Cá ông Công, ông Táo vào vụ
.

Cá ông Công, ông Táo vào vụ

21:50, 30/01/2024

 

Cá ông Công, ông Táo vào vụ

Khoảng 50 năm trước, một số hộ gia đình ở xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc) đã mạnh dạn đưa con cá chép đỏ về nuôi. Cá có sắc đỏ óng ánh như "màu phát tài, phát lộc", mang lại may mắn trong dịp Tết nên được nhiều người chọn mua về cúng ông Công, ông Táo. Qua năm tháng, nghề nuôi cá nơi đây ngày càng phát triển. Về thăm những ao nuôi cá chép đỏ xã Mỹ Trung những ngày này mới thấy không khí vui tươi, nhộn nhịp của người dân làng cá chuẩn bị cho Tết ông Công, ông Táo. Mặc kệ thời tiết lạnh giá, dưới các ao nuôi và trên các bể cá người người xúm xít trả giá, bình phẩm màu sắc, kích cỡ từng loại cá. Ở các dong ngõ, từng đoàn xe máy, xe tải xếp hàng chờ lấy cá, người lao động hân hoan chuẩn bị thu hoạch thành quả sau một năm làm việc vất vả.

Cá chép đỏ được nuôi thời vụ, mang lại thu nhập cao cho người dân xã Mỹ Trung.
Cá chép đỏ được nuôi thời vụ, mang lại thu nhập cao cho người dân xã Mỹ Trung.

Để chuẩn bị cho Tết ông Công, ông Táo năm nay, trước khoảng 20 ngày, các hộ gia đình nuôi cá ở Mỹ Trung đã tất bật hút nước trong ao, chuyển cá vào các bể chuẩn bị xuất bán cho thương lái. Hiện toàn xã có 70% hộ gia đình nuôi cá chép đỏ, hộ ít nhất cũng có 2-3 ao. Thông thường bắt đầu từ tháng 6 âm lịch, người dân cho cá đẻ để phục vụ bán Tết. Những con cá giống bố mẹ được chăm sóc đặc biệt trong các bể riêng. Khi trứng nở được 4 ngày, người nuôi tách cá con ra các ao nuôi chăm sóc. Cá đạt kích cỡ 3 ngón tay là có thể thu hoạch được. Ông Trần Đình Điện ở thôn 10 là một trong những hộ gia đình có thâm niên nuôi cá chép đỏ lâu năm nhất, nhì xã với 7 sào ao nuôi cá.

Gia đình ông Trần Đình Điện, thôn 10 thu hoạch cá chép đỏ từ ngày 10 đến 15-12 âm lịch hàng năm.
Gia đình ông Trần Đình Điện, thôn 10 thu hoạch cá chép đỏ từ ngày 10 đến 15-12 âm lịch hàng năm.

Chia sẻ thêm về kỹ thuật nuôi cá chép đỏ, ông Điện cho biết: “Tôi cũng đã trải qua nhiều lần “được, mất” mới rút ra kinh nghiệm nuôi cá chép đỏ thành công, đặc biệt là kỹ thuật “hãm cá đẻ muộn”. Theo đó, tôi phải hạn chế cho cá ăn, để nước lưu cữu lâu. Tuy nhiên, nếu nước quá bẩn sẽ dẫn đến tình trạng cá bị ngạt khí và chết. Để xử lý tình trạng nước bẩn, tôi khắc phục bằng việc sử dụng máy sục nước”. Cá chép đỏ sau khi được kéo lên khỏi ao nuôi, chủ ao còn chuẩn bị sẵn túi lưới cho cá vào "ép" để thải hết lượng phân và thức ăn trong cơ thể, đồng thời giúp cá quen với môi trường chật chội, ôxy thấp khi vận chuyển. Cá chép đỏ ở Mỹ Trung được thị trường yêu thích vì có kích cỡ vừa phải, khỏe, màu đỏ tươi hoặc vàng, không có đốm, vây nhọn, vẩy ánh đẹp, râu đều hai bên.

Người dân ngâm mình trong nước lạnh vớt cá lên cho thương lái lựa chọn.
Người dân ngâm mình trong nước lạnh vớt cá lên cho thương lái lựa chọn.

Những ngày này, các hộ nuôi cá chép đỏ xã Mỹ Trung bắt đầu kéo lưới đánh cá khỏi ao. Cá sau khi đánh bắt được cho vào các bể tạm. Tuỳ vào kích thước các loại cá mà người nuôi “phân” vào các bể khác nhau. Có bể chứa cá kích cỡ từ 30-40 con/kg, có bể chứa cá trọng lượng 100 con/kg, “tiện” cho khách chọn lựa. Khi có khách mua, cá được đóng vào các bao ny lon, bơm đầy ôxy. Mùa cá Tết ông Công, ông Táo năm nay, ông Điện dự tính xuất bán khoảng hơn 2 tấn cá chép đỏ. Ngay từ tháng 11 âm, các thương lái, khách quen đều đã liên hệ với ông chốt số lượng cá, đặt cọc tiền trước. Nhiều mối buôn cẩn thận hơn còn về tận nơi tham khảo để tìm chọn cá. Tùy từng thời điểm mà giá cá chép đỏ lên xuống khác nhau.

Thả cá vào bể chứa để “ép” chờ các tiểu thương đến mua.
Thả cá vào bể chứa để “ép” chờ các tiểu thương đến mua.

Hiện tại, ông Điện đổ sỉ 1kg cá loại 30-50 con/kg có giá 80-90 nghìn đồng/kg; loại 100 con/kg có giá 60-70 nghìn đồng/kg. “Để có nguồn cá lớn cung ứng cho thị trường dịp ông Công, ông Táo, đầu tháng Chạp, gia đình tôi đã thu hoạch, chuyển cá từ ao nuôi lên bể, xuất đi các đầu mối đã đặt trước. Đầu mối nào không đặt trước mà chờ cận ngày ông Công ông Táo mới xuống mua thì sẽ không có hàng. Gia đình tôi chủ yếu xuất bán cá cho các tỉnh, thành: Hà Nội, Thái Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng”, ông Điện cho biết thêm. Cũng theo ước tính của ông Điện, với 7 sào ao, trừ chi phí, mỗi sào sẽ cho thu nhập 40 triệu đồng/sào.

Người dân phân loại cá chép đỏ.
Người dân phân loại cá chép đỏ.

Do ảnh hưởng thời tiết nên năm nay hầu hết cá tại các ao nuôi xã Mỹ Trung đều chậm lớn hơn so với mọi năm. Ước tính sản lượng cá chép đỏ của cả xã năm nay đạt khoảng 20-30 tấn. “Cá tuy có chậm lớn hơn nhưng điều đó không ảnh hưởng đến chất lượng cũng như sức mua của người dân”, ông Điện phấn khởi khẳng định.

Thương lái chọn mua cá ngay tại ao.
Thương lái chọn mua cá ngay tại ao.

Nhờ nuôi cá chép đỏ, đời sống của nhân dân trong xã Mỹ Trung ngày càng ấm no. Cũng từ nghề nuôi cá chép đỏ, người dân có điều kiện góp công, góp sức xây dựng nông thôn mới, quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân - Văn Huỳnh

 



Xem thêm bình luận