Nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học trong các nhà trường

07:09, 21/09/2017

Cùng với việc duy trì và nâng cao chất lượng dạy và học, những năm qua, ngành GD và ĐT tỉnh luôn đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh. Mỗi năm học lại có thêm hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học, sáng tạo khoa học kỹ thuật và sáng kiến kinh nghiệm có giá trị, góp phần vào việc nâng cao chất lượng dạy học.

Ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP Nam Định), hoạt động nghiên cứu khoa học đã trở thành một nhiệm vụ thường xuyên trong việc học của học sinh và hoạt động chuyên môn của giáo viên. Việc rèn luyện tư duy, tác phong làm việc khoa học của học sinh gắn liền kiến thức được học trong sách với thực tiễn đời sống cũng là một phương pháp đánh giá kết quả học tập mới của nhà trường, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trung học theo định hướng phát triển năng lực của học sinh. Đặc biệt, với đòi hỏi cao về năng lực tự học, tự nghiên cứu của học sinh trường chuyên, việc học tập bộ môn của các em không tách rời việc nghiên cứu khoa học. Các hình thức nghiên cứu khoa học được nhà trường triển khai thường xuyên, đa dạng và diễn ra trong suốt cả năm học. Trong đó, nhà trường thường xuyên giao các nội dung ở các bộ môn và hướng dẫn học sinh các lớp chuyên tự nghiên cứu và viết chuyên đề sau đó báo cáo trước tập thể lớp, đồng thời tổ chức hội thảo chuyên môn ở các khối lớp do giáo viên bộ môn chuyên hướng dẫn và tổ chuyên môn chủ trì. Hằng năm, nhà trường tổ chức các hội thi sáng tạo khoa học cấp trường, thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn, tổ chức cho học sinh, đặc biệt là các em trong các đội tuyển học sinh giỏi giao lưu với các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia nghiên cứu và giao cho học sinh viết báo cáo sau mỗi đợt đi trải nghiệm sáng tạo. Hằng tuần nhà trường bố trí một buổi chiều cho các lớp tự học, tự nghiên cứu dưới sự kiểm tra, giám sát của BCH Đoàn trường, đồng thời yêu cầu ở bộ môn chuyên mỗi học kỳ phải có ít nhất một điểm hệ số 2 là kết quả của việc chấm đề tài của học sinh. Sản phẩm của học sinh đều được nghiệm thu bởi giáo viên hướng dẫn, được lựa chọn để trình bày trước tập thể lớp và tổ chuyên môn, được phản biện và rút kinh nghiệm. Do đặc thù về chất lượng học sinh, về yêu cầu của các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, việc triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học trong học sinh của nhà trường có nhiều thuận lợi hơn các đơn vị trường học khác, các giáo viên nhà trường đều xác định việc nuôi dưỡng niềm say mê, rèn luyện sự chủ động mới đem lại những đề tài nghiên cứu có chất lượng. Vì vậy, mỗi công thức, phương trình, phản ứng và kiến thức được học trên lớp qua sự gợi mở của giáo viên giúp cho học sinh quan sát, đề xuất các ý tưởng vận dụng cũng đều được giáo viên hướng dẫn để các em giải quyết các vấn đề có liên quan đến cuộc sống xung quanh. Đây là một phương pháp có hiệu quả để tạo thói quen cho các em ứng dụng khoa học vào đời sống. Đến nay, 100% học sinh lớp chuyên của trường có sản phẩm chuyên đề, trong đó nhiều đề tài có chất lượng được tập hợp và in thành kỷ yếu để học sinh tham khảo.

Với việc đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học, kỹ thuật trong giáo viên, học sinh, hằng năm, các trường phổ thông trong tỉnh đã có hàng trăm sản phẩm sáng tạo khoa học kỹ thuật của giáo viên và học sinh tham gia cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh và có nhiều sản phẩm đã đoạt giải cao ở cấp quốc gia. Được sự chỉ đạo của Sở GD và ĐT, phong trào nghiên cứu khoa học của giáo viên, sáng tạo khoa học kỹ thuật của học sinh các trường phổ thông đã được chú trọng thực hiện dưới nhiều hình thức. Đối với học sinh, ban giám hiệu các trường trung học đã tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn gắn với nghiên cứu khoa học, gợi mở ý tưởng cho học sinh từ kiến thức được học trong nhà trường đến việc lựa chọn giáo viên có năng lực, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, nhất là các bộ môn Hoá học, Sinh học, Vật lý để hướng dẫn các em nghiên cứu… Từ các ý tưởng sáng tạo của các em, nhà trường sẽ chọn ra những ý tưởng độc đáo để phân công giáo viên hướng dẫn các em thực hiện. Qua các đề tài tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông vừa qua cho thấy, hầu hết các ý tưởng của các em đều gắn với đời sống thực tiễn, phù hợp với điều kiện nghiên cứu trong trường. Từ hoạt động nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật, các em đã bộc lộ sự chủ động trong việc tìm kiếm ý tưởng, tài liệu, tìm nguồn tài trợ, các nhà khoa học hỗ trợ cho đề tài, đồng thời phát huy khả năng sáng tạo trong việc vận dụng kiến thức vào nghiên cứu để tạo ra những đề án thiết thực với cuộc sống. Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh cũng khiến các giáo viên trực tiếp hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học phải đào sâu nghiên cứu, mở rộng kiến thức để hướng dẫn các em. Đây cũng là một “cú hích” quan trọng để giáo viên phải thay đổi phương pháp dạy học, không còn là người áp đặt kiến thức mà trở thành người khơi gợi kiến thức, hướng dẫn, định hướng học sinh phương pháp tìm tòi tri thức mới, phát huy tối đa khả năng chủ động, sáng tạo trong việc thu nhận kiến thức. Đối với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, ngành GD và ĐT luôn xác định hoạt động nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật và đúc rút sáng kiến kinh nghiệm là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên nhằm góp phần vào việc thực hiện kế hoạch và nhiệm vụ chính trị của toàn ngành trong từng năm học. Hằng năm, hội đồng khoa học của ngành đều có hướng dẫn để các tiểu ban khoa học chuyên ngành xây dựng kế hoạch hoạt động, trình hội đồng khoa học ngành tuyển chọn đề tài. Trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, hội đồng khoa học cấp cơ sở hướng dẫn hội đồng khoa học các nhà trường, các tổ chuyên môn, cán bộ, giáo viên lựa chọn, xác định nội dung đề tài hoặc sáng kiến kinh nghiệm để đăng ký thực hiện, đồng thời thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình, chỉ đạo các đơn vị triển khai theo đúng kế hoạch và yêu cầu của hội đồng khoa học các cấp. Vì vậy số lượng đề tài nghiên cứu khoa học và sáng kiến kinh nghiệm hằng năm đều tăng.

Phong trào nghiên cứu khoa học, sáng tạo khoa học kỹ thuật và đúc rút kinh nghiệm trong ngành GD và ĐT đã góp phần tích cực vào việc đổi mới căn bản và toàn diện sự nghiệp giáo dục. Tuy nhiên, để phong trào mang lại hiệu quả cao, ngành GD và ĐT cần có những đổi mới trong công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động để các đề tài nghiên cứu, đúc rút từ kinh nghiệm của bản thân mỗi cán bộ, giáo viên phải là những giải pháp mới, cụ thể, đặc sắc và hiệu quả. Từ năm học 2017-2018 viết sáng kiến kinh nghiệm không phải là việc làm bắt buộc, không xếp vào tiêu chí thi đua của giáo viên, ngành GD và ĐT tỉnh vẫn khuyến khích cán bộ, giáo viên tham gia với những đề tài có giá trị, cần thiết cho việc nâng cao chất lượng giáo dục./.

Hồng Minh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com