Đảm bảo an toàn thực phẩm trong các trường học

07:09, 15/09/2016
Năm học mới 2016-2017, cùng với việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, Sở GD và ĐT đã tích cực chỉ đạo các trường học có tổ chức ăn bán trú đảm bảo ATTP cho học sinh. Nhiều bếp ăn ở các trường học đã được xây mới, sửa sang, nâng cấp trang thiết bị, đúng tiêu chuẩn, nhằm đảm bảo cho các em phát triển đầy đủ cả về trí lực và thể lực. 
 
Tìm hiểu thực tế tại các trường có bếp ăn bán trú, chúng tôi nhận thấy các đơn vị đã chủ động hơn xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện chế độ ăn cho học sinh. Đặc biệt, một số trường mầm non còn trồng thêm rau xanh, vừa tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, vừa chủ động nguồn thực phẩm an toàn. Khu vực bếp ăn được xây dựng theo quy trình vận hành một chiều, chia thành các khu riêng biệt, bao gồm khu đựng nguyên liệu, khu chế biến thực phẩm tươi sống, khu nấu ăn và khu để thức ăn đã nấu chín. Thức ăn không sử dụng hết được bảo quản trong tủ lạnh. Đồ dùng trong nhà bếp được trang bị đầy đủ bao gồm máy lọc nước, tủ đựng thức ăn chín, tủ lưu mẫu thực phẩm... Tại Trường Mầm non Yên Quang (Ý Yên), năm học này UBND xã và Ban giám hiệu nhà trường chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống nhà bếp, nhà ăn thoáng mát, hợp vệ sinh để đảm bảo phát triển toàn diện cả về thể chất và trí tuệ cho các cháu. Hiện bếp ăn bán trú của trường đã được xây dựng theo quy định “bếp ăn 1 chiều” từ nơi tiếp phẩm đến quá trình sơ chế, quá trình chuẩn bị nấu rồi chia thức ăn. Nhân viên phục vụ được tập huấn kiến thức về ATTP, khám sức khoẻ, xét nghiệm định kỳ, có trình độ nhất định về sơ chế, nấu ăn cho trẻ em. Công tác quản lý thực phẩm được thực hiện tốt. Ngay khi bước vào năm học mới 2016-2017, nhà trường tổ chức ký cam kết đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn với nhà cung cấp thực phẩm. Tại Trường Mầm non Hải Châu (Hải Hậu), khu vực bếp ăn được xây dựng theo quy trình “một chiều”, chia thành các khu riêng biệt, bao gồm khu đựng nguyên liệu, khu chế biến thực phẩm tươi sống, khu nấu ăn và khu để thức ăn đã nấu chín. Đồ dùng trong hệ thống nhà bếp của trường được trang bị đầy đủ bao gồm tủ lạnh, tủ lưu mẫu thực phẩm sống và chín riêng biệt… Nước sử dụng trong sinh hoạt của trường là nước máy hợp vệ sinh. Nước dùng để vệ sinh bát đĩa cũng là nguồn nước máy được làm nóng bằng năng lượng mặt trời. Để đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn, nhà trường lựa chọn những cơ sở cung cấp có uy tín, có địa chỉ rõ ràng để ký hợp đồng cam kết trách nhiệm. Thực đơn thực phẩm được lên lịch theo tuần, theo mùa. Hằng ngày, thực phẩm được tiếp nhận dưới sự giám sát chặt chẽ của đại diện nhà trường, đồng thời trường thực hiện lưu mẫu thức ăn hằng ngày đủ 24 giờ theo quy định, có hợp đồng mua thực phẩm với các cơ sở kinh doanh. Bên cạnh đó, trường chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện chế độ ăn cho trẻ theo biểu đồ dinh dưỡng. Trường còn trồng thêm rau xanh để tạo nguồn thực phẩm an toàn. Tại Trường Mầm non Sao Vàng (TP Nam Định), chỉ với khoảng 12 nghìn đồng/ngày nhưng nhà trường đã bố trí 1 bữa chính và 1 bữa phụ nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ. Ngoài bữa chính với các món ăn được thay đổi theo ngày và theo tuần, bữa phụ là bữa chiều cũng được thay đổi liên tục nhằm kích thích vị giác để các cháu ăn ngon, tăng cân đúng biểu đồ. Do vậy, hằng năm vào cuối năm học, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng của nhà trường luôn thấp hơn đầu năm.
Bữa ăn bán trú của các cháu Trường Mầm non Yên Quang (Ý Yên).
Bữa ăn bán trú của các cháu Trường Mầm non Yên Quang (Ý Yên).
Toàn tỉnh hiện có 266 trường mầm non, 293 trường tiểu học, 237 trường THCS, 57 trường THPT, trong đó, có trên 500 bếp ăn tập thể thuộc các trường học ở các khối, bao gồm 100% trường mầm non, 30% số trường tiểu học và một số trường THCS chuyên của các huyện tổ chức ăn bán trú cho học sinh. Để đảm bảo ATTP, trong năm học mới 2016-2017, Sở GD và ĐT đã quán triệt các trường học thực hiện các quy định về điều kiện đảm bảo ATTP theo Thông tư 30/2012/TT-BYT ngày 5-12-2012 và các quy định hiện hành nhằm tăng cường đảm bảo ATTP tại các bếp ăn tập thể trong nhà trường. Sở GD và ĐT cũng yêu cầu các phòng GD và ĐT phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn chỉ đạo công tác ATTP trong các trường học; tổ chức xây dựng bếp ăn đảm bảo ATTP theo từng cấp học, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị trường học có tổ chức ăn bán trú. Các trường học tổ chức cho học sinh ăn bán trú phải thực hiện đúng các quy định đảm bảo ATTP; bếp ăn tập thể trường học phải được cấp giấy chứng nhận hoặc ký cam kết đủ điều kiện ATTP; thực hiện nghiêm việc ký kết hợp đồng có thỏa thuận chặt chẽ mua thực phẩm, nước uống ở những cơ sở đủ điều kiện ATTP. Thường xuyên kiểm tra chất lượng, nguồn gốc, giá thực phẩm của các nhà cung ứng, kiên quyết không để các cơ sở không đủ điều kiện ATTP theo quy định cung ứng thực phẩm cho nhà trường. Các nhà trường cũng công khai thực đơn, đơn giá hằng ngày, cải tiến và phối hợp các món ăn trong ngày hợp lý. Để tăng cường công tác kiểm soát ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm (NĐTP) tại các trường học, Sở GD và ĐT và Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các ngành chức năng tại địa phương chỉ đạo tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về kiến thức ATTP và các biện pháp phòng chống NĐTP trong các trường học như vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, không mua bán, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm trôi nổi. Ngoài ra, Sở Y tế phối hợp với Sở GD và ĐT chỉ đạo các trường có tổ chức bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống duy trì đảm bảo về điều kiện vệ sinh chung, điều kiện về trang thiết bị dụng cụ theo quy định; không để cơ sở không đủ điều kiện ATTP tham gia cung ứng các dịch vụ ăn uống trong các trường học; hướng dẫn các trường có tổ chức bếp ăn tập thể chủ động liên hệ với các trạm y tế xã, Trung tâm Y tế huyện xây dựng và thực hiện kế hoạch phòng ngừa, khắc phục NĐTP và các bệnh truyền qua thực phẩm. Trong đó chú trọng khâu kiểm soát nguyên liệu thực phẩm, quá trình chế biến, bảo quản, lưu mẫu thực phẩm theo quy định; đảm bảo vệ sinh môi trường, có đủ nước sạch để chế biến, rửa tay cho người chế biến, học sinh trước khi ăn... Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan cập nhật nâng cao kiến thức VSATTP và khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho người trực tiếp chế biến thực phẩm, phục vụ ăn uống theo quy định. Sở GD và ĐT cũng phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo Phòng GD và ĐT, Trung tâm Y tế, các huyện, thành phố chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương triển khai công tác thông tin, tuyên truyền trong các trường học kiến thức về ATTP, phòng chống NĐTP và bệnh truyền qua thực phẩm; thực hiện ăn chín uống sôi; vệ sinh bàn tay theo quy định; hướng dẫn lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn. Chi cục ATVSTP tỉnh tăng cường phối hợp với Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố tổ chức các lớp tập huấn kiến thức pháp luật về ATTP, hướng dẫn thực hiện Luật ATTP; quy định lưu mẫu thức ăn trong các bếp ăn tập thể…
 
Với sự chuẩn bị tích cực ngay từ đầu năm học, ngành GD và ĐT và ngành Y tế tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo ATTP, phòng chống NĐTP trong trường học, góp phần chăm sóc sức khỏe toàn diện cho học sinh./.
 
Bài và ảnh: Minh Thuận


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com