Phát triển thương mại Thành phố Nam Định và vùng phụ cận

07:01, 18/01/2018

Với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của tỉnh và của vùng Nam đồng bằng sông Hồng, thời gian qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội của Thành phố Nam Định luôn được duy trì ở mức cao và tương đối ổn định thể hiện vai trò trung tâm công nghiệp dịch vụ toàn vùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2011-2015 đạt 19,4%; trong đó khu vực Nhà nước tăng 14,5%; khu vực tư nhân tăng 19,3%; khu vực cá thể tăng 19,6%. Tăng trưởng kinh tế theo giá trị sản xuất bình quân giai đoạn đạt 9,6%/năm. Sự gia tăng về quy mô kinh tế đã thúc đẩy và làm gia tăng cả về quy mô và phạm vi hoạt động thương mại, dịch vụ. Do đó việc mở rộng quy mô phát triển thương mại dịch vụ Thành phố Nam Định và vùng phụ cận là nhiệm vụ quan trọng của thành phố trong giai đoạn hiện nay.

Thực trạng thương mại dịch vụ của thành phố trong những năm qua phát triển khá tuy nhiên vẫn bộc lộ hạn chế do cơ sở vật chất kỹ thuật ngành thương mại, dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu giao dịch thương mại; mức thu nhập bình quân đầu người của dân cư còn thấp cũng là trở ngại lớn cho phát triển thương mại, dịch vụ. Bên cạnh đó thương mại thành phố còn có nhiều yếu tố bất lợi so với các tỉnh lân cận như: Tốc độ gia tăng nhu cầu mua thấp hơn so với các tỉnh có tỷ trọng công nghiệp cao do tính tự cấp, tự túc trong các vùng sản xuất nông nghiệp thường cao, thu nhập bình quân từ sản xuất nông nghiệp thấp hơn so với sản xuất công nghiệp dẫn đến triển vọng tăng trưởng, quy mô lưu chuyển hàng hoá bán lẻ sẽ không cao. Dân cư trong khu vực sản xuất nông nghiệp nói riêng và khu vực nông thôn nói chung có tâm lý tiêu dùng tiết kiệm nên hạn chế khả năng phát triển nhanh của các loại hình bán lẻ hiện đại. Xuất phát điểm ngành kinh tế du lịch khu vực Thành phố Nam Định nhìn chung vẫn ở mức thấp. Sản phẩm du lịch nghèo nàn, đơn điệu; chất lượng dịch vụ thấp (chưa có khách sạn quốc tế 4-5 sao để đón khách quốc tế). Thiếu dịch vụ vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, mua sắm cao cấp. Nguồn nhân lực làm du lịch còn nhiều hạn chế, yếu về nghiệp vụ và tính chuyên nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu của ngành kinh tế. Dòng khách du lịch văn hóa tâm linh đến với khu vực Thành phố Nam Định có xu hướng bão hòa trong khi chưa đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới có sức hấp dẫn thu hút đối với du khách.

Tuyến đường thương mại khu vực cửa ngõ phía tây nam Thành phố Nam Định.
Tuyến đường thương mại khu vực cửa ngõ phía tây nam Thành phố Nam Định.

Để khắc phục tình trạng này, thực hiện Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIX, ngày 1-7-2016 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 59/KH-UBND về tập trung xây dựng phát triển Thành phố Nam Định hình thành rõ nét một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2016-2020, trong đó giao cho Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan xây dựng đề án phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn Thành phố Nam Định và các vùng phụ cận đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Trên cơ sở đó thương mại Thành phố Nam Định và vùng phụ cận được xác định trong phạm vi toàn bộ ranh giới hành chính Thành phố Nam Định, huyện Mỹ Lộc, 3 xã của huyện Vụ Bản (Đại An, Thành Lợi, Tân Thành) và 5 xã của huyện Nam Trực (Nam Mỹ, Nam Toàn, Hồng Quang, Điền Xá, Nghĩa An), với tổng diện tích khoảng 184,45km2, chiếm khoảng 11% diện tích của toàn tỉnh. Mục tiêu hướng tới việc phát triển nhanh thương mại, dịch vụ theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường; tạo tiền đề vững chắc để tham gia hợp tác phát triển kinh tế trong vùng, trong nước và nước ngoài, phấn đấu đến năm 2020 đạt trình độ phát triển tiên tiến trong khu vực, tích cực giải quyết việc làm cho lao động dư thừa từ khu vực nông nghiệp, nông thôn do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trên cơ sở đó, thương mại Thành phố Nam Định và vùng phụ cận được ưu tiên khuyến khích đầu tư xây dựng mới, tạo điều kiện phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị, khu vui chơi giải trí, khách sạn cao cấp… quy mô cấp vùng. Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ khác như vận tải, dịch vụ phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu hội nhập. Chú trọng phát triển loại hình bán lẻ hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi) hỗ trợ cho các chợ truyền thống, chợ dân sinh. Tiếp tục cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các chợ dân sinh, chợ nông thôn phục vụ tốt hơn nhu cầu sinh hoạt của nhân dân và đáp ứng tiêu chí xây dựng NTM. Trong đó, thành phố và vùng phụ cận được chia thành 3 khu vực trung tâm thương mại chính, tập trung tại trung tâm thành phố, khu vực Thị trấn Mỹ Lộc và phụ cận và khu vực 2 bên đường Lê Đức Thọ. Đồng thời hệ thống chợ trên địa bàn được mở rộng, nâng cấp với 45 chợ; trong đó có 2 chợ hạng I, 3 chợ hạng II, 40 chợ hạng III. Hành lang thương mại dịch vụ hỗn hợp được phát triển theo 3 hướng gồm các tuyến: Quốc lộ 21B - đại lộ Thiên Trường - đường Đông A - phố Trần Hưng Đạo - đường Đặng Xuân Bảng - đoạn Quốc lộ 21B đến cầu Vòi (xã Hồng Quang) với điểm nhấn là các trung tâm thương mại Mỹ Lộc, cầu Vòi, khu thương mại du lịch - dịch vụ  Hòa Vượng, các siêu thị Big C, Trần Anh, Media Mart, các chợ Mỹ Tho, chợ Rồng, chợ Đò Quan, các cửa hàng kinh doanh điện máy, thời trang, vàng bạc, hóa mỹ phẩm; hành lang thương mại từ Thị trấn Mỹ Lộc theo Quốc lộ 21 - đường Điện Biên bao gồm các cơ sở kinh doanh thương mại với điểm nhấn là chợ Thị trấn Mỹ Lộc, chợ Cầu Ốc (Lộc Hòa), siêu thị đồ gỗ Hoa Phương, Trung tâm thương mại - dịch vụ - nhà ở và khách sạn Nam Định Tower, Trung tâm thương mại Micom plaza; hành lang thương mại theo đường Lê Đức Thọ đến cầu Tân Phong bao gồm các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ, sinh vật cảnh với các điểm nhấn là chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị. Đồng thời phát triển các sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin, viễn thông; tài chính, ngân hàng; vận tải, cảng, kho bãi và các dịch vụ gia tăng khác…

Quy hoạch phát triển thương mại Thành phố Nam Định với những mục tiêu cụ thể, chi tiết cho từng vùng, từng khu vực là cơ sở quan trọng để quản lý và thu hút đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ của thành phố, đảm bảo sự thống nhất hài hòa với quá trình phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, tương xứng với vị thế trung tâm chính trị, kinh tế của tỉnh, đô thị trung tâm vùng. Tuy nhiên để thương mại Thành phố Nam Định và vùng phụ cận thực sự trở thành đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, các ngành chức năng và các địa phương phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ hoàn thiện quy hoạch, huy động vốn đầu tư, xây dựng nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và tăng cường quản lý Nhà nước về thương mại./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com