Những “người lái đò” thầm lặng cho trẻ em khuyết tật

09:05, 15/03/2024

Trên địa bàn xã Giao Nhân (Giao Thủy) có một ngôi trường đặc biệt, dành cho trẻ em khuyết tật mang tên Trường Trẻ em khuyết tật Giao Thủy. Đây là ngôi trường chuyên biệt duy nhất dành cho trẻ khuyết tật nằm trong hệ thống giáo dục tiểu học của tỉnh. Với trách nhiệm, lòng “yêu nghề, mến trẻ”, những năm qua, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường luôn tận tình chăm sóc, giảng dạy, giúp các em khuyết tật hòa nhập với cộng đồng.

Một tiết học nhạc của học sinh Trường Trẻ em khuyết tật Giao Thuỷ, xã Giao Nhân (Giao Thuỷ).
Một tiết học nhạc của học sinh Trường Trẻ em khuyết tật Giao Thuỷ, xã Giao Nhân (Giao Thuỷ).

Trường Trẻ em khuyết tật Giao Thủy tiền thân là Trung tâm phục hồi chức năng cho trẻ điếc, câm, được thành lập từ năm 1990. Trường có nhiệm vụ dạy văn hóa, kỹ năng sống, phục hồi chức năng và hướng nghiệp dạy nghề cho trẻ em khuyết tật. Hiện tại, trường tổ chức dạy trẻ khuyết tật 6 dạng tật: khiếm thính, khiếm tật trí tuệ, khuyết tật vận động, hội chứng Down (Đao) và mắc bệnh tự kỷ, đa tật ở nhiều độ tuổi khác nhau, từ 6-18 tuổi. Tổng cộng trường có 116 học sinh ở 10 lớp học, với 19 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Học sinh của trường chủ yếu ở các huyện Giao Thủy, Xuân Trường, Hải Hậu, Trực Ninh. Những năm qua, nhà trường luôn tạo điều kiện để các em hoàn thành chương trình tiểu học, sau đó tham gia các lớp học nghề may, nghề điện dân dụng để các em có thể lao động, nuôi sống bản thân và giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình. Hầu hết học sinh đều học bán trú tại trường; trong đó, hơn 50 em ở nội trú nên công việc của giáo viên ở đây vất vả gấp bội. Ngoài việc dạy dỗ, hàng ngày, các thầy, cô trong trường còn thay phiên nhau chăm sóc các em từ bữa ăn đến giấc ngủ, phục hồi các chức năng. Buổi trưa và tối đều có 3 cán bộ giáo viên, nhân viên ở lại cùng các em để kiểm tra, giải quyết các vấn đề phát sinh, đảm bảo các em học tập và sinh hoạt an toàn.

Hơn 30 năm gắn bó với Trường Trẻ em khuyết tật Giao Thủy, cô giáo Bùi Thị Minh Hương cho biết: “Hồi mới về trường, tôi rất bỡ ngỡ bởi các em học sinh ở đây rất đặc biệt. Có em không nghe được, không nói được, có em tưởng chừng không thể ngồi yên để học. Nhưng nhìn những khuôn mặt ngây thơ, những đôi mắt trong veo ánh lên niềm vui khi được đi học, tôi lại thấy có động lực để gắn bó với các em. Nếu cho tôi chọn lại, tôi vẫn chọn nghề giáo viên dạy học sinh khuyết tật”. Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong nghề, cô Hương hiểu rõ những khó khăn, vất vả của giáo viên trong lĩnh vực này. Mỗi học sinh tham gia học tại trường lại ở những dạng khuyết tật khác nhau tính cách khác nhau nên giáo viên phải tìm hiểu thật kỹ về các loại khuyết tật, biết rõ ưu điểm của học trò để có biện pháp riêng nhằm kích thích, giúp trẻ phát triển, phát huy được thế mạnh của mình. Cô Nguyễn Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường Trẻ em khuyết tật Giao Thủy cho biết: Công việc dạy một học sinh khuyết tật, nhất là trẻ tăng động, tự kỷ khó khăn hơn rất nhiều so với những kiến thức, kỹ năng chúng tôi được đào tạo. Nhưng giáo viên nản lòng thì gia đình các em cũng bỏ cuộc, đồng nghĩa với việc tương lai của các em cũng dần khép lại. Với suy nghĩ ấy mà các thầy, cô giáo trong trường tuy khó khăn nhưng vẫn động viên nhau, truyền cảm hứng, tình yêu thương qua những bài giảng, qua từng hành động, cử chỉ uốn nắn cho các em mỗi ngày. Dù ở nhóm đối tượng nào thì giáo viên cũng phải hiểu tâm lý, ngôn ngữ và đồng cảm với các em, giúp các em khắc phục khó khăn của bản thân, xóa bỏ mặc cảm. Ngoài việc nắm chắc tình trạng của mỗi em để lên kế hoạch giảng dạy phù hợp, giáo viên phải có lòng yêu trẻ, sự kiên nhẫn và khích lệ học sinh, tạo sự tin tưởng, giúp các em mạnh dạn, cố gắng đạt từng mục tiêu giáo viên đặt ra.

Để việc dạy và học đạt kết quả cao, nhà trường đã tích cực phối hợp với cha mẹ học sinh trong việc quản lý, can thiệp hành vi, phục hồi chức năng phù hợp với từng dạng tật; thường xuyên tổ chức các lớp học kỹ năng nói chuyện, giao tiếp cơ bản bằng ký hiệu để gia đình có thể giao tiếp với con dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, nhà trường cũng kết hợp các đoàn thể, tổ chức xã hội, Ban đại diện cha mẹ học sinh huy động trẻ khuyết tật trong độ tuổi đến trường. Chủ động phân loại dạng tật, đối tượng học sinh ngay từ đầu năm học, xây dựng kế hoạch cá nhân để hỗ trợ, giúp đỡ cho học sinh theo từng thời điểm thích hợp. Trường thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ, các hoạt động vui chơi tập thể ngoại khóa giúp các em tự tin, hòa mình vào các hoạt động tập thể. Anh Đoàn Trung Hải, ở xã Phương Định (Trực Ninh) có 2 con học tại trường. Cứ mỗi sáng thứ 2 đầu tuần anh lại đưa con đến trường, chiều thứ 6 đến đón các con về. Sau thời gian học tập tại trường, các con của anh đã có sự tiến bộ rõ rệt trong giao tiếp. Anh cho biết: “Cho con đến trường học là sự lựa chọn đúng đắn với tôi. Ở đây, các con không chỉ được học văn hóa, được vui chơi với các bạn cùng trang lứa mà còn được các thầy, cô giáo quan tâm, yêu thương. Các con về nhà đã có thể giao tiếp với bố mẹ qua các ký hiệu được học tại trường, từ đó gia đình biết rõ hơn được tính cách, sở thích, giữa con và bố mẹ như có thêm sợi dây gắn kết tình cảm”.

Được sự quan tâm của UBND huyện Giao Thủy, điều kiện về cơ sở vật chất của nhà trường đã được đầu tư kịp thời, nhất là trong những năm gần đây, cơ bản đáp ứng được yêu cầu dạy học. Đặc biệt, năm 2024, UBND huyện đã đầu tư cho trường xây thêm 12 phòng học và phòng chức năng với tổng kinh phí khoảng 8 tỷ đồng. Dự kiến năm 2026 sẽ hoàn thành. Hy vọng rằng, với sự quan tâm của các cấp chính quyền, các nhà hảo tâm, các em học sinh khuyết tật sẽ có môi trường học tập tốt, từ đó dần hòa nhập cộng đồng./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com