Tạo động lực tăng trưởng từ vùng kinh tế biển
.

Tạo động lực tăng trưởng từ vùng kinh tế biển

08:27, 08/02/2024
 

 

Về vùng kinh tế biển của tỉnh trong những ngày gần Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, chúng tôi cảm nhận sự phấn khởi, hồ hởi của cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Niềm vui rộn ràng đón Tết dường như được nhân lên bởi được chứng kiến vùng quê biển từng ngày đổi mới.

 

 

 

Thời gian qua, các huyện ven biển đã bám sát chủ trương, định hướng phát triển kinh tế biển (KTB) của Trung ương và Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 18-6-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo; căn cứ vào điều kiện thực tế đề xuất các chính sách, giải pháp thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) và phát triển các ngành công nghiệp tiềm năng, thế mạnh của vùng KTB. Từ năm 2021 đến hết tháng 5-2023, tại 3 huyện có biển đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn 22 dự án với tổng vốn khoảng 100 nghìn tỷ đồng và gần 17 triệu USD; trong đó một số dự án có tính chất trọng điểm, tạo diện mạo mới, là động lực cho phát triển vùng KTB. Tại Nghĩa Hưng có KCN Dệt may Rạng Đông quy mô lớn nhất tỉnh (502,31ha) được quy hoạch riêng để ưu tiên thu hút phát triển ngành dệt may theo công nghệ tiên tiến; hiện đã cơ bản hoàn thiện xây dựng cơ sở hạ tầng và lấp đầy khoảng 10,6% diện tích. Tập đoàn Xuân Thiện đã đầu tư chuỗi dự án lớn, trị giá gần 100 nghìn tỷ đồng trong lĩnh vực cơ khí thép xanh; trong đó đã khởi công dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn. Đây là nhóm dự án giữ vai trò đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ của huyện Nghĩa Hưng và là tiền đề, động lực để thành lập, phát triển Khu Kinh tế Ninh Cơ.

 

Phối cảnh Dự án Tổ hợp nhà máy thép của Tập đoàn Xuân Thiện đang được triển khai tại huyện Nghĩa Hưng.

 

Tại Hải Hậu, Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư phát triển Trường An đã được UBND tỉnh cho phép nghiên cứu, khảo sát, lập thủ tục đầu tư dự án xây dựng Tổng kho xăng dầu Trường An - Thịnh Long tại thị trấn Thịnh Long; đang tiếp tục đề xuất xây dựng cảng hàng lỏng tại khu vực cửa sông Ninh Cơ. Tập đoàn Xuân Thiện đang đề xuất xây dựng thành phố biển Thịnh Long. Mới đây, ông Sang Young Jin, Tổng Giám đốc Tập đoàn Taekwang (Hàn Quốc) cũng đã cam kết với tỉnh quyết tâm tiếp tục đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I theo hướng bổ sung công nghệ hiện đại, đảm bảo môi trường. Tại Giao Thuỷ, đã thu hút được nhà đầu tư xây dựng hạ tầng CCN Thịnh Lâm 20ha với tổng vốn trên 200 tỷ đồng; CCN Giao Thiện giai đoạn 1 quy mô 50ha; CCN Giao Yến 1 quy mô 75ha. Đã có nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước quan tâm, khảo sát, nghiên cứu đầu tư các khu vui chơi, giải trí, dịch vụ du lịch như: KCN Hải Long quy mô 1.100ha, khu dịch vụ du lịch biển Quất Lâm quy mô trên 1.000ha... 

 

Nông dân xã Hải Hà (Hải Hậu) nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao.  Ảnh: Việt Thắng

 

Các huyện có biển cũng tích cực hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ hàng hóa chất lượng cao, có thương hiệu; phát triển vùng nuôi ngao sạch liên kết Lenger Farm rộng 500ha trở thành vùng nuôi đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới đạt chứng nhận ASC (chứng nhận nuôi trồng thủy sản bền vững trên toàn thế giới) cho ngao Meretrix Lyrata; đã xuất khẩu thịt ngao đóng hộp Lenger sang châu Âu. Từng bước phát triển các hình thức du lịch sinh thái, cộng đồng, nghỉ dưỡng tại các khu du lịch tắm biển Quất Lâm, Thịnh Long, Rạng Đông, Vườn quốc gia Xuân Thủy, khu bảo tồn chứng tích biến đổi khí hậu Nhà thờ đổ xã Hải Lý. Các huyện có biển tiếp tục dẫn đầu trong kết quả xây dựng nông thôn mới của tỉnh; đưa vùng KTB dần trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; hàng năm đóng góp trên 26% tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh.

 

 

Trong lập Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh cũng đã có khung định hình rõ nét về không gian và các định hướng phát triển, thu hút đầu tư của vùng KTB.

 

Cụm công trình Kênh, Âu tàu Nghĩa Hưng với tổng mức đầu tư hơn 100 triệu USD hoàn thành và đưa vào khai thác tháng 7-2023.
Cụm công trình Kênh, Âu tàu Nghĩa Hưng với tổng mức đầu tư hơn 100 triệu USD hoàn thành và đưa vào khai thác tháng 7-2023.

 

Dựa trên nền tảng các liên kết nội vùng lẫn ngoại vùng, kết hợp giữa tiếp cận kinh tế - xã hội và tiếp cận không gian lãnh thổ, hướng tới sự phát triển cân bằng, đồng chất giữa các huyện, thành phố, tỉnh phân vùng KTB gồm các địa phương: Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường. Về các định hướng phát triển, các địa phương trong vùng KTB tham gia liên kết phát triển 3 hành lang kinh tế động lực chủ đạo, gồm: Hành lang cao tốc Bắc Nam nối dài (Hà Nội - Cao Bồ - Rạng Đông) đi qua các huyện và thị trấn: Thanh Liêm (Hà Nam) - Cao Bồ (Ý Yên) - Liễu Đề - Quỹ Nhất - Đô thị Rạng Đông với tổng chiều dài hơn 70km. Hành lang kinh tế ven biển (Nghĩa Hưng - Hải Hậu - Giao Thủy) đi qua các huyện và thị trấn Tiền Hải (Thái Bình) - Đại Đồng - Quất Lâm - Cồn - Thịnh Long - Rạng Đông - Bình Minh (Ninh Bình) với tổng chiều dài khoảng 60km. Hành lang Quốc lộ 21 (thành phố Nam Định - Xuân Trường - Giao Thủy) đi qua các huyện, thành phố và thị trấn Lý Nhân (Hà Nam) - Nam Định - Cổ Lễ - Cát Thành - Xuân Trường - Quất Lâm với tổng chiều dài khoảng 48km.

 

Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông, tạo đột phá phát triển kinh tế.
Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông, tạo đột phá phát triển kinh tế.

 

Tại vùng KTB sẽ phát triển 2 trung tâm đô thị động lực chủ đạo nhằm tăng trưởng dân số, dịch vụ và việc làm, định hướng dịch cư; làm đầu kéo phục vụ cho phát triển công nghiệp, dịch vụ trong tỉnh gồm: Khu vực đô thị Rạng Đông với hạt nhân gồm các thị trấn Rạng Đông, Quỹ Nhất, Thịnh Long và Khu kinh tế Ninh Cơ) là đối trọng của đô thị trung tâm vào năm 2030 và phát triển thành vị thế trung tâm vào năm 2050 với tính chất là trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch và KTB của tỉnh. Vùng đô thị Giao Thủy với hạt nhân gồm thị trấn Giao Thủy, đô thị Đại Đồng theo hướng là đối trọng của đô thị trung tâm vào năm 2030 và phát triển thành vị thế trung tâm vào năm 2050 với tính chất là trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch và KTB của tỉnh. Tỉnh xác định tại vùng KTB theo định hướng không gian mới sẽ rất thuận lợi để phát triển đô thị biển, KTB với đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó chú trọng phát triển 4 nhóm ngành gồm công nghiệp; thương mại, dịch vụ, du lịch biển; kinh tế hàng hải; nông nghiệp, nuôi trồng và khai thác hải sản. Bên cạnh đó, vùng KTB còn nhiều mặt thuận lợi khác, có thể lấn biển tạo thêm quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội.

 

 

 

Từ định hình về không gian và định hướng phát triển vùng KTB, trong năm 2023 các sở, ngành, các huyện tích cực triển khai công tác chuẩn bị nhằm thúc đẩy hình thành, phát triển không gian mới của vùng KTB như: Lập các quy hoạch huyện, vùng liên huyện; bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch phục vụ đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, cảng biển, bến cảng hàng lỏng... Tháng 10-2023, tỉnh đã hoàn thành hồ sơ đề án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ quy mô 13.950ha tại 2 huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng theo định hướng xây dựng, phát triển thành trung tâm kinh tế lớn trong giao thương quốc tế về công nghiệp, thương mại, du lịch và cảng biển của vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Tỉnh cũng tập trung chỉ đạo xây dựng hồ sơ đề cử Vườn quốc gia Xuân Thủy trở thành Vườn di sản ASEAN nhằm gia tăng điều kiện bảo tồn toàn diện các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, mang tính độc đáo và nâng tầm thương hiệu để thu hút đầu tư phát triển dịch vụ du lịch tại đây.

 

Bến cá Giao Hải, huyện Giao Thủy.

 

Bên cạnh đó, tỉnh ưu tiên nguồn lực lớn để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội tại vùng KTB. Trong đó, năm 2023 tỉnh quyết liệt phân bổ, bố trí vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng các đô thị, khu dân cư tập trung và đặc biệt ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông tạo diện mạo, không gian phát triển mới theo hướng đối ngoại, kết nối vùng KTB với các tỉnh lân cận trong vùng và với cả nước. Một số dự án quan trọng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả tích cực như dự án Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ, tỉnh lộ 488B; dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh; đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng: Giai đoạn II tuyến đường trục phát triển nối vùng KTB tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển, cầu vượt sông Đáy nối hai tỉnh Nam Định - Ninh Bình...

 

Vườn quốc gia Xuân Thủy mùa chim di trú.  Ảnh: Kiều Chung

 

Để tăng tốc hình thành, thúc đẩy phát triển tại không gian mới của vùng KTB, cùng với việc khẩn trương hoàn thành Đề án thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ, tổ chức lập Quy hoạch chung Khu kinh tế Ninh Cơ và hoàn thành các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết phục vụ công tác thu hút đầu tư, tỉnh triển khai các giải pháp huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm của vùng theo quy hoạch. Tích cực triển khai các thoả thuận hợp tác với Công ty Liên doanh TNHH KCN Việt Nam - Singapore (VSIP); Tập trung hỗ trợ Tập đoàn Xuân Thiện đẩy nhanh tiến độ triển khai Tổ hợp các dự án tại khu vực Cồn Xanh... Cùng với nhiều giải pháp, chương trình phát triển đồng bộ khác, quyết tâm hoàn thành thắng lợi mục tiêu đến năm 2030 vùng KTB trở thành cực tăng trưởng phía Nam của tỉnh./.

Thanh Thúy

 



Xem thêm bình luận