Xây dựng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục

07:11, 20/11/2014

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 BCH Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” đã khẳng định vai trò “quyết định chất lượng giáo dục” của đội ngũ nhà giáo. Một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT đã được nghị quyết đề ra là tập trung phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Đến nay, ngành GD và ĐT tỉnh đã xây dựng được đội ngũ nhà giáo tương đối đồng bộ về cơ cấu, đủ về số lượng, có phẩm chất đạo đức và ý thức chính trị, có trình độ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục. Các nhà trường bước đầu được đổi mới theo tinh thần phát huy tính năng động, chủ động và tích cực của học sinh; giáo viên đã chủ động trong việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và quản lý, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo ở các bậc học đều cao. Trong đó, ở bậc học mầm non có 96,8% giáo viên đạt chuẩn, 56% có trình độ trên chuẩn; bậc tiểu học có 100% đạt chuẩn, 90% trên chuẩn; bậc THCS có 99,39% đạt chuẩn, 50,07% trên chuẩn; bậc THPT có 100% giáo viên đạt chuẩn, 8,68% trên chuẩn. Sở GD và ĐT đã tập trung chỉ đạo tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác xây dựng đội ngũ của các cơ sở giáo dục, góp phần vào việc đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên. Từ cơ quan quản lý đến các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã tích cực, chủ động thực hiện nhiệm vụ với nhiều biện pháp sáng tạo, phù hợp với thực tiễn giáo dục của địa phương, phát huy tối đa nội lực của ngành và sự ủng hộ của toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục đào tạo. Trong đó, các nhà trường, cơ sở giáo dục tiếp tục đẩy mạnh các cuộc vận động và phong trào thi đua, đưa các phong trào thi đua trở thành công việc thường xuyên của mỗi cơ sở giáo dục, tạo động lực mới cho các hoạt động giáo dục trong ngành. Theo đó, mọi cán bộ, giáo viên đều có ý thức giữ gìn phẩm chất đạo đức, nâng cao tinh thần tự học và sáng tạo; học sinh đã từng bước biết vận dụng kiến thức vào giải quyết các tình huống thực tiễn. Môi trường giáo dục chuyển biến tích cực theo hướng xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện. Công tác quản lý tiếp tục được đổi mới, đẩy mạnh theo yêu cầu tăng cường phân công, phân cấp, tăng quyền tự chủ, xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch. Các nhà trường đã có nhiều giải pháp quản lý, giáo dục đạo đức học sinh nhằm giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, giảm tỷ lệ học sinh yếu, kém. Học sinh trung học trong toàn tỉnh cơ bản nắm được chuẩn kiến thức, kỹ năng của cấp học, môn học.

Thầy và trò Trường THCS Giao Xuân (Giao Thủy).
Thầy và trò Trường THCS Giao Xuân (Giao Thủy).

Tuy nhiên, ở một số đơn vị giáo dục trong tỉnh vẫn còn một tỷ lệ đáng kể giáo viên chưa thật sự đổi mới hiệu quả phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá và giáo dục học sinh và chưa biết cách tạo động lực hay phát huy tính tích cực, sáng tạo của học sinh trong học tập và rèn luyện nhân cách. Bên cạnh đó, nhiệm vụ “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” đang đặt lên vai đội ngũ nhà giáo trong tỉnh những yêu cầu mới với trách nhiệm lớn hơn trong dạy học và giáo dục. Trong đó, mỗi thầy giáo, cô giáo theo yêu cầu đổi mới không những là người giỏi về chuyên môn mà còn phải là người có năng lực sư phạm, năng lực giáo dục và truyền động lực học tập, tu dưỡng đạo đức, nhân cách tới mỗi học sinh. Mặt khác, để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, mỗi thầy, cô giáo cần có năng lực huy động và hợp tác rộng rãi với đồng nghiệp, với cha mẹ học sinh, cộng đồng và các tổ chức xã hội cùng tham gia hiệu quả vào các hoạt động giáo dục. Vì vậy, việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới được ngành GD và ĐT xác định là nhiệm vụ quan trọng, là khâu then chốt trong công cuộc đổi mới giáo dục theo yêu cầu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có năng lực giáo dục, gương mẫu về đạo đức nhà giáo và trách nhiệm nghề nghiệp. Năm học 2014-2015, toàn ngành triển khai đổi mới mạnh mẽ mục tiêu, nội dung chương trình, phương pháp và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện đạo đức nhà giáo trong các khâu đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục ở tất cả các cấp học; trước mắt là chuẩn bị cho những đổi mới của chương trình và sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015. Trong đó các nội dung đổi mới về phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập, về áp dụng các hình thức tổ chức giáo dục và dạy học tiên tiến, hiện đại như: Phương pháp dạy học tích cực, phương pháp bàn tay nặn bột, phương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục ở mô hình trường học mới VNEN...; các phương pháp giáo dục kỹ năng sống, giáo dục di sản, giáo dục văn hóa truyền thống, giáo dục ứng phó với biến đổi khí hậu và thảm họa thiên tai, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào dạy và học... Bên cạnh đó, những yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn cán bộ quản lý các cấp tiếp tục giúp mỗi nhà giáo thường xuyên tự học tập và rèn luyện để nâng cao mức đạt được theo các yêu cầu của chuẩn. Các chuẩn đó còn được thể hiện cụ thể về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, năng lực tìm hiểu môi trường và đối tượng giáo dục, năng lực phối hợp với gia đình, cộng đồng và xã hội trong công tác giáo dục, về năng lực phát triển nghề nghiệp... Các chính sách về lương và điều kiện làm việc, chế độ về tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo, các chế độ hỗ trợ nhà giáo phát triển năng lực, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học... được triển khai rộng rãi. Riêng năm học 2014-2015, Sở GD và ĐT đã cử 10 cán bộ đi học lớp cao cấp lý luận chính trị, 23 cán bộ đi học bồi dưỡng tại Học viện Quản lý giáo dục, 37 cán bộ, giáo viên đi đào tạo sau đại học; đã có 4.651 giáo viên mầm non ngoài biên chế được hưởng lương theo quy định. Sở GD và ĐT đã tham mưu với UBND tỉnh đầu tư 8 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh để xây dựng nhà công vụ cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục của 6 trường THPT trong tỉnh.

Với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tâm huyết và sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, có tình yêu với học trò bằng tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu”, luôn có ý thức hoàn thiện và nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và các năng lực theo những yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp để có thể đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục trong giai đoạn mới, chắc chắn ngành GD và ĐT tỉnh nhà sẽ tiếp tục gặt hái được những thành quả mới, xứng đáng là đơn vị có 20 năm đứng trong tốp dẫn đầu toàn quốc về GD và ĐT./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com