Hạn chế độc quyền trong lựa chọn sách giáo khoa

06:12, 06/12/2019

Giữa tháng 6-2019, Luật Giáo dục (sửa đổi) được Quốc hội thông qua chính thức chốt việc thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trên cả nước với nhiều sách giáo khoa (SGK). Quy định này cũng đã cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Theo đó, việc lựa chọn SGK để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông được quy định rõ tại điểm C, khoản 1, Ðiều 32 Luật Giáo dục. UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo, thành phần tham gia vào Hội đồng lựa chọn SGK cấp tỉnh sẽ bao gồm các nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học, đặc biệt chiếm tỷ lệ đa số là giáo viên đang trực tiếp giảng dạy môn học, hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng. Việc lựa chọn SGK phải đảm bảo nguyên tắc những sách thuộc danh mục đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo phê duyệt, cho phép sử dụng, công khai, minh bạch. SGK được lựa chọn phù hợp với điều kiện của địa phương và điều kiện tổ chức dạy và học.

Thực tế, đây không phải lần đầu Việt Nam áp dụng một chương trình, nhiều SGK trong nhà trường. Trước năm 2000, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã từng sử dụng hai bộ SGK khác nhau, sau đó chỉnh lý về cùng một bộ SGK thống nhất. Trong bối cảnh mới hiện nay, việc trở lại sử dụng nhiều SGK được kỳ vọng sẽ mở ra những hướng đi mới cho ngành Giáo dục, phát triển được kỹ năng, năng lực của người học. Thế nhưng đến nay dư luận vẫn không khỏi băn khoăn trước những thông tin về vấn đề ai sẽ được quyền lựa chọn SGK, liệu có hay không vấn đề lợi ích nhóm trong quá trình chọn sách? Dư luận cho rằng, việc giao cho các địa phương tự lựa chọn SGK sẽ tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực trong quá trình lựa chọn. Khi mà một nhà xuất bản có bộ sách được phê duyệt có thể dùng nhiều “chiêu” để các địa phương lựa chọn sử dụng bộ sách của mình. Thậm chí, cũng có thể có những địa phương lại lựa chọn những bộ sách chưa thực sự phù hợp với điều kiện của mình. Nhìn vào danh mục SGK vừa được phê duyệt, Nhà xuất bản Giáo dục có đến 4 bộ SGK lớp 1 với 24 bản thảo. Như vậy có thể thấy, trong năm học 2020-2021, SGK của Nhà xuất bản Giáo dục vẫn tiếp tục chiếm thị phần lớn. Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Tiểu học chia sẻ: Tính độc quyền xảy ra khi chỉ có một bộ sách, nhưng hiện tại có nhiều bộ SGK từ nhiều nhóm tác giả khác nhau. Hơn nữa, Luật cũng không quy định địa phương lựa chọn sách theo bộ hay theo môn. Vì vậy, việc lựa chọn bộ sách vẫn phải dựa trên tính phù hợp với từng địa phương. Do đó, chúng ta không nên quá băn khoăn về tính độc quyền. Tính độc quyền sẽ được hạn chế tối đa trong thời gian tới.

Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, trong tháng 12-2019 sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK lớp 1. Sau khi các địa phương hoàn thành việc lựa chọn SGK lớp 1, các Nhà xuất bản có SGK lớp 1 được những địa phương lựa chọn sẽ phối hợp tập huấn sử dụng SGK cho tất cả các giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020-2021, hoàn thành trước ngày 30-6-2020, để chính thức đưa vào sử dụng từ năm học 2020-2021. Thời gian để các địa phương cân nhắc lựa chọn SGK cho địa phương mình không còn dài. Vì vậy cần có kế hoạch, quy chế cụ thể cho quy trình lựa chọn SGK. Ðể phòng tránh độc quyền cần có quy chế giám sát việc tuyển chọn minh bạch, công khai, quyết định cuối cùng thuộc về lá phiếu dân chủ của hội đồng thay vì một người độc đoán ra quyết định. Cụ thể các trường muốn chọn được sách tốt nên có hội đồng tư vấn có sự tham gia của cả phụ huynh, nhân sĩ địa phương, học giả. Ðồng thời cần có khảo sát, điều tra từ phía học sinh để tham khảo. Ở các nước thực hiện một chương trình nhiều SGK, giáo viên là người được lựa chọn những nội dung hay ở từng sách, tự thiết kế thành bài giảng của mình. Tuy nhiên, để giáo viên Việt Nam quen và làm được điều này cần có lộ trình, thời gian thực nghiệm.

 Bên cạnh đó cũng có băn khoăn nếu như các địa phương chỉ chọn một bộ sách duy nhất để dạy cũng chưa phát huy hết được ý nghĩa của chủ trương một chương trình nhiều SGK. Bởi thực tế, nhiều tỉnh có sự khác biệt rõ rệt về điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội giữa khu vực thành phố và các huyện vùng sâu, vùng xa. Do đó nếu để tỉnh chọn một bộ sách dùng cho toàn tỉnh cũng sẽ không phù hợp vì vậy cũng cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định./.

Phương Mai



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com