Sôi nổi các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong nhà trường

08:51, 24/11/2022

Những năm gần đây, bên cạnh các hoạt động chuyên môn, nhiều trường học trong tỉnh đã chú trọng tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, khơi gợi sự hứng thú, niềm vui và sự phấn khởi, giúp các em học sinh phát triển một cách toàn diện hơn. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là một hoạt động giáo dục của Chương trình đổi mới giáo dục phổ thông đã và đang trở thành chiếc cầu nối giữa nhà trường, kiến thức các môn học với học sinh thông qua thực tiễn cuộc sống một cách có tổ chức, có định hướng… góp phần tích cực vào hình thành và củng cố năng lực và phẩm chất nhân cách của học trò. 

Cô và trò Trường Mầm non Giao Thịnh (Giao Thủy) trong một hoạt động trải nghiệm.
Cô và trò Trường Mầm non Giao Thịnh (Giao Thủy) trong một hoạt động trải nghiệm.

Trường THCS thị trấn Cồn (Hải Hậu) là đơn vị thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa thiết thực giúp học sinh phát triển toàn diện. Trong một buổi hoạt động trải nghiệm, nhóm Ngữ văn lớp 8 đã tổ chức chuyên đề ngoại khóa dạy học trải nghiệm sáng tạo với chủ đề “Thuyết minh về cách chế biến món ăn” nhằm tạo điều kiện cho học sinh tham gia các hoạt động thực tiễn, trải nghiệm kỹ năng chế biến các món ăn trong cuộc sống thường ngày, qua đó nuôi dưỡng ý thức sống tự lập, vận dụng những kỹ năng đó vào thực tế gia đình, xã hội. Để hoạt động hiệu quả, các em được chủ động tham gia vào tất cả các khâu của quá trình trải nghiệm như: học và nghiên cứu lý thuyết, xem video clip cách nấu canh rau ngót với thịt băm, cách nấu xôi khúc, cách chế biến các món từ xúc xích, cách gói bánh chưng truyền thống... đến việc chuẩn bị nguyên vật liệu, thực hiện và đánh giá kết quả hoạt động phù hợp với đặc điểm lứa tuổi và khả năng của bản thân; được bày tỏ quan điểm, ý tưởng, được đánh giá và lựa ý tưởng, tự đánh giá kết quả hoạt động của bản thân, của nhóm mình và của bạn bè. Trong một hoạt động trải nghiệm khác, các em được tham quan khu di tích lịch sử Chùa Cồn, là di tích gắn liền với lịch sử lấn biển khai hoang, tạo lập làng xóm của địa phương. Buổi học trải nghiệm đã cung cấp cho học sinh những kiến thức cần thiết để phục vụ cho chuyên đề “Thuyết minh về di tích lịch sử của quê hương em”, tạo cơ hội cho các em ý thức tự học, làm việc với tư liệu thực tế, được đi thăm, tìm hiểu và học hỏi kiến thức về các di tích lịch sử... từ đó các em có được những kinh nghiệm thực tế để học tập tốt hơn, áp dụng vào bài học của mình. Qua hoạt động này, nhiều học sinh cảm nhận được những vẻ đẹp đặc trưng của kiểu bài văn bản thuyết minh về danh lam thắng cảnh (di tích lịch sử) và bổ sung thêm những kiến thức thông qua quá trình tìm tòi, tìm hiểu, tích lũy được để có cái nhìn đa dạng về thế giới xung quanh. Hoạt động dạy và học này đã bám sát Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018: Giáo dục chuyển từ hướng tiếp cận nội dung sang hướng tiếp cận năng lực và phẩm chất của học sinh. 

Còn tại Trường Mầm non xã Giao Thịnh (Giao Thủy) có khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, nhà trường bố trí đa dạng các mô hình trải nghiệm ngoài trời như: vườn cây xanh, xích đu, cầu trượt, đồi núi, mô hình các loài vật, trò chơi dân gian, góc khám phá… Khu vực vui chơi của trẻ cũng được nhà trường bố trí và bổ sung thêm một số đồ chơi phát triển kỹ năng quan sát, ghi nhớ, tư duy, so sánh, phán đoán như: khu vực chợ quê để các bé chơi bán hàng, khu vực chơi với cát, nước, đá, sỏi… Việc sắp xếp, bố trí các khu vực hoạt động cho trẻ được tính toán phù hợp với khuôn viên nhà trường và tận dụng tối đa cơ hội để trẻ được trải nghiệm với các thiết bị trên sân. Ngoài ra, các bé còn thường xuyên được tham gia các hoạt động giải trí, văn nghệ, trò chơi dân gian tại sân trường. Bên trong mỗi lớp học đều được trang trí màu sắc sinh động có hình nhân vật ngộ nghĩnh, có không gian phù hợp, gần gũi, quen thuộc với cuộc sống của trẻ. Mỗi nhóm/lớp có đầy đủ các khu vực, góc hoạt động như: xây dựng, phân vai, tạo hình, sách, khám phá, âm nhạc và vận động, tập làm nội trợ. Đây là nơi trẻ có thể tự chơi theo ý thích cá nhân, phù hợp chủ đề theo từng đôi, nhóm nhỏ, nhóm lớn cùng sở thích để trẻ học cách tự quyết định, chia sẻ và cộng tác; được thực hành, tích lũy kinh nghiệm phong phú, mở rộng trí tưởng tượng và bộc lộ khả năng, giúp phát triển toàn diện. Căn cứ nhu cầu, khả năng của trẻ, giáo viên từng nhóm, lớp đã xây dựng và tổ chức các hoạt động giáo dục. Vì vậy, kiến thức và kỹ năng của trẻ nâng cao, trong đó có trẻ đạt về ngôn ngữ và nhận thức luôn ở mức 96-98%.

Hoạt động học tập trải nghiệm sáng tạo là các hoạt động giáo dục thực tiễn được tiến hành song song với hoạt động dạy học trong nhà trường. Hoạt động này là một bộ phận của quá trình giáo dục được tổ chức ngoài giờ học các môn văn hóa ở trên lớp và có mối quan hệ bổ sung, hỗ trợ cho hoạt động dạy học. Thông qua các hoạt động thực hành, những việc làm cụ thể, học sinh sẽ phát huy vai trò cụ thể, tính tích cực, chủ động, tự giác và sáng tạo của bản thân. Các em được tham gia vào tất cả các khâu của quá trình hoạt động từ thiết kế, chuẩn bị, thực hiện và đánh giá kết quả. Đây cũng được coi là phương pháp dạy học thật sự ưu việt cho sự phát triển năng lực sáng tạo, giúp các em tự chiếm lĩnh kiến thức, hình thành các kỹ năng, giá trị và phẩm chất của bản thân. Thực hiện chỉ đạo của Sở GD và ĐT về tăng cường các hoạt động trải nghiệm gắn học tập với thực tiễn, các nhà trường từ cấp mầm non đến THPT đã và đang tích cực thực hiện nhiều chuyên đề học tập dưới dạng hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Trước những hiệu quả từ phương pháp dạy học trải nghiệm sáng tạo mang lại, ngành GD và ĐT khuyến khích các nhà trường thường xuyên triển khai các chuyên đề, tiết dạy học theo hướng trải nghiệm sáng tạo, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đổi mới phương pháp dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com