Chấn chỉnh tình trạng lạm dụng "xã hội hóa" để thu các khoản đóng góp của học sinh

08:11, 12/11/2014

Công tác xã hội hóa giáo dục là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhằm huy động các nguồn lực của xã hội tham gia vào sự nghiệp “trồng người”, nhất là trong điều kiện ngân sách Nhà nước chỉ đủ bảo đảm những yêu cầu tối thiểu cho việc dạy và học trong nhà trường. Trong nhiều năm qua, nhờ có các nguồn lực từ xã hội hóa giáo dục, các trường học được cải tạo, nâng cấp khang trang, sạch đẹp, lớp học rộng rãi, thoáng mát, chất lượng học tập được nâng cao. Tuy nhiên, hiện nay nhiều khoản thu đầu năm học ở một số trường đã bị lạm dụng “xã hội hóa” giáo dục với nhiều hình thức thu khác nhau, gây bức xúc cho phụ huynh và xã hội.

Một giờ học của học sinh Trường Tiểu học C Thị trấn Xuân Trường.
Một giờ học của học sinh Trường Tiểu học C Thị trấn Xuân Trường.

Chị Thu Vân có con đang học tại một trường tiểu học trên địa bàn Thành phố Nam Định cho biết: Trong buổi họp phụ huynh đầu năm học vừa qua, sau khi nghe cô giáo chủ nhiệm lớp nói khái quát về tình hình của lớp, kế hoạch của nhà trường trong năm học, các bậc phụ huynh đều tập trung vào phần chính của buổi họp: Đó là các khoản thu mà phụ huynh phải “tự nguyện” thực hiện dưới danh nghĩa “xã hội hóa giáo dục”. Nói là “tự nguyện” nhưng khó có phụ huynh nào từ chối được với các khoản đã được liệt kê chi tiết, rõ ràng, bao gồm tiền quỹ lớp, tiền mua tặng phẩm tặng nhà trường nhân dịp năm học mới, tiền mua ti vi mới cho học sinh, tiền chăn, màn, tiền lắp điều hòa, tiền mua ghế đá, tiền lát lại sân trường… với khoản tiền không hề nhỏ. Còn chị Phương Anh năm nay có con 2 tuổi đi học mẫu giáo ở Trường Mầm non V cho biết, từ đầu năm học đến nay chị đã phải nộp một số khoản tiền rất vô lý cho lớp của con như: 50 nghìn tiền khuyến học (dù con chị mới chập chững làm quen với lớp nhà trẻ), 100 nghìn đồng tiền quỹ lớp, 100 nghìn đồng tiền quỹ trường (nhà trường có trên 800 học sinh), 30 nghìn đồng/tháng tiền điện điều hòa và nóng lạnh, tiền mua sắm đồ dùng học tập… Cho dù số tiền đó không lớn, nhưng với học sinh ở lớp mẫu giáo thì bên cạnh tiền học phí hằng tháng thì mức thu đó không hợp lý, nhất là khoản đóng góp quỹ của nhà trường khi giáo viên không nêu rõ khoản thu đó sẽ được dùng vào mục đích gì. Không riêng gì các trường học ở thành phố mới có hiện tượng “lạm thu” mà ở các trường nông thôn, tình trạng này cũng diễn ra phổ biến. Từ tiền cải tạo sân trường, tiền mua sắm cây xanh, ghế đá, tiền làm lán để xe, tiền đầu tư mua sắm máy tính, máy chiếu, loa đài… đều được tính vào các khoản thu dưới hình thức tự nguyện hay “xã hội hóa” giữa nhà trường và Hội phụ huynh học sinh. Năm học nào cũng có nhiều ý kiến phản ánh của phụ huynh học sinh về tình trạng lạm thu này nhưng dường như vẫn không có sự thay đổi, thậm chí năm sau còn thu cao hơn năm trước. Vừa qua, do quá bức xúc ở các khoản thu được cho là không hợp lý tại Trường Tiểu học Thị trấn Lâm (Ý Yên), khi không được giải thích rõ ràng, một số phụ huynh đã làm đơn khiếu nại lên các cấp có thẩm quyền về sự đóng góp này. Cụ thể, đối với học sinh lớp 1 phải đóng 17 khoản với tổng tiền là 2 triệu 855 nghìn đồng/học sinh. Các khoản thu bao gồm tiền BHYT, quỹ giáo dục, quỹ phục vụ điện, tiền vệ sinh, nước sạch và tiền bảo vệ, quỹ hội phụ huynh, quỹ học sinh nghèo, quỹ xây dựng (hỗ trợ tu bổ cơ sở vật chất), tiền hỗ trợ phòng tin học, tiền học hè trong tháng 8, tiền hỗ trợ dạy thêm 2 buổi/tuần, tiền quỹ lớp, tiền áo, mũ, đồng phục, mua ghế nhựa, đồ dùng học tập, giấy thi, hồ sơ học bạ, sổ liên lạc, kế hoạch nhỏ, Bảo Việt. Với học sinh lớp 5, các khoản cũng tương tự với 18 mục cần đóng góp nhưng số tiền thấp hơn một chút là 2 triệu 505 nghìn đồng/học sinh.

Hiện nay, các khoản thu mà một trường công lập được phép thu theo quy định chỉ có học phí (trừ bậc tiểu học), tiền xây dựng, dạy nghề phổ thông, ôn thi tốt nghiệp, học thêm. Các khoản thu như đồng phục, bán trú, quỹ giáo dục…, nhà trường cũng có thể thu nhưng chỉ thu khi người nộp tự nguyện và sau khi thực hiện thu phải được quyết toán, bảo đảm dân chủ và công khai rõ ràng. Các khoản thu như quỹ Hội Phụ huynh phải do Ban đại diện cha mẹ học sinh thu; quỹ Đoàn, Đội phải do tổ chức Đoàn, Đội thu, các khoản thu BHYT, bảo hiểm thân thể… nhà trường phải thông báo rõ cho phụ huynh biết mục đích thu; khoản thu nào là bắt buộc, khoản thu nào là tự nguyện. Hội phụ huynh học sinh chỉ được hoạt động trên cơ sở đồng thuận, tức là nếu ai không thuận thì không làm chứ không bắt buộc. Thế nhưng trên thực tế, trước hàng loạt các khoản lạm thu, dù không nhất trí nhưng phụ huynh cũng đành phải “tự nguyện” chứ không dám có ý kiến trái chiều bởi các cuộc họp phụ huynh bao giờ cũng do giáo viên chủ nhiệm chủ trì, trong đó có cả phần việc của Hội phụ huynh. Trong khi đó, nhiều khoản lạm thu vô lý chắc chắn không phải chỉ do các bậc phụ huynh nghĩ ra mà trước khi quyết định “tự nguyện’’ đóng góp phải thông qua sự đồng thuận của nhà trường. Nhưng khi có vấn đề lạm thu, lạm chi dẫn đến các bậc phụ huynh kêu ca, khiếu kiện thì nhà trường lại nói việc ấy do Hội phụ huynh tự nguyện đóng góp, nhà trường không biết. Nhiều trường còn “bao biện” rằng, hiện nay, Nhà nước đang khuyến khích công tác xã hội hóa giáo dục, nếu không có Hội phụ huynh đứng ra kêu gọi các khoản đóng góp thì với kinh phí hạn hẹp, nhà trường không có điều kiện để đầu tư cho trường lớp phục vụ cho việc dạy và học. Và rằng, tất cả các khoản thu đều do Ban đại diện cha mẹ học sinh đồng ý trên tinh thần tự nguyện, dân chủ… và đều đem lại lợi ích cho chính con em họ (!?).

Vấn đề lạm thu đầu năm học năm nào cũng là tâm điểm của dư luận. Để giải quyết tình trạng này, các nhà trường cần niêm yết công khai những khoản thu theo quy định hiện hành để mỗi phụ huynh đều nắm được và có ý thức về quyền lợi, trách nhiệm trước mỗi khoản đóng góp của mình. Bên cạnh đó các đơn vị chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thu - chi trong nhà trường và có hình thức xử lý nghiêm những trường có mức lạm thu vượt quá nhiều so với mức thu quy định, gây bức xúc trong phụ huynh và xã hội.

Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề “tự nguyện” thu, nộp của phụ huynh học sinh trong một bài báo khác./.

Bài và ảnh: Thảo Linh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com