Vẫn vắng bóng hàng Việt Nam chất lượng cao ở chợ nông thôn

04:09, 24/09/2016
Đến nay, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được các ngành chức năng, các tổ chức hội, đoàn thể tích cực triển khai thực hiện rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, khảo sát thực tế tại các chợ truyền thống cho thấy, lượng hàng hóa do Việt Nam sản xuất chưa chiếm đa số, đặc biệt là những mặt hàng Việt Nam chất lượng cao. Do vậy người tiêu dùng nông thôn vẫn phải sử dụng nhiều mặt hàng chất lượng thấp và hàng Trung Quốc nhập lậu. Đó chính là lý do khiến địa bàn nông thôn trở thành “vùng trũng” cho hàng Trung Quốc và các loại hàng giả, hàng nhái có cơ hội trà trộn.
Nhóm hàng gia dụng bày bán tại chợ nông thôn hầu hết là hàng Trung Quốc nhập lậu hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Nhóm hàng gia dụng bày bán tại chợ nông thôn hầu hết là hàng Trung Quốc nhập lậu hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Thời gian qua, Sở Công thương đã phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn. Thông qua đó, nhiều thương hiệu Việt tên tuổi của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như: sản phẩm may mặc Nam Tiệp, chất tẩy rửa Sinh Hóa, máy cơ khí Việt Tiến, Anh Khoa, Thanh Bằng, nông sản sấy Minh Dương hay như đồ sành sứ Hải Dương, Minh Long, nhựa chợ Lớn, Đại Đồng Tiến, may mặc Việt Tiến... đã tạo được dấu ấn với người tiêu dùng. Đa số người dân trên địa bàn đã nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng hàng Việt. Tuy nhiên có một nghịch lý là khi người tiêu dùng có nhu cầu tìm đến hàng Việt thì tại các chợ truyền thống hàng Việt chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn và ở các khu vực càng xa trung tâm, hàng nội càng vắng bóng. Tại chợ trung tâm các Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy) và Yên Định (Hải Hậu) - nơi được coi là đầu mối giao thương, đặc biệt là nơi cung cấp hàng hóa cho các xã vùng sâu, vùng xa của mỗi huyện, nhưng rất khó để tìm các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao trong khi dễ dàng để mua mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc, từ các loại quần áo, giày dép, chăn màn, đến chén, đĩa… Một vài thương hiệu may mặc trong nước như Việt Tiến, May 10 và hàng hóa của một số doanh nghiệp trong tỉnh cũng được bày bán ở các shop trung tâm thị trấn, còn tại các ki-ốt trong chợ thì hầu như không có, ở đây hàng hóa Trung Quốc, không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái... chiếm trọn thị phần. Rõ ràng, hàng Việt chưa làm chủ được thị trường nông thôn, bởi theo nhiều tiểu thương thì hàng Trung Quốc giá rẻ, nhiều mẫu mã bắt mắt nên dễ bán. Nhiều tiểu thương bán quần áo tại chợ Thị trấn Cồn (Hải Hậu) cho biết: một bộ quần áo trẻ em xuất xứ Trung Quốc giá chỉ từ 35-70 nghìn đồng mà màu sắc, kiểu dáng thời trang rất hấp dẫn trong khi hàng Việt Nam thì phải từ 100 nghìn đồng trở lên. Với giá chênh lệch như vậy nên hàng Trung Quốc dễ dàng được nhiều người lựa chọn. Nhóm tiểu thương bán hàng giày dép, túi xách, đồ gia dụng ở chợ này cũng thừa nhận, hầu hết hàng hóa bán ra đều là hàng trong nước và hàng nhập từ Trung Quốc không thương hiệu bán với giá rẻ, chỉ dao động từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng/sản phẩm nên bán rất chạy. Còn hàng Việt, nhất là hàng Việt Nam chất lượng cao thì rất hiếm, trừ khi khách đặt hàng mới lấy về bán vì màu sắc, mẫu mã đơn điệu trong khi giá lại cao hơn nhiều so với hàng Trung Quốc nên ít người mua. Các chợ trung tâm huyện như chợ Dần, chợ Gôi (Vụ Bản); chợ Lâm (Ý Yên); chợ Cổ Lễ (Trực Ninh)… hầu như đều thiếu vắng hàng Việt Nam chất lượng cao, đặc biệt là đồ gia dụng, hàng công nghệ phẩm và đồ dùng cho trẻ em. Trong khi đó, các chợ này lại đang là mảnh đất màu mỡ của hàng giả, hàng nhái. Anh Trần Hoàng Nam, xã Trung Thành (Vụ Bản) than phiền: “Dịp đầu năm học mới, tôi muốn tìm mua một đôi dép Bitís, cặp sách, đồ dùng học tập của các hãng sản xuất trong nước cho cô con gái đầu lòng đến trường nhưng phải ra Thành phố Nam Định mới mua được vì tìm ở chợ huyện chỉ toàn hàng Trung Quốc hoặc hàng Việt Nam nhưng nhãn mác lạ hoặc không nhãn mác, tôi không yên tâm cho con sử dụng. Hay như sản phẩm chăn, ga, gối, đệm Sông Hồng, tôi thấy quảng cáo trên truyền hình, báo hoặc một vài lần doanh nghiệp về giới thiệu sản phẩm tại vùng nông thôn rất đẹp nhưng khi muốn mua cũng phải ra đại lý ở tận Thành phố Nam Định mới yên tâm vì thấy hàng bán ở địa phương không đa dạng, cảm giác như hàng tồn kho hay hàng nhái nên rất bất tiện”. Những ý kiến của anh Nam chứng tỏ người tiêu dùng nông thôn hiện nay rất quan tâm đến sản phẩm hàng Việt nhưng thiếu thông tin về hàng hóa và khó có điều kiện tiếp cận hàng Việt chất lượng cao. Điều này cho thấy hạn chế trong khâu tổ chức phân phối hàng Việt về nông thôn, tạo kẽ hở cho hàng nhái, hàng giả và hàng Trung Quốc tràn vào thị trường. Trong nhiều nguyên nhân có nguyên nhân do các doanh nghiệp chưa quan tâm phát triển thị trường nông thôn, ít dành chương trình khuyến mãi, giới thiệu sản phẩm hay hỗ trợ tiểu thương và người tiêu dùng tại các chợ nông thôn. Hơn nữa việc đưa hàng Việt về nông thôn của các doanh nghiệp vẫn thụ động, phụ thuộc vào các đợt hội chợ, phiên chợ hàng Việt được tổ chức theo kế hoạch của cơ quan chức năng nên sản phẩm mới chỉ dừng lại ở việc giới thiệu đến người tiêu dùng. Do đó người dân sau khi mua hàng về dùng thử thấy yên tâm muốn mua thêm lại khó khiến họ ngày càng xa… sản phẩm nội. 
 
Thị trường nông thôn có hơn 70% dân số với sức mua lớn đang bị bỏ ngỏ là một thiếu sót lớn của cả doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thực hiện chiến lược phát triển thị trường nông thôn bởi đây mới chính là “mảnh đất màu mỡ” để hàng Việt chiếm thị phần và duy trì “sức sống” lâu dài. Để cải thiện vấn đề này các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng thị trường và tạo điều kiện để các doanh nghiệp yên tâm đưa hàng Việt về nông thôn. Bên cạnh đó chính doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch phát triển thị trường, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu, tâm lý và điều kiện tiêu dùng của người dân khu vực nông thôn... Chú trọng việc tổ chức mạng lưới phân phối hàng hóa hợp lý theo cách mở rộng liên kết với các điểm phân phối, điểm bán lẻ để tiếp cận sâu hơn với người tiêu dùng, tăng cường đầu tư cho quảng bá, truyền thông để người tiêu dùng được biết rõ và kỹ hơn về sản phẩm hàng Việt cũng như tư vấn cách dùng sản phẩm một cách hiệu quả nhất… Bằng cách đó khiến hàng Việt sẽ là lựa chọn đầu tiên của người dân và thị trường nông thôn là đích cần chinh phục trong chiến lược phát triển kinh doanh của mỗi doanh nghiệp chứ không phải hỗ trợ, khuyến khích đưa hàng Việt về nông thôn như hiện nay./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com