Nhân rộng điển hình nông dân làm kinh tế giỏi

08:03, 19/03/2021

Thuộc thế hệ 9X, anh Tô Văn Mạnh ở thôn Lữ Đô, xã Yên Phương (Ý Yên) hiện đang sở hữu trang trại nuôi chạch sụn rộng gần 3ha, doanh thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, để có được thành công như hôm nay, anh Mạnh đã phải trải qua không ít khó khăn. Sinh ra và lớn lên tại vùng chiêm trũng, trải qua nhiều nghề kiếm sống, anh luôn trăn trở làm thế nào để khai thác tiềm năng đất đai quê hương, phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập. Khi xã có chủ trương dồn điền đổi thửa, anh đã nhận dồn ruộng về khu trũng, trồng lúa kém hiệu quả để chuyển đổi mục đích sử dụng và đấu thầu thêm 5 mẫu đất 5% của xã để phát triển sản xuất. Được Hội Nông dân (HND) xã tạo điều kiện tín chấp từ Ngân hàng NN và PTNT cho vay vốn 300 triệu đồng, anh đầu tư đào ao thả cá, nuôi lợn, trồng cây rau màu. Năm 2018, nhận thấy cá chạch sụn thương phẩm được thị trường đặc biệt ưa chuộng, đầu ra ổn định, anh mạnh dạn nuôi thử nghiệm trên diện tích 1.500m2. Không chỉ chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình nuôi chạch sụn hiệu quả, anh còn lặn lội lên Viện Thủy sản Trung ương, mời các giáo sư chuyên ngành về cơ sở để hướng dẫn cách nuôi chạch. Qua quá trình nuôi, anh tìm tòi, sáng tạo ra chiếc máng ăn tự động, đồng thời chủ động được nguồn giống, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Anh trở thành điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi được các cấp Hội Nông dân tôn vinh, biểu dương trong giai đoạn 2015-2020.

Anh Tô Văn Mạnh (bên phải), thôn Lữ Đô, xã Yên Phương (Ý Yên) kiểm tra chất lượng cá chạch sinh sản.
Anh Tô Văn Mạnh (bên phải), thôn Lữ Đô, xã Yên Phương (Ý Yên) kiểm tra chất lượng cá chạch sinh sản.

Để nhân rộng điển hình nông dân làm kinh tế giỏi, thời gian qua, các cấp HND trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên khai thác thế mạnh của địa phương, lựa chọn các cây trồng, con nuôi phù hợp với năng lực và trình độ quản lý của gia đình, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh. Các cấp Hội còn hỗ trợ hội viên sản xuất, kinh doanh bằng nhiều hoạt động cụ thể như cung ứng vật tư, thiết bị nông nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi. Trong 5 năm qua, HND các cấp trong tỉnh đã trực tiếp tổ chức 89 lớp đào tạo nghề cho gần 3.000 lao động nông thôn; vận động hội viên, nông dân tham gia 286 mô hình cánh đồng lớn sản xuất hàng hóa tập trung; khuyến khích nông dân tham gia thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất; chỉ đạo, hướng dẫn thành lập 4 HTX và 92 tổ hợp tác với 1.328 thành viên tham gia; 31 tổ Hội nghề nghiệp với 661 thành viên tham gia. Hàng năm, các cấp Hội phối hợp và trực tiếp tổ chức hàng trăm buổi tập huấn về khoa học kỹ thuật và công nghệ mới. HND tỉnh còn đẩy mạnh xây dựng, phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân với tổng nguồn vốn trên 26 tỷ đồng; đã đầu tư xây dựng 249 mô hình phát triển kinh tế từ nguồn vốn vay của Quỹ thông qua các tổ hợp tác, chi, tổ Hội nghề nghiệp. Cùng với đó, Hội tín chấp từ Ngân hàng NN và PTNT với tổng dư nợ trên 10.525 tỷ đồng cho 59.643 hộ vay; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội nhận ủy thác với tổng dư nợ trên 1.235 tỷ đồng cho 39.293 hộ vay.

Bên cạnh đó, HND các cấp thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Mỗi năm, phong trào đã thu hút trên 150 nghìn hộ nông dân đăng ký tham gia và có trên 50% số hộ đăng ký đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, những tấm gương xuất sắc, tiêu biểu đại diện cho tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của nông dân. Nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi có quy mô sản xuất lớn với số vốn hàng tỷ đồng, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng trở lên, tạo việc làm tại chỗ cho hàng chục lao động. Tiêu biểu như ông Nguyễn Văn Công, xóm Đức Thuận, xã Hải Xuân (Hải Hậu) phát triển trang trại VAC; hiện có khoảng 50 nghìn con gà đẻ, 5.000 con vịt đẻ; 3 sản phẩm đạt OCOP gồm trứng gà quê Công Phượng, trứng vịt quê Công Phượng, trứng gà cao cấp Công Phượng; tổng doanh thu hàng năm đạt trên 20 tỷ đồng. Ông Triệu Đình Hợi, thôn Vụ Nữ, xã Hợp Hưng (Vụ Bản) phát triển mô hình nuôi thỏ giống New Zealand, thu lãi mỗi năm khoảng 1,4 tỷ đồng; hiện tại, gia đình ông sở hữu trang trại nuôi thỏ rộng 2ha, tổng đàn ổn định 800 con sinh sản, hơn 7.000 con thương phẩm. Ông Bùi Văn Sớm, xóm 12, xã Hải Quang (Hải Hậu) với mô hình trồng, thu mua, sấy cây đinh lăng dược liệu kết hợp nuôi cá, quy mô 4ha, thu nhập 1,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 20 lao động thường xuyên; trực tiếp bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra luôn ổn định, tạo mối liên kết trong sản xuất theo chuỗi. Ông Hoàng Duy Thắng, thôn Hạ, xã Yên Khánh (Ý Yên) xây dựng mô hình VAC kết hợp chăn nuôi lợn nái, lợn thương phẩm, nuôi cá, ba ba và trồng rau màu; lợi nhuận thu được hàng năm trên 1,5 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Sơn, thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) xây dựng thương hiệu cá bống bớp Sơn Nguyệt; thu mua, bao tiêu sản phẩm cho 29 hộ tại thị trấn Rạng Đông; được Trung ương HND Việt Nam trao tặng Cúp tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu các năm 2015, 2016, 2017 và biểu dương tấm lòng vàng vì nông dân Việt Nam. Ông Trần Văn Quyên, xóm Nội, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) với mô hình nuôi cá trắm đen, cá Koi, tôm thẻ chân trắng…, lợi nhuận đạt 1,52 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 18 lao động thường xuyên. Ông còn đứng ra tuyên truyền, vận động các hộ cùng sản xuất, kinh doanh trong xã thành lập Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản Tiền Phong với 14 thành viên, giải quyết việc làm cho 107 lao động nông nghiệp ở địa phương… Ngoài ra, việc biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu được các cấp HND trong tỉnh chú trọng, tạo sức lan tỏa rộng khắp trong tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Trong 5 năm qua, có 5 hội viên nông dân tiêu biểu của tỉnh được bình chọn “Nông dân Việt Nam xuất sắc” toàn quốc là bà Mai Thị Nhung, xã Xuân Kiên (Xuân Trường); các ông Lê Huy Điệp, xã Giao Tiến (Giao Thủy); Nguyễn Văn Sơn, thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng); Nguyễn Văn Công, xã Hải Xuân (Hải Hậu); Trần Văn Quyên, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc).

Thời gian tới, các cấp HND trong tỉnh tiếp tục nhân rộng, tạo sức lan tỏa của các phong trào thi đua và các điển hình nông dân tiên tiến, khuyến khích nông dân sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần tích cực vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao mức sống cho hội viên./.

Bài và ảnh: Lam Hồng 


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com