Dấu hiệu nhận biết và biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

08:03, 06/03/2019

Ngày 1-3-2019 Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có Công văn số 08/HD-CNTY hướng dẫn việc nhận biết bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) và biện pháp phòng, chống dịch.

Bệnh DTLCP là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi-rút gây ra. Bệnh có khả năng lây lan, gây hại ở mọi loài lợn với tỷ lệ chết cao (100%). Vi-rút gây ra bệnh DTLCP có sức đề kháng cao, vì vậy khó có thể loại trừ được bệnh nếu bệnh bùng phát thành dịch. Vi-rút lây nhiễm gây bệnh cho lợn khỏe qua đường hô hấp và tiêu hóa thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm vi-rút như: lợn bệnh, chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm vi-rút và ăn thức ăn thừa chứa thịt lợn nhiễm bệnh hoặc bị ve mềm cắn. Bệnh có nhiều biểu hiện: Thể quá cấp tính, thể cấp tính, thể á cấp tính, thể mạn tính. Lợn bị nhiễm vi-rút DTLCP có nhiều triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào độc lực của vi-rút; bệnh DTLCP có thời gian ủ bệnh từ 3-15 ngày, ở thể cấp tính thời gian ủ bệnh từ 3-4 ngày. Khi lợn mắc bệnh ở thể cấp tính thường bị xuất huyết nhiều ở dạ dày, gan, thận, da có màu tối và phù nề; da ở vùng bụng và chân có xuất huyết. Nếu lợn mắc bệnh ở thể mạn tính có thể gặp xơ cứng phổi hoặc có các ổ hoại tử hạch, hạch phổi sưng, viêm dính màng phổi. Lợn khỏi bệnh sẽ là vật chủ mang vi-rút DTLCP suốt đời. Căn cứ vào triệu chứng lâm sàng, bệnh tích để nhận biết bệnh DTLCP song khó phân biệt với bệnh dịch tả lợn cổ điển. Vì vậy trong mọi trường hợp cần phải lấy mẫu xét nghiệm để xác định mầm bệnh một cách cụ thể.

Để phòng, chống bệnh DTLCP hiệu quả, người chăn nuôi cần chủ động thực hiện quy trình phòng bệnh tổng hợp, bảo đảm chuồng trại cao ráo, thông thoáng, tránh mưa tạt, gió lùa; nền chuồng phải phẳng để dễ quét dọn, cọ rửa và không đọng nước... Có khu riêng để nuôi cách ly động vật mới nhập về trước khi nhập đàn hoặc cách ly con vật ốm để theo dõi. Con giống nhập vào nuôi phải khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, xuất phát từ vùng an toàn dịch, được cơ quan thú y cấp giấy chứng nhận kiểm dịch. Hàng ngày phải quét dọn chuồng nuôi, thu gom phân, rác thải để ủ, đốt hoặc chôn. Định kỳ tiêu độc, khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi bằng vôi bột và các loại hóa chất sát trùng... Người nuôi phải thường xuyên theo dõi, quan sát đàn lợn, khi thấy lợn có biểu hiện, triệu chứng của bệnh DTLCP phải báo ngay cho chính quyền, cán bộ thú y địa phương để được hướng dẫn biện pháp xử lý thích hợp. Khi có kết quả xét nghiệm dương tính với DTLCP thì tổ chức tiêu hủy ngay theo đúng quy trình kỹ thuật có sự giám sát của thú y, không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường. Lập chốt gác kiểm dịch để ngăn chặn việc vận chuyển lợn ra, vào vùng dịch, đồng thời phun thuốc sát trùng toàn bộ các phương tiện lưu thông qua chốt. Đối với hộ, xóm có dịch phun hóa chất mỗi ngày 1 lần, xã có dịch mỗi tuần 3 lần và thực hiện liên tục trong suốt thời gian có dịch rải vôi bột trên các trục đường ra vào khu có dịch./.

Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com