặt hàng đã được sắp xếp, bày biện kín tấm vải… Mộc mạc là vậy, nhưng chợ quê cái gì cũng có, từ hàng công nghệ phẩm đến sản vật cây nhà lá vườn rau, củ, quả, lá dong, gạo, đỗ, dưa hành đều góp mặt. Người cắp thúng gạo, bơ đỗ, đôi gà giò; người mấy bó mùi già, vài quả gấc, dăm mớ hành hoa… nhà nuôi, trồng được mang ra bán, có thêm chút tiền để chi tiêu.

Sôi động chợ hoa xuân ở trung tâm thị trấn Yên Định (Hải Hậu).
Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Sôi động chợ hoa xuân ở trung tâm thị trấn Yên Định (Hải Hậu). 

Chợ Gạo, xã Thành Lợi (Vụ Bản) là chợ cổ với những phiên chợ mang đậm dấu ấn văn hóa của người dân vùng phía bắc tỉnh. Những ngày giáp Tết, bước chân vào chợ đã thấy ngan ngát hương trầm lan tỏa. Rồi hàng gạo, hàng đỗ, thúng nào thúng ấy gạo tẻ, gạo nếp, đỗ xanh... vun đầy có ngọn trên miệng thúng. Những hạt gạo nếp mùa 6 tháng trắng bóng, tròn lẳn, thơm nức mũi đông nghịt người mua về thổi xôi, làm bánh, nấu chè. Rau xanh, rau gia vị, khoai tây, khoai lang, sắn dây; rồi bưởi, chuối, trứng gà, trầu cau bày mâm ngũ quả là mặt hàng chủ lực của chợ quê vùng đồng màu. Khu hàng hoa thơm ngát, rực rỡ sắc màu từ hồng đỏ, hồng trắng, thắm sắc hoa đào, màu vàng rực cúc vạn thọ, tím thẫm của violet… Cuối chợ ồn ã nhất với những âm thanh của gà, vịt, ngan, ngỗng; khu hàng thủy hải sản tiếng cá quẫy trong bể sục… Tất cả đã tạo nên âm sắc sống động của chợ Tết quê.

Gian hàng nón lá tại phiên chợ quê xã Giao Nhân (Giao Thủy).
Gian hàng nón lá tại phiên chợ quê xã Giao Nhân (Giao Thủy).

Chợ Bể xã Giao Nhân (Giao Thủy) vào những ngày giáp Tết đậm những nét riêng của phiên chợ vùng biển. Nằm ở vị trí trung tâm của huyện Giao Thủy, chợ Bể không chỉ là nơi giao thương của người dân các xã, thị trấn trong vùng mà còn thu hút nhiều thương lái từ các địa phương lân cận và cả người đi chợ ở Thái Bình vượt sông Hồng sang buôn bán. Chợ họp theo phiên vào các ngày tư, ngày tám âm lịch (mồng bốn, mồng tám, mười bốn, mười tám và hai mươi tư, hai mươi tám hàng tháng) nên phiên cuối năm càng thêm đông đúc. Ngoài việc hội tụ rất nhiều đặc sản như nước mắm, mắm tôm của xã Giao Châu; giò, chả, nem của Giao Yến; bánh chông, bánh phồng, miến dong của Giao Tiến; rau, củ, quả của Giao Phong; nón lá, chiếu cói, lưới, vó, dụng cụ đi biển của Thanh Hóa, Ninh Bình mang sang; lá dong, miến, măng, mộc nhĩ từ các tỉnh vùng cao đưa xuống…; ngoài ra phong vị Tết trong phiên chợ biển cuối năm là những hàng lá dong xanh, buộc ống giang để chẻ lạt gói bánh, bó giò, đậu đỗ, đường phên và trầu cau, mật ong… Chợ đông đúc nhộn nhịp bởi người dân biển chỉ khi Tết đến, Xuân về mới tạm dừng đi biển, có thời gian nghỉ ngơi thưởng thức những sản vật ruộng vườn, đồng bãi. Rồi những gian hàng nón, hàng chiếu cũng tấp nập. Ngay đến sản vật biển ngày thường những loại quý như  “chim, thu, nhụ, đé” thường được nhập cho người buôn đi các nhà hàng, ít khi ra chợ thì chợ Tết cũng ăm ắp cá khoai, cá đối, tôm he, tôm sắt, cua, ghẹ… Ngoài chợ Bể, các khu chợ lớn ở các thị trấn thị tứ có tuổi đời hàng trăm năm như chợ Bến xã Giao Phong, chợ Đại Đồng xã Giao Lạc (Giao Thủy), chợ Cồn thị trấn Cồn (Hải Hậu)… không khí cũng chộn rộn cả vùng quê.

Thường từ ngày 23 âm lịch là thời điểm chợ Tết bắt đầu nhộn nhịp. Sang đến ngày 28, 29 và 30 (năm đủ) khi kỳ nghỉ Tết chính thức bắt đầu, con cháu đi làm ăn xa mới có thời gian về lễ lạt tổ tiên, thăm gia đình, làng xóm. Trong hành trình về thăm quê ấy, chợ quê là điểm đến mà ai cũng háo hức mong chờ. Mua bó hoa vườn tươi rói, chùm quả chín, lễ dâng cúng tổ tiên; sắm sanh thêm ít quà bánh, vật dụng cho cha mẹ, anh em và không thể quên thưởng thức những món ăn thời thơ ấu; chào hỏi các bà, các chị làng trên, xóm dưới ríu ran. Với những đứa trẻ, niềm vui lớn nhất vào những ngày giáp Tết là sẽ được theo bố, mẹ đi chợ mua sắm quần áo, hoa quả, bánh kẹo hay chỉ đơn giản là đến chợ ăn món ăn yêu thích, ngắm người qua lại và mang đồ về cho mẹ.

Không gian phiên chợ quê xã Xuân Hòa (Xuân Trường) ngày Tết.
Không gian phiên chợ quê xã Xuân Hòa (Xuân Trường) ngày Tết.

Khung cảnh chợ quê cứ thế “đến hẹn lại lên” với bao cung bậc cảm xúc mặc cho dòng chảy thời gian cùng những biến cố xã hội xảy ra; diện mạo, không gian, tên làng, tên xã có thay đổi nhưng tinh thần, hồn cốt của đất và người vẫn được lưu giữ trong phiên chợ quê ngày Tết. Nơi mà cả người bán lẫn người mua đều quen mặt biết tên; nơi không có nói thách, mặc cả quá nhiều; nơi có bà có mẹ với đôi quang gánh tảo tần mong kiếm thêm đồng tiền tiêu Tết; nơi có đám trẻ con với ánh mắt háo hức mong chờ chiếc quần áo đẹp đi chơi xuân. Gặp trong phiên chợ Tết xã Yên Bình (Ý Yên), chị Trần Thị Yến đang sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Năm nào cũng vậy cứ đến Tết tôi cùng gia đình nhỏ của mình về quê ăn Tết với cha mẹ đôi bên. Dù ở nhà nội hay ngoại thì việc đi chợ Tết nhất định phải có trong lịch trình của cả nhà bởi qua đó chúng tôi sống lại ký ức tuổi thơ, cho các con trải nghiệm cuộc sống, văn hóa nơi quê cha, đất tổ.

Tranh Chợ hoa ngày Tết của họa sĩ Trần Nguyên.
Tranh "Chợ hoa ngày Tết" của họa sĩ Trần Nguyên.

Chợ gắn liền với cuộc sống người dân, với văn hóa cộng đồng dân cư nông thôn. Ngày nay, mặc dù tốc độ đô thị hóa ngày càng phát triển, xuất hiện thêm nhiều hình thức mua bán, giao thương mới như siêu thị, mua bán online nhưng những phiên chợ quê vẫn gắn liền với cuộc sống và in đậm trong tâm trí mỗi người dân đã từng lớn lên ở vùng nông thôn./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



Xem thêm bình luận