Sản xuất rau vụ xuân ở vùng đồng màu

08:03, 22/03/2021

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa, nâng cao giá trị thu nhập, các địa phương trong tỉnh đã tập trung quy hoạch vùng sản xuất, áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững, từng bước hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến sơ chế, bảo quản và tiêu thụ nông sản, góp phần tăng thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương.

Các loại rau sản xuất theo tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn của HTX Yên Cường luôn được người tiêu dùng lựa chọn.
Các loại rau sản xuất theo tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn của HTX Yên Cường luôn được người tiêu dùng lựa chọn.

Vụ xuân này về các xã vùng màu như: Yên Cường, Yên Đồng, Yên Nhân, Yên Dương (Ý Yên); Thành Lợi, Liên Bảo, Kim Thái (Vụ Bản); Nam Dương, Nam Hùng, Nam Hoa (Nam Trực); Hải Tây, Hải Bắc, Hải Hòa (Hải Hậu)… bà con đang tích cực làm cỏ, chăm sóc các loại rau. Theo thống kê của Sở NN và PTNT vụ xuân năm nay, các địa phương trong tỉnh trồng 4.575ha rau màu các loại; trong đó chủ yếu là su hào, bắp cải, dưa chuột, cải bó xôi, xà lách, hành, tỏi, cà chua. Trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, phát triển các cánh đồng lớn. Tại các vùng quy hoạch được đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng tương đối hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất nông sản hàng hóa. Đồng chí Vũ Văn Thắng, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Nam Trực cho biết: Ngoài việc khuyến cáo bà con lựa chọn giống các loại rau tốt, có thị trường tiêu thụ ổn định; huyện chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn nông dân tích cực tổ chức dọn vệ sinh đồng ruộng, làm đất bảo đảm kỹ thuật; các HTX thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, tăng cường cải tạo đất bằng phân hữu cơ, chú ý phòng, trừ các loại sâu bệnh trên rau màu như bệnh héo xanh, mốc sương mai, xoăn lá... Nhờ đó đến đầu tháng 3-2021, toàn huyện đã trồng được trên 200ha rau các loại, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Cùng với sản xuất rau theo vùng, các địa phương cũng tích cực định hướng người dân áp dụng kiến thức, mô hình trồng mới theo hướng sản xuất rau an toàn, rau sạch nhằm thay đổi tập quán canh tác. Đồng chí Nguyễn Văn Dự, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Nam Cường (Ý Yên) cho biết: Khi được tập huấn về sản xuất rau an toàn, bà con nông dân đã thay đổi tập quán, thói quen sản xuất cũ. Nhờ đó các sản phẩm rau HTX sản xuất ra đều bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm. Điều đó khẳng định kỹ thuật sản xuất của các hộ nông dân được nâng cao. Đây là điều kiện thuận lợi cho thành viên HTX tiếp tục sản xuất rau an toàn. Từ cây giống đến kỹ thuật chăm sóc, sử dụng phân hữu cơ thay vì bón phân hóa học, kiểm soát chặt chẽ quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh bằng thảo mộc và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Tích cực triển khai thực hiện mô hình trồng rau an toàn hiệu quả nên từ 5ha ban đầu đến nay tổng diện tích của HTX đã mở rộng lên hơn 20ha, tăng gấp 4 lần so với thời điểm ban đầu. Trong đó có 3ha trồng cây cải bó xôi Nhật, 4ha trồng hành hoa Nhật, 2ha bí xanh, còn lại trồng dưa chuột, các loại rau ăn lá, gồm: bắp cải, muống, mùng tơi, rau cúc. Điều đáng ghi nhận hiện nay ở các vùng trồng rau là các HTX đã chú trọng hơn đến việc quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, thường xuyên phân công đội ngũ cán bộ kỹ thuật của HTX giám sát, kiểm tra và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân nên các loại rau, quả của địa phương sản xuất ra luôn đảm bảo sạch và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng đề ra. Hiện nay, trung bình mỗi ngày HTX Nam Cường sơ chế và xuất bán từ 3-4 tạ rau, củ sạch các loại, sản phẩm được đóng gói, có tem nhãn đầy đủ giúp khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ.

Trồng rau sạch theo mô hình kinh tế tuần hoàn tại Công ty TNHH Toản Xuân (Ý Yên), tạo việc làm thu nhập ổn định cho nông dân.
Trồng rau sạch theo mô hình kinh tế tuần hoàn tại Công ty TNHH Toản Xuân (Ý Yên), tạo việc làm thu nhập ổn định cho nông dân.

Nhìn chung thời tiết vụ xuân năm nay tương đối thuận lợi cho các cây trồng sinh trưởng và phát triển ổn định. Tại xã Thành Lợi, điểm sáng trong sản xuất vụ xuân của huyện Vụ Bản trong nhiều năm nay, các loại rau vụ xuân đều đang sinh trưởng, phát triển tốt và hứa hẹn cho năng suất cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân. Vụ xuân này, gia đình bà Vũ Thị Duyên ở HTX Mỹ Trung trồng được 2 sào bắp cải. Theo tính toán của người dân nơi đây trung bình 1 sào bắp cải cho thu nhập từ 6-8 triệu đồng/lứa. Sản xuất theo quy trình an toàn, có liên kết, bao tiêu sản phẩm, ước tính cho thu khoảng 100-120 triệu đồng/ha (đối với cây trồng 1 lứa, trong 90 ngày); đối với cây trồng 2 lứa (45 ngày/lứa) thì cho thu khoảng từ 150-170 triệu đồng/ha. Nét mới trong vụ xuân này là một số doanh nghiệp của tỉnh đã tích cực tham gia sản xuất rau an toàn, thúc đẩy hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm rau vụ xuân. Công ty TNHH Toản Xuân, xã Yên Lương (Ý Yên) đã chủ động liên kết với một số HTX và hộ nông dân tổ chức sản xuất rau an toàn theo mô hình kinh tế hữu cơ tuần hoàn để cung ứng cho các cửa hàng rau, củ, quả sạch và siêu thị hàng chục tấn rau các loại, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 10 lao động với thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Ông Trần Quốc Toản, Giám đốc Công ty cho biết: Với quyết tâm thực hiện phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn nên Công ty đã tận dụng việc sản xuất lúa gạo sản sinh ra mày trấu, mày gạo và tổ chức lên men trở thành phân bón hữu cơ sạch để bón cho rau màu nên cho chất lượng khác biệt, các loại rau, củ, quả có vị đậm, ngọt, thơm; đồng thời tăng khả năng kháng sâu, bệnh do quá trình sinh trưởng của cây trồng đáp ứng quy trình phát triển tự nhiên, làm giàu chất hữu cơ cho đất và hạn chế can thiệp bằng thuốc hóa học. Cũng nhờ tận dụng được sản phẩm phụ này mà chi phí sản xuất đầu vào phục vụ sản xuất thấp nên sản phẩm cung ứng cho thị trường với giá hợp lý nên tiêu thụ thuận lợi.

Việc tổ chức sản xuất rau màu theo vùng quy hoạch, từng bước hình thành các chuỗi liên kết trong bao tiêu sản phẩm ở các địa phương vùng đồng màu đã mang lại nguồn thu nhập ổn định và cao hơn hẳn cho nông dân. Vì vậy thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục khuyến khích các hộ nông dân mở rộng diện tích trồng rau an toàn theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ để bảo đảm phát triển nông nghiệp bền vững, gia tăng nguồn thu, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com