Đảng bộ xã Giao Lạc lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội

08:39, 25/11/2022

Những năm qua, Đảng bộ xã Giao Lạc (Giao Thủy) đã đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, tập trung lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Quang cảnh nông thôn mới nâng cao xã Giao Lạc.
Quang cảnh nông thôn mới nâng cao xã Giao Lạc.

Đồng chí Đinh Văn Hạ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Giao Lạc cho biết, Đảng bộ xã hiện có 298 đảng viên, sinh hoạt ở 13 chi bộ. Hàng năm, Đảng ủy xã đều ban hành các nghị quyết chuyên đề phát triển kinh tế, đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. UBND xã, các ban, ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa những cây, con giống mới năng suất cao vào sản xuất; đầu tư mở rộng diện tích các mô hình trang trại, gia trại; phát triển đàn gia súc, gia cầm, tạo sản phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường; tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các nguồn vốn phát triển kinh tế. Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế ở địa phương, Đảng ủy xã phân công các đồng chí đảng ủy viên hàng tháng về dự sinh hoạt cùng các chi bộ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, kịp thời có giải pháp trong chỉ đạo phát triển kinh tế. 

Từ việc lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy xã về phát triển kinh tế đã tạo điều kiện, phát huy được tính tích cực vươn lên của người dân. Trong 9 tháng đầu năm 2022, sản lượng lương thực của xã đạt gần 70 tấn/ha. Hiện, tổng số đàn vật nuôi đã phát triển lên 25.740 con. Xã đã xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó xác định ngành hàng, sản phẩm chủ lực là lúa Đài Thơm 8, có mô hình trồng rau, củ, quả hữu cơ do HTX nông nghiệp Trường Xuân với diện tích 8ha trực tiếp sản xuất theo quy trình hữu cơ (VietGAP), đã được cấp giấy chứng nhận, có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Năm 2021, sản lượng dưa lê, dưa hấu trên 100 tấn/năm, sản phẩm dưa lê, dưa hấu được công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao; doanh thu hàng năm gần 2,1 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp, Đảng ủy, UBND xã đã lãnh đạo, chỉ đạo, vận động, khuyến khích nhân dân đầu tư phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề truyền thống. Một số ngành nghề mới phát triển như: may mặc, nuôi ngao, nghề làm mộc... phát triển mạnh, giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động có việc làm ổn định với mức thu nhập đạt 5-6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) để đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống. Đến nay, Hội Nông dân xã có 8 tổ tiết kiệm và vay vốn với Ngân hàng CSXH số dư nợ gần 9 tỷ đồng cho 244 hộ vay; Hội Phụ nữ xã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ hỗ trợ cho 53 thành viên vay trên 800 triệu đồng với lãi suất thấp để phát triển kinh tế; nhận ủy thác từ Ngân hàng CSXH cho 235 lượt hội viên vay với số dư nợ trên 8,3 tỷ đồng... Tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên đạt 96,82%, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 65,3 triệu đồng/người/năm, xã không còn hộ nghèo.

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, xã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện vệ sinh môi trường, cảnh quan nhà ở, tham gia làm đường giao thông nông thôn. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình xây dựng cơ bản, các thiết chế văn hóa từ xã đến thôn... Cụ thể, xã đã cải tạo, sửa chữa 3 phòng học trường tiểu học, 12 phòng học và các công trình phụ trợ trường THCS, xây mới 1 phòng học trường mầm non; triển khai xây dựng nhà đa năng và 6 phòng học của trường tiểu học. Sửa chữa, nâng cấp lò đốt rác thải, xây dựng mới nhà xử lý rác hữu cơ. Hỗ trợ kinh phí làm đường dong xóm, đường liên xóm của xóm 2, xóm 5, triển khai xây dựng kè sông VB11 trên 3km. Định kỳ hàng tháng xã phát động tổ chức tổng vệ sinh môi trường trên địa bàn, kết hợp trồng, chăm sóc hoa, cây bóng mát tạo cảnh quan môi trường thường xuyên sáng - xanh - sạch - đẹp. Đến nay, các trục đường xã, liên xã, đường trong khu dân cư đã trồng được 15,3km đường có cây bóng mát; 12,5km đường được trồng hoa; đường trong khu dân cư lắp đặt điện chiếu sáng. Trên địa bàn xã, các xóm thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, trong đó có 1.847/3.400 hộ thực hiện phân loại rác thải tại nguồn bằng 2 thùng chứa rác riêng biệt; 100% các xóm đều xử lý rác hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình. Các khu dân cư có hệ thống thu gom nước thải, tiêu thoát nước mưa không để tắc nghẽn, ngập úng. Các khu dân cư tập trung có điểm thu gom và có hố ga lắng, lọc bằng cát, đá... trước khi đổ ra kênh mương. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được phát huy thông qua các hoạt động sinh hoạt văn hóa của địa phương; toàn xã có trên 92% hộ gia đình đạt gia đình văn hóa, 100% số xóm đạt tiêu chuẩn xóm văn hoá, trong đó có 72,7% số xóm đạt tiêu chuẩn xóm văn hóa 5 năm liên tục trở lên. Với những kết quả đạt được, xã Giao Lạc được UBND tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021.

Với mục tiêu xây dựng xã NTM kiểu mẫu năm 2023, Đảng bộ xã tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết các tổ chức chính trị - xã hội; đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế, thương mại dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp; chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com