Nhân rộng mô hình thư viện thân thiện trong trường tiểu học

08:57, 15/11/2022

Chứng kiến một tiết đọc truyện tại Thư viện thân thiện theo mô hình Room to Read của học sinh Trường Tiểu học Xuân Hòa (Xuân Trường), có thể thấy mô hình giúp học sinh tiếp cận sách rất dễ dàng. Sách được phân loại theo trình độ đọc tương ứng từng lứa tuổi, được dán mã màu và xếp trên kệ có màu tương ứng. Nhờ đó, học sinh dễ dàng tìm thấy sách phù hợp và tự lấy sách để đọc. Thư viện cũng có đủ không gian để học sinh tham gia các dạng hoạt động: cá nhân, theo cặp, nhóm. Trường sắp xếp thời khóa biểu tiết đọc sách thư viện cho tất cả các lớp; duy trì thực hiện đúng thời khóa biểu, có lịch mượn, trả sách đầy đủ cho tất cả các khối lớp... Hình thức đổi mới thư viện này đã tạo không gian mở tối đa, giúp học sinh tiếp cận và đọc sách rất nhẹ nhàng, tự nhiên, thú vị. 

Một tiết đọc sách tại Thư viện thân thiện của học sinh Trường Tiểu học Nam Mỹ (Nam Trực).
Một tiết đọc sách tại Thư viện thân thiện của học sinh Trường Tiểu học Nam Mỹ (Nam Trực).

Nhận xét về mô hình, thầy Vũ Đình Hường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Mô hình Thư viện thân thiện Room to Read đang phát huy rất tốt vai trò, tác dụng đối với mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất học sinh theo tinh thần mà chương trình GDPT 2018 hướng tới. Song song với các giờ học trên lớp, học sinh có giờ học, đọc tại thư viện theo phương thức giáo dục mở, thân thiện, giúp học sinh được tự do, chủ động tìm hiểu, khám phá kiến thức thông qua việc áp dụng mô hình thư viện tiên tiến.

Mô hình Thư viện thân thiện Room to Read do Bộ GD và ĐT phối hợp với Tổ chức Room to Read triển khai tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có Nam Định, từ năm học 2019-2020. Ở tỉnh ta, mô hình được ngành GD và ĐT tỉnh triển khai thí điểm tại 25 trường tiểu học. Nhiều trường tiểu học đã thực hiện mô hình rất tốt như các trường tiểu học: Nguyễn Văn Trỗi, Chu Văn An (thành phố Nam Định); thị trấn Gôi, B Hiển Khánh, C Thành Lợi (Vụ Bản); Yên Tiến (Ý Yên); Rạng Đông (Nghĩa Hưng); Nam Tiến (Nam Trực); Trực Nội (Trực Ninh); Xuân Hoà (Xuân Trường); Giao Yến (Giao Thuỷ); Hải Hà, Hải Hoà (Hải Hậu). Từ việc triển khai mô hình, các nhà trường còn tổ chức được nhiều hoạt động giáo dục có tính sáng tạo, kích thích tinh thần ham học hỏi, tìm tòi của học sinh như: tổ chức triển lãm tranh; sáng tạo các sản phẩm tái chế qua CLB STEM; thi giới thiệu sách bằng hình thức bình chọn video đặc sắc, tiêu biểu như Trường Tiểu học Nam Tiến (Nam Trực) tổ chức Ngày hội sách; Trường Tiểu học Trần Nhân Tông (thành phố Nam Định) tổ chức “Dự án sống xanh” và cuộc thi “Mở sách - mở thế giới”; nhiều trường tổ chức thi “Rung chuông vàng”, “Ngày hội trăng rằm”, “Hội Xuân”, “Hành trang vào lớp 1”, “Kỹ năng tham gia giao thông an toàn”... Các hoạt động đọc sách, tổ chức các tiết dạy trong thư viện cũng được các trường tổ chức định kỳ góp phần nâng cao văn hóa đọc trong các nhà trường. 

Năm học này, Trường Tiểu học Nam Mỹ (Nam Trực) là 1 trong 40 trường tiểu học trên toàn tỉnh đăng ký triển khai mô hình Thư viện thân thiện Room to Read. Thầy Ngô Trung Nghĩa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Những năm qua, trường luôn quan tâm công tác xây dựng thư viện trường học, tạo điều kiện phát triển văn hóa đọc cho học sinh. Để khích lệ và hướng học sinh phát triển văn hóa đọc, nhà trường quan tâm đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất như giá sách, bàn đọc, đặc biệt quan tâm bổ sung số lượng sách và truyện theo mã màu. Năm học 2022-2023, toàn trường có 898 học sinh/25 lớp, trong đó số sách thư viện nhà trường đạt khoảng 4.000 đầu sách. Nhờ hoạt động hiệu quả thư viện, chất lượng giáo dục nhà trường có bước chuyển biến tích cực, luôn nằm trong tốp đầu khối tiểu học của huyện về chất lượng giáo dục toàn diện. Năm 2021, thư viện nhà trường được công nhận Thư viện tiên tiến. Năm học 2022-2023, nhà trường đăng ký xây dựng Thư viện thân thiện Room to Read. Để triển khai mô hình, ngay từ đầu năm học, cùng với việc cử cán bộ quản lý, nhân viên thư viện, giáo viên tham gia lớp tập huấn về mô hình do Sở GD và ĐT tổ chức, nhà trường đã dành diện tích để thiết lập thư viện theo mô hình Room to Read. Bên cạnh đó, trường tập trung triển khai quy trình thiết lập thư viện; tổ chức tiết đọc, học tại thư viện nhằm xây dựng văn hoá đọc ở trường... Những tiết cùng đọc và đọc to nghe chung rất hấp dẫn học sinh. Sau khi đọc sách tại thư viện, học sinh có những hoạt động mở rộng cảm thụ riêng theo khả năng, năng khiếu xoay quanh chủ đề vừa được đọc. Các em có thể viết, vẽ, làm thơ, thảo luận… tuỳ thuộc tư duy sáng tạo của bản thân.

Mô hình thư viện Room to Read lấy học sinh làm trung tâm, với mục đích nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của thư viện trường tiểu học thông qua việc tổ chức hoạt động đọc ngay tại trường nhằm hình thành thói quen đọc sách cho các em đang tiếp tục được Sở GD và ĐT chỉ đạo nhân rộng đến các trường tiểu học. Từ việc triển khai thí điểm ở 25 trường tiểu học, đến nay, toàn tỉnh có 160/230 trường tiểu học đang triển khai mô hình. Theo Ban giám hiệu các trường tiểu học triển khai mô hình, ưu điểm lớn nhất của mô hình thư viện này là đã thay đổi hoàn toàn về hình ảnh của thư viện truyền thống trong nhà trường. Từ những thư viện truyền thống như kho chứa sách, thư viện đã được mở rộng về diện tích, thiết kế sáng tạo, đẹp mắt, tạo ra một không gian, môi trường đọc sách thân thiện với học sinh. Các loại đồ dùng, thiết bị được trang bị đầy đủ, đáp ứng tốt nhất cho việc đọc của học sinh như: Giá, kệ, giỏ đựng sách, bàn ghế, thảm xốp trải phòng, hệ thống bảng biểu... Việc bố trí hợp lý như trên đã tạo không gian thân thiện, gần gũi với các em. Ngoài ra, quy trình mượn sách cũng đơn giản để khuyến khích các em chủ động mượn sách. Thư viện có bảng hướng dẫn học sinh tự tìm sách theo mã màu phù hợp trình độ đọc. Ví dụ: Xanh lá, đỏ, cam, trắng, xanh dương, vàng, trong đó: Xanh lá (0-7 từ/câu), đỏ (1-10 từ/câu), cam (3-12 từ/câu), trắng (6-13 từ/câu), xanh dương (7-15 từ/câu), vàng (không giới hạn). Tại thư viện, cán bộ thư viện và giáo viên giúp học sinh tìm sách phù hợp với trình độ đọc, làm mẫu thế nào là đọc tốt và đọc hay, giúp các em cảm thấy thư viện là nơi thoải mái và không bị áp lực khi đọc. Ngoài ra, đến thư viện, học sinh còn được biết và rèn kỹ năng tra cứu tài liệu và được khuyến khích đọc nhiều loại sách khác nhau qua việc tự tìm tài liệu phục vụ việc học tập và nâng cao kiến thức... qua các góc hoạt động khác nhau như: “Góc trò chơi phát triển ngôn ngữ”, “Góc tra cứu”, “Góc sáng tạo”.

Để tiếp tục khuyến khích nhân rộng mô hình, ngay khi bước vào năm học mới 2022-2023, Sở GD và ĐT đã phối hợp với Tổ chức Room to Read tổ chức tập huấn triển khai mô hình Thư viện thân thiện cho 135 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thư viện của 40 trường tiểu học đăng ký thực hiện mô hình trong năm học này. Nội dung tập huấn bao gồm: Thiết lập và quản lý thư viện, Tiết đọc thư viện theo mô hình của Room to Read. Thông qua lớp tập huấn, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thư viện hiểu được mục đích của chương trình thư viện thân thiện, nắm rõ vai trò của các thành viên liên quan trong nhà trường trong việc vận hành thư viện, nắm được các đặc điểm của một thư viện thân thiện và các bước tổ chức tiết đọc thư viện. Qua đó đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của thư viện thân thiện tại các trường tiểu học trong toàn tỉnh./. 

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com