Thành Nhà Hồ: 10 năm là Di sản văn hóa thế giới

08:03, 26/03/2021

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản về việc đồng ý tổ chức các hoạt động kỷ niệm 10 năm Di sản Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới. Theo đó, các hoạt động kỷ niệm 10 năm Di sản Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới, gồm: Triển lãm Di sản văn hoá vùng đất Tây Đô với chủ đề “Kinh thành Tây Đô - Lịch sử và văn hóa”; Tổ chức Hội thảo khoa học chuyên đề “10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới Thành Nhà Hồ”.

Thành nhà Hồ (còn gọi là thành Tây Đô) ở xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, là một trong những công trình kiến trúc bằng đá độc đáo bậc nhất của Việt Nam và thế giới. Công trình được Hồ Quý Ly xây dựng vào năm 1397, từng được coi là kinh đô, trung tâm văn hóa chính trị xã hội của nước Đại Ngu dưới triều Hồ. Trải qua hơn 600 năm tồn tại với bao biến cố của lịch sử, ngày 27-6-2011, tại Kỳ họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản Thế giới ở Paris, Cộng hòa Pháp, Ủy ban Di sản Thế giới đã chính thức quyết định đưa Di tích Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa) vào Danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới. Sau 10 năm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới (2011-2021), Thành nhà Hồ đã bảo tồn phát huy giá trị vốn có, thực hiện nhiều cuộc khai quật và đã tìm thấy nhiều cứ liệu quý, góp phần rất lớn cho việc trùng tu, tôn tạo tòa thành đá “độc nhất vô nhị” này.

Ra mắt tiểu thuyết dã sử về nữ sĩ Đoàn Thị Điểm

Nhà Xuất bản Phụ nữ Việt Nam vừa ra mắt cuốn tiểu thuyết dã sử “Nữ sĩ thời gió bụi” của nhà văn Lê Phương Liên, viết về Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm - một bậc nữ nhân kỳ tài, vô cùng đặc biệt trong lịch sử văn học trung đại Việt Nam.

Cuốn tiểu thuyết nhỏ gọn với 280 trang, gồm 5 chương, thâu tóm toàn bộ cuộc đời đầy biến động của một nhà giáo, thầy thuốc, nữ tác giả có tư tưởng, tầm nhìn sâu rộng, đồng thời có chính kiến và tấm lòng rất mực nhân từ - Đoàn Thị Điểm. Nhân vật chính được khắc họa tài sắc vẹn toàn, không chỉ là cầm kỳ thi họa mà lại còn giỏi võ nghệ qua những câu chuyện thú vị, đời thường. Bằng tài năng hiếm có, tấm lòng nhân hậu, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã cảm hóa và gây ấn tượng mạnh với những người có cơ hội được gặp gỡ, như Thượng thư Lê Anh Tuấn, Tiến sĩ Nguyễn Kiều (phu quân), cậu Chiêu Bảy Lê Hữu Trác, Đặng Trần Côn, Nguyễn Nghiễm và các học trò, người dân làng quê bà cũng như quê chồng... Đan cài trong diễn biến cuộc đời của Đoàn Thị Điểm, tác giả Lê Phương Liên cũng khéo léo bàn về tài năng văn chương thiên phú, khả năng đồng cảm và chiêm nghiệm sâu sắc của nữ sĩ từ nhỏ đến khi trưởng thành, đặc biệt qua truyện thơ chữ Nôm “Chinh phụ ngâm” được bà dịch từ bản chữ Hán của danh sĩ Đặng Trần Côn.

Triển lãm “Nét đẹp phụ nữ Việt Nam qua tem và bưu ảnh”

Các đại biểu tham quan triển lãm.
Các đại biểu tham quan triển lãm.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh và Nhà văn hóa phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức khai mạc triển lãm “Nét đẹp phụ nữ Việt Nam qua tem và bưu ảnh” nhằm tôn vinh nét đẹp của người phụ nữ qua các thời kỳ. Nhà sưu tập Nguyễn Đại Hùng Lộc, Phó Chủ tịch Hội Tem Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, những bộ ảnh và tem được tổng hợp, sưu tập lần này chủ yếu xoay quanh trang phục của phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ và được các anh, chị, em trong Câu lạc bộ sưu tập tem Thành phố Hồ Chí Minh sưu tập, tìm kiếm tổng hợp và giữ gìn qua nhiều năm. Đặc biệt, ẩn sau trong mỗi bộ tem và bưu ảnh còn truyền tải những thông điệp về tình yêu đối với người phụ nữ, là cầu nối cảm xúc, niềm tin yêu, sự trân trọng và đầy tự hào đối với những người phụ nữ Việt Nam. Triển lãm được mở cửa từ nay đến hết ngày 31-3./.

PV (tổng hợp)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com