Bảo đảm an toàn trường học trong dịp Tết Nguyên đán

08:01, 29/01/2018

Chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Ban Giám hiệu Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Vụ Bản) đã quán triệt tới cán bộ, giáo viên, nhân viên, nhất là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp văn bản chỉ đạo của Sở GD và ĐT về bảo đảm an toàn trường học; đồng thời đẩy mạnh phong trào “An toàn trường học”. Đội ngũ giáo viên chủ nhiệm tổ chức cho học sinh học tập các quy định về nhiệm vụ của học sinh THPT, quyền của học sinh, các hành vi học sinh không được làm, các quy định về khen thưởng và kỷ luật, quy định thực hiện nền nếp và đánh giá thi đua, xếp loại đạo đức và học lực học sinh. Ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo các lớp xây dựng an toàn trường học theo hướng “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”, quán triệt tới toàn thể học sinh và phụ huynh các lớp về 5 tự quản (giờ giấc, sinh hoạt, quan hệ, học tập, kinh tế), 3 tự phòng (tội phạm, tai nạn, tệ nạn xã hội), 2 tự bảo vệ (tính mạng, tài sản cá nhân và an ninh trật tự nhà trường), thực hiện tốt chương trình nội khóa, ngoại khóa của nhà trường. Tổ chức ký cam kết cho 100% học sinh các lớp không vi phạm an toàn giao thông, không đi xe gắn máy tới trường, không sử dụng pháo nổ và thực hiện tốt các chỉ tiêu thi đua của nhà trường. Ngoài việc tổ chức chăng treo pa-nô, khẩu hiệu tuyên truyền về an toàn giao thông, các môn học như: Giáo dục công dân, môn Sinh học, môn Thể dục đều lồng ghép với giáo dục an toàn giao thông, phòng chống tai nạn thương tích… Đến thời điểm này, 100% học sinh của nhà trường đều có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, thực hiện nghiêm túc quy định của nhà trường, của ngành và địa phương, có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong học tập và rèn luyện, tránh xa các tệ nạn xã hội.

Học sinh Trường THCS Trực Phương (Trực Ninh) tìm hiểu về biển báo giao thông đường bộ.
Học sinh Trường THCS Trực Phương (Trực Ninh) tìm hiểu về biển báo giao thông đường bộ.

Để bảo đảm an toàn trường học trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất phòng chống các tệ nạn xã hội xâm nhập học đường, Sở GD và ĐT đã quán triệt các nghị quyết của Chính phủ và của tỉnh, các văn bản liên ngành GD và ĐT và Công an tỉnh về phối hợp lực lượng, kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, xây dựng kế hoạch “an toàn trường học” và triển khai xuống các trường. Hiện nay, phương thức hoạt động hiệu quả nhất của các nhà trường là phong trào “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”. Để thực hiện phong trào này, các trường học đã coi trọng công tác giáo viên chủ nhiệm lớp. Hằng tuần, giáo viên chủ nhiệm các lớp đều tổ chức phân loại đạo đức, học lực của học sinh, sinh viên, nắm bắt những biểu hiện không bình thường của các em để có biện pháp uốn nắn kịp thời và trao đổi với lực lượng an ninh địa phương cùng phối hợp quản lý, giáo dục khi các em có dấu hiệu sai phạm. Nhiều giáo viên chủ nhiệm lớp đã thành công trong công tác xây dựng, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, Đội để cùng xây dựng lớp học tự quản. Hiện nay, các trường học đã có gần 600 đội thanh niên xung kích và hàng trăm CLB phòng chống tệ nạn xã hội, Đội Thiếu niên Sao đỏ và trên 2.000 tổ, nhóm tự quản tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Đội ngũ bảo vệ chuyên trách ở các nhà trường được tăng cường và thường xuyên được bồi dưỡng ý thức chính trị, tinh thần trách nhiệm, gắn bó chặt chẽ với công an cơ sở, góp phần làm trong sạch địa bàn khu vực trường học. Nhiều hợp đồng an ninh giữa nhà trường và công an địa phương được ký kết và phối hợp hoạt động có hiệu quả. Cùng với phong trào “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”, công an các cấp đã giúp đỡ các nhà trường kinh nghiệm phòng ngừa tội phạm, giải quyết những “điểm nóng”, nhất là các vụ việc xảy ra ngoài khu vực nhà trường; phối hợp với các trường quản lý học sinh, sinh viên ngoại trú, quản lý học sinh trên đường đến trường và từ trường về nhà. Nhờ vậy, các vụ học sinh đánh nhau đã được các trường và các lực lượng chức năng ở địa phương phòng ngừa và xử lý kịp thời. Sở GD và ĐT cũng chỉ đạo các đơn vị, trường học tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong học sinh, sinh viên. Đặc biệt chú ý các quy định về: Sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, hung khí, đồ chơi có tính bạo lực; sản xuất, vận chuyển, buôn bán và sử dụng pháo nổ; các quy định về an toàn giao thông đường bộ. Các nhà trường đã tổ chức để cha mẹ học sinh ký cam kết quản lý, giáo dục con em trong việc thực hiện an toàn giao thông, sử dụng pháo nổ. Các phòng GD và ĐT, trường THPT, trung tâm GDTX chịu trách nhiệm thống kê số học sinh có sử dụng xe đạp điện, xe máy điện đến trường. Đồng thời, các nhà trường tăng cường phối hợp với ngành Công an, các đoàn thể tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh, quản lý học sinh sinh viên, ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng đánh nhau, tụ tập đông người gây mất trật tự công cộng, vi phạm trật tự giao thông… của học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, tổ chức tốt công tác trực ban, tuần tra, bảo vệ đảm bảo an ninh trật tự trong nhà trường và trước cổng trường, không để xảy ra tình trạng ùn tắc, mất trật tự; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý kịp thời khi có sự việc liên quan đến nhà trường…

Với việc đẩy mạnh phong trào “An toàn trường học” cùng sự chỉ đạo sâu sát của ngành GD và ĐT sự phối hợp của các cấp, các ngành và các địa phương, trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018 trật tự an toàn trường học sẽ được bảo đảm./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com