Nét đẹp lao động trong các làng nghề truyền thống 

08:31, 13/01/2023

Gần giáp Tết, nhịp lao động tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh càng thêm khẩn trương, sôi động. Người trồng cây cảnh nhanh tay đánh cây, tỉa, cắt hoa chuẩn bị cho vụ Tết. Thợ mộc, thợ cơ khí, thợ đúc đồng… cố gắng chạy đua với thời gian kịp hoàn thiện những khâu cuối cùng của sản phẩm bàn giao cho khách. Tại các cơ sở làm đồ vàng mã, hoa lụa… nhà nào cũng đầy ắp hàng, ánh điện sáng đến tận đêm khuya. Dưới những bàn tay lành nghề, cần mẫn, hàng trăm mặt hàng đang được nghệ nhân, thợ nghề liên tục cho xuất xưởng, phục vụ nhu cầu cuộc sống, nhân lên vẻ đẹp lao động. 

Anh Phạm Văn Triệu, xã Hải Nam (Hải Hậu) đang hoàn thiện các sản phẩm mộc mỹ nghệ.
Anh Phạm Văn Triệu, xã Hải Nam (Hải Hậu) đang hoàn thiện các sản phẩm mộc mỹ nghệ.

Anh Phạm Văn Triệu, xã Hải Nam (Hải Hậu) làm nghề mộc đến nay cũng đã được trên 15 năm. Tốt nghiệp THPT, anh Triệu không thi đại học mà sang xã Hải Vân, tìm đến một thợ mộc có tiếng học nghề. Ngoài thời gian học tại xưởng, anh còn theo thầy đi khắp làng phụ đánh giấy ráp, làm những công đoạn “lặt vặt”. Thỉnh thoảng, anh được thầy cho “kéo cưa”, xẻ những khối gỗ thành từng thanh, khúc phù hợp với từng loại hình chế tác, đóng những món đồ mộc nho nhỏ. Nghề mộc mỹ nghệ ngày càng “thấm dần” trong anh. Có những hôm rời xưởng, anh xin thầy vài thanh gỗ nhỏ về nhà tự đẽo gọt hoặc cắt xẻ đóng thành những vật dụng nhỏ xinh. Thành thạo nghề, anh từng theo các hội thợ có tiếng trong xã và xã Hải Vân đi khắp nơi nhận công trình, kiếm sống. Có thời gian anh còn vào Sài Gòn làm mộc. Sau này, do điều kiện hoàn cảnh gia đình neo người, anh quay về quê lập nghiệp. Cùng với những người thợ trong xã, anh đã từng hoàn thành những công trình tiền tỷ, những lâu đài, biệt thự khắp các tỉnh, thành. Với niềm đam mê và kiến thức cơ bản về gỗ, về cách chế tác các sản phẩm đồ gỗ đã tích lũy được trong quá trình học hỏi, khi có vốn, anh mở xưởng, đứng ra tự nhận công trình riêng. Ban đầu, xưởng nhận làm những đơn hàng nhỏ, chủ yếu là các sản phẩm đồ thờ, bàn, ghế, giường… sau này chuyển sang làm nhà sàn, cửa, nhà cổ... Làm nghề mộc, theo anh cái khó nhất là cần phải tỉ mỉ, có con mắt thẩm mỹ để tư vấn, thiết kế đồ gỗ. Nghề mộc còn đòi hỏi phải biết tính toán tỷ lệ với độ chính xác cao, thậm chí không được “sai số”. Cẩn thận, tỷ mẩn, đam mê nghề cộng thêm có hoa tay, xưởng mộc của anh Triệu ngày càng mở rộng được quy mô, tạo việc làm thường xuyên cho 3-5 lao động địa phương. “Điều tôi hài lòng hơn cả sau mỗi công trình là các sản phẩm làm ra đều đảm bảo yêu cầu kỹ, mỹ thuật, được khách hàng đánh giá cao. Đây là phần thưởng quý giá cho mọi thợ nghề chúng tôi”, anh Triệu tâm sự.

Chúng tôi gặp ông Đỗ Tình, xóm Trung Thành, xã Nam Phong (thành phố Nam Định) khi ông đang tỉ mỉ chăm sóc vườn quất cảnh vàng ươm của gia đình. Ngoài 60 tuổi nhưng ông Tình đã có ngót 50 năm gắn bó với ruộng hoa, vườn quất. Quanh năm gắn bó đồng ruộng, ông chỉ ngơi tay khi nào ốm “liệt giường”. Xòe đôi bàn tay chai sạn, cháy nắng, thỉnh thoảng còn có vết sẹo, ông Tình bảo, “đây là “sản phẩm” của những lần đánh cây không may bị dao, thuổng cứa trúng. Tuy nhiên, cứ ra ruộng là tôi khỏe người, hôm nào không ra thăm vườn cây lại cảm thấy như thiếu thứ gì đó”. Gắn bó mật thiết với ruộng đồng, cây cối, ông Tình “nhắm mắt” cũng có thể biết cây quất nào đang bị bệnh gì, cần phải chăm sóc, phun thuốc phòng trừ ra sao. Hơn chục năm trở lại đây, do điều kiện sức khỏe, ông chuyển hẳn sang trồng quất. Trồng quất, theo ông Tình đòi hỏi nhiều kỹ thuật hơn nhưng cũng đỡ vất vả hơn trồng hoa. Trong các quy trình trồng quất, việc chăm sóc và tạo thế cho cây đòi hỏi nhiều kỹ thuật hơn cả. Bởi, đây là giống cây… không có thế. Nếu các loại sanh, si, tùng… người thợ chỉ việc “nương” theo các thế ban đầu để bắt dáng thì quất hầu như chỉ có một dáng duy nhất… là mọc thẳng. Để tạo nên dáng, thế cho quất, ông Tình lên ý tưởng ngay từ khi bắt đầu trồng cây, nắn cây theo tính toán của mình. Một cây quất đẹp là cây có độ dày lá vừa phải, có đủ lộc, hoa, quả trên cây phải sáng mã. Tổng thể cây như thế, yêu cầu những người thợ làm vườn phải bỏ ra rất nhiều tâm sức. Với trên 100 gốc quất, mùa quất Tết hàng năm, ngay từ cuối tháng 11, đầu tháng 12, vườn của ông Tình đã có người đặt mua. Hàng năm, trừ chi phí, ông thu về hàng trăm triệu đồng. Kinh nghiệm làm nghề lâu năm cộng với sự cần cù, chịu khó, lam lũ đã giúp cho lão nông Đỗ Tình duy trì nhà vườn phát đạt trong vài chục năm, là “địa chỉ tin cậy” cho nhiều người yêu hoa, quất cảnh trong và ngoài tỉnh tìm đến.

Bà Nguyễn Thị Liên, xã Xuân Tiến (Xuân Trường) năm nay đã chạm ngưỡng tuổi “thất thập cổ lai hy”. Mặc dù tuổi đã cao bà vẫn ngày đêm cần mẫn làm việc như bất cứ một thợ cơ khí “sung sức” nào. Nhìn bà ngồi hàn, mặt mũi che kín mít, bàn tay thoăn thoắt điều khiển máy, chúng tôi còn ngỡ là một… nữ lao động trung niên nào đó. Sinh ra ở đất làng nghề, ngay từ khi còn bé bà Liên đã quen với tiếng gõ, tiếng quai búa, hơi nóng từ các bễ lò rèn. Vào tuổi thiếu nữ, bà Liên lập gia đình với một người cùng làng và nối tiếp nghề như lẽ… tự nhiên. Lấy chồng, sinh con, ngoài việc bếp núc, chăm sóc gia đình bà còn là một thợ cơ khí tài hoa, giỏi nghề. Cùng với gia đình, bà đã tham gia vào việc chế tạo nhiều loại máy móc mang thương hiệu của xã như: máy tuốt lúa, máy trộn đảo bê tông, máy chế biến gỗ… Mặc dù tuổi cao lại không được học hành nhiều xong trong quá trình làm việc thực tế tại xưởng, bà luôn tự học, tìm tòi để nâng cao kiến thức, tay nghề… Chúng tôi hỏi bà, khi nào có ý định “nghỉ hưu”, bà Liên cho biết: “Còn sức khỏe thì còn lao động, còn làm việc để cùng với các con cháu xây dựng kinh tế gia đình. Tôi quen vất vả, bận rộn từ xưa, giờ mà nghỉ làm, ngồi không chắc không chịu nổi”. Chăm chỉ, chịu khó bà Liên cùng những người thân trong gia đình đã gây dựng được cơ ngơi, nhà xưởng rộng lớn, đạt doanh thu cao, tạo việc làm cho lao động địa phương. Bà Liên đang cùng với nhiều phụ nữ khác ở Xuân Tiến bằng sức lao động, đôi bàn tay khéo léo, kiến thức tạo nên nhiều sản phẩm cơ khí hữu ích cho cuộc sống, có giá trị kinh tế cao.   

Những thợ nghề mà chúng tôi gặp ở các làng nghề đều có điểm chung là rất yêu lao động, năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Vì vậy, thành quả công việc họ thu được rất đáng tự hào. Họ cũng chính là những tấm gương người lao động chân chính luôn có ý thức vươn lên xây dựng kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống, xứng đáng để nhiều người học tập, noi theo. Từ đó, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, ấm no./.

Bài và ảnh: Hoa Quyên

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com