Hũ sắn khô của bà

06:01, 12/01/2018

Đầu tháng Chạp, chú tôi từ miền Nam ra chơi. Gà sẵn trong chuồng, cá đầy ao, anh em con cháu ríu rít làm cơm, nay nhà này, mai nhà kia mời chú. Nhưng đến bữa, chú chỉ gắp qua loa lấy lệ. Rồi bất ngờ chú hỏi, quê mình giờ còn nhà nào làm sắn khô nữa không, thèm món bánh sắn của u ngày xưa quá…

Chú tôi và gia đình vào Nam lập nghiệp đã hơn 30 năm. Căn nhà cũ của chú ở quê, thỉnh thoảng cô út tôi vẫn thường chạy qua chạy lại quét dọn trong ngoài, nhổ cỏ sân vườn cho bớt lạnh lẽo, hiu quạnh. Trên bức tường ở gian giữa ngôi nhà, vẫn còn đó hai câu thơ của chú viết bằng gạch non màu đỏ: “Quê nhà buổi ấy con đi/ Cầm tay mẹ khóc, biết khi nào về!”. Nặng lòng với cố hương, vậy nên, mỗi dịp hiếm hoi được về quê, chú thường bắt chúng tôi chở lên chợ, mua về cả một rổ những bánh gấc, bánh đúc, ăn thay cơm. Lần này về quê cũng vậy, chú đòi kiếm sắn khô làm bánh. Người già thường hay hoài niệm, lại mau nước mắt. Nghe chú nói về hũ sắn khô của bà nội với giọng rưng rưng, các cô tôi cũng không khỏi ngậm ngùi. Đang độ cuối đông, những cây sắn gạc nai lá bắt đầu chuyển vàng, rụng trơ thân cành gầy guộc, dồn chất dinh dưỡng nuôi củ. Ngay chiều hôm ấy, cả nhà ra vườn nhổ sắn rồi xúm vào lột vỏ, thái lát, phơi đầy một sân gạch. Vừa làm, vừa ôn nghèo kể khổ, khiến bọn trẻ chúng tôi cũng thấy nao nao. Ông bà nội tôi đông con nên cuộc sống ngày trước luôn khó khăn, thiếu thốn. Bà tôi tính lo xa, lại đảm đang, khéo thu vén, năm nào vào mùa thu hoạch sắn cũng chọn những củ ngon, thái mỏng, phơi khô rồi cất vào hũ, đậy kín. Những miếng sắn được nắng hanh hong khô trắng ngần, thơm phức, giòn đến độ có thể bóp vụn. Những lúc giáp hạt hoặc ngày đông mưa phùn gió bấc, có hũ sắn khô của bà nấu độn với cơm, bố tôi và các cô chú mới được ấm bụng đến trường. Thỉnh thoảng, để đổi bữa cho các con, bà giã sắn khô thành bột mịn, trộn với nước và chút đường, nặn thành những viên tròn dẹt, đặt từng lớp lên lá chuối tươi, cho vào chõ đồ chín. Món bánh sắn trong veo, dẻo thơm một thuở là niềm háo hức mong chờ của bố tôi và các cô chú, mang đến cho tuổi thơ của bao thế hệ sống ở nông thôn những kỷ niệm không thể nào quên.

Chúng tôi lớn lên vào thời buổi cái ăn cái mặc đã đủ đầy, có thể không hiểu hết những nỗi niềm, những gian khó của một thời xa xưa ấy. Nhưng chiều nay, nhìn chú tôi cẩn thận gói ghém bọc sắn khô cùng hành lý mang vào Nam, bỗng thấy trân trọng, yêu thương hơn những điều giản dị của quê nhà./. 

Lam Hồng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com