Quyết liệt phòng ngừa lây lan bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò

07:04, 14/04/2021

Từ đầu năm 2021 đến nay, bệnh viêm da nổi cục (VDNC) liên tục xuất hiện, lây lan trên đàn trâu, bò ở các địa phương trong tỉnh. Hiện chưa rõ nguyên nhân phát sinh một số ổ dịch VDNC trên đàn trâu, bò. Vì vậy, việc triển khai các biện pháp phòng bệnh cần được các địa phương, người chăn nuôi thực hiện quyết liệt để bảo đảm an toàn đàn vật nuôi.

Cán bộ thú y xã Nghĩa Phú (Nghĩa Hưng) lấy mẫu xét nghiệm bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò.
Cán bộ thú y xã Nghĩa Phú (Nghĩa Hưng) lấy mẫu xét nghiệm bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò.

Bệnh VDNC xuất hiện lần đầu tiên ở tỉnh ta từ ngày 7-1-2021 tại 2 hộ ông Đặng Văn Thiếu, xóm Thị 9 và Phan Văn Khánh, xóm Dứa, xã Hồng Quang (Nam Trực). Sau đó bệnh tiếp tục xảy ra ở các xã Giao Thiện (Giao Thủy); Minh Tân (Vụ Bản); Nghĩa Trung, Nghĩa Phú (Nghĩa Hưng)... Đến thời điểm này bác Thiếu vẫn chưa biết nguyên nhân vì sao đàn bò của gia đình mắc bệnh. Bác cho biết: Đàn bò đang khỏe mạnh bình thường thì tự nhiên có hiện tượng nổi u cục ở da đầu, cổ, yếm, giảm ăn; đặc biệt con bê 40 ngày tuổi nổi u cục toàn thân, suy nhược, nhiều dịch mũi, khó thở, bỏ bú… Ngay sau khi nhận được thông tin, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT) đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm. Ngày 8-1-2021, Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương có phiếu trả lời kết quả xét nghiệm số 202/CĐ-XN kết luận 2/2 mẫu bệnh phẩm dương tính với vi-rút gây bệnh VDNC. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tiến hành tiêu hủy 1 con bê mắc bệnh nặng của hộ ông Đặng Văn Thiếu theo đúng quy trình kỹ thuật... Theo số liệu thống kê của Sở NN và PTNT đến ngày 1-4-2021, toàn tỉnh đã có 120 con trâu, bò của 76 hộ ở 27 xã thuộc 7 huyện bị bệnh VDNC. Đã có 3 con bò của các hộ ở xã Hồng Quang (Nam Trực), Hải Phúc (Hải Hậu) và Giao Thịnh (Giao Thủy) bị bệnh nặng phải tiêu hủy. Có 9 xã, thị trấn bao gồm: Hồng Quang, Nam Hùng (Nam Trực); Minh Tân (Vụ Bản); Giao Thiện, Giao Long, Giao Xuân (Giao Thủy); Nghĩa Phú, Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) và Xuân Phong (Xuân Trường) đã qua 21 ngày không phát sinh dịch. Đồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Nguyên nhân thì cũng chưa rõ nhưng sau khi xảy ra dịch, chúng tôi đã phối hợp với các địa phương quản lý tốt tổng đàn và hoạt động vận chuyển, sự biến động của đàn trâu, bò. Tuy nhiên, về dịch tễ đường truyền lây chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve; bệnh cũng có thể lây truyền do việc vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh vào tỉnh (ổ dịch tại xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng xảy ra trên những bò thuộc dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo “Chăn nuôi bò sinh sản” năm 2020 do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND huyện Nghĩa Hưng triển khai. Bò được nhập về từ huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa vào các ngày 27-12 và 31-12-2020). Bên cạnh đó, có một số yếu tố nguy cơ tạo điều kiện cho dịch bệnh xuất hiện, đó là các huyện Nam Trực, Vụ Bản có nhiều hộ buôn bán, giết mổ trâu, bò; người dân chưa thực hiện tốt việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng để tiêu diệt mầm bệnh; chưa thường xuyên diệt ve, ruồi, muỗi để loại bỏ tác nhân lây truyền bệnh. Để ngăn chặn tình trạng bệnh VDNC phát sinh, lây lan, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với Phòng NN và PTNT, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện yêu cầu các hộ có dịch thực hiện nuôi nhốt, cách ly triệt để đàn trâu, bò mắc bệnh, không cho ra bãi chăn thả chung. Không bán chạy, giết mổ trâu, bò bị bệnh. Thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực chuồng nuôi, tiến hành thu gom và xử lý chất thải bằng cách ủ với vôi bột hoặc chôn; rắc vôi bột xung quanh chuồng nuôi, lối đi lại; phun thuốc khử trùng và thuốc diệt côn trùng khu vực chuồng nuôi 1 lần/ngày, xóm có dịch phun 2 ngày/lần, các xóm chưa bị dịch 2 lần/tuần; rắc vôi bột trên các trục đường ra vào khu vực ổ dịch và khu vực chăn nuôi. Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho đàn trâu, bò. Hàng ngày theo dõi tình hình sức khỏe đàn trâu, bò, báo cáo tình hình dịch bệnh về UBND xã, thị trấn. Sở NN và PTNT tích cực phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền về sự xuất hiện bệnh VDNC, khẳng định bệnh chỉ xảy ra trên trâu, bò, không lây sang người và động vật khác; hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, thị trấn chỉ đạo cơ quan chuyên môn, cán bộ thú y phối hợp với trưởng thôn, xóm tổ chức thống kê, rà soát, nắm chắc tổng đàn trâu, bò; giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ trâu, bò; khi phát hiện trâu, bò có biểu hiện bệnh VDNC phải báo ngay cho cơ quan chuyên môn để kiểm tra, xác định nguyên nhân gây bệnh. Yêu cầu thôn, xóm, trưởng thú y xã quản lý chặt chẽ hộ chăn nuôi có bò mắc bệnh; hướng dẫn nuôi cách ly những con ốm ra khu vực riêng để chăm sóc, điều trị; tiêu hủy những con mắc bệnh nặng, chết theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh môi trường, không làm phát tán mầm bệnh. Tổ chức kiểm soát chặt chẽ không cho vận chuyển trâu, bò ra khỏi vùng dịch; tạm dừng việc giết mổ, buôn bán sản phẩm trâu, bò trong thời gian có dịch. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi trâu, bò thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học, không chăn thả trâu, bò ra khu vực có dịch… Phòng NN và PTNT, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện tham mưu UBND huyện ban hành văn bản thông báo tình hình bệnh VDNC và chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh VDNC theo nội dung Công văn số 954/UBND-VP3 ngày 18-11-2020 của UBND tỉnh về việc tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh VDNC trên trâu, bò; Công văn số 3674/SNN-CNTY ngày 30-12-2020 của Sở NN và PTNT về việc chủ động phòng, chống rét, dịch bệnh gia súc, gia cầm và bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán năm 2021. Phân công cán bộ bám sát cơ sở để kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Cập nhật, báo cáo kết quả phòng, chống dịch về Chi cục Chăn nuôi và Thú y để tổng hợp, báo cáo theo quy định. Đồng chí Trần Quang Hưng, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Giao Thủy cho biết: Cùng với việc tập trung các nguồn lực để kiểm soát, khống chế dịch bệnh, UBND huyện đã chỉ đạo các xã: Giao Long, Giao Xuân, Hồng Thuận và Bình Hòa là các địa phương đã xảy ra dịch bệnh VDNC trên trâu, bò chưa qua 21 ngày hướng dẫn lực lượng thú y, người chăn nuôi sử dụng vắc-xin Lumpyvac của Thổ Nhĩ Kỳ (được Bộ NN và PTNT cho phép tiêm phòng khẩn cấp phòng bệnh VDNC ở trâu, bò) do Công ty Cổ phần Kinh doanh thuốc thú y AMAVET nhập khẩu, cung ứng để tiêm phòng cho đàn trâu, bò thuộc diện tiêm phòng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Đồng chí Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho rằng, nguyên nhân dịch xuất hiện và lây lan rất khó xác định, bởi nếu do côn trùng trích hút máu thì dịch sẽ lây sang cả đàn bò chứ không nhỏ lẻ như hiện nay?! Khi phát hiện hộ nào có hiện tượng trâu, bò bị bệnh VDNC, ngành Nông nghiệp cũng triển khai quyết liệt các biện pháp tiêu diệt ve, côn trùng, phun thuốc sát trùng, đồng thời yêu cầu các hộ không chăn thả và phải nuôi nhốt. Thế nhưng việc diệt côn trùng chích hút không thể triệt để. Hiện tại mới chỉ xác định là nguyên nhân như vậy, còn những nguyên nhân nào nữa thì chưa xác định được. Thực tế công tác phòng, chống dịch tại các địa phương thời gian qua cho thấy, trong khi chưa có vắc-xin bệnh VDNC để tiêm phòng cho đàn trâu, bò thì việc cấp bách nhất hiện nay là cần phát hiện, phòng ngừa sớm các nguồn lây lan dịch bệnh; xử lý nghiêm các hành vi, trường hợp giấu dịch, không khai báo dẫn đến dịch bệnh lan rộng, tránh gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi./.

Bài và ảnh: Văn Đại


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com