Thực hư thương hiệu và chất lượng thị trường nước mắm?

05:09, 10/09/2016

Nước mắm là một loại gia vị truyền thống không thể thiếu được trong bữa ăn hằng ngày của người Việt. Tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định, nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa đối với các mặt hàng thực phẩm, trong đó có nước mắm gồm: tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa; định lượng; ngày sản xuất; hạn sử dụng; thành phần hoặc thành phần định lượng; thông tin cảnh báo vệ sinh an toàn; hướng dẫn sử dụng, bảo quản. Tuy nhiên kiến thức của người tiêu dùng về chất lượng nước mắm lại khá hạn chế; nhiều người nghĩ rằng, nồng độ đạm càng cao thì nước mắm càng thơm ngon, bổ dưỡng nhưng không biết chính xác về độ đạm trong nước mắm là như thế nào. Đây chính là nguyên nhân trên thị trường còn tồn tại nhiều mặt hàng nước mắm mà trên nhãn hiệu ghi độ đạm tới 50%, 60%, thậm chí là 80% hay 90% để lôi cuốn khách hàng. Bên cạnh đó, còn vô số những sai phạm về nhãn mác khiến người tiêu dùng nhầm lẫn giữa nước mắm và nước chấm, giữa độ đạm và hàm lượng protein…, đứng trước “ma trận” thương hiệu nước mắm mà vẫn khó lựa chọn sản phẩm an toàn cho gia đình.

Người tiêu dùng tìm hiểu sản phẩm nước mắm thương hiệu Ninh Cơ của Cty CP Chế biến thủy hải sản Nam Định.
Người tiêu dùng tìm hiểu sản phẩm nước mắm thương hiệu Ninh Cơ của Cty CP Chế biến thủy hải sản Nam Định.

Trên thị trường tỉnh ta, mặt hàng nước mắm khá phong phú với giá dao động từ 15-100 nghìn đồng/lít tùy từng loại. Trong đó phổ biến và được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn nhất vẫn là các sản phẩm có thương hiệu được quảng cáo mạnh như nước mắm Chinsu, Nam Ngư, Nha Trang, Phú Quốc… và sản phẩm của khoảng 90 cơ sở sản xuất tại các làng nghề nước mắm truyền thống nổi tiếng của tỉnh như Sa Châu, xã Giao Châu (Giao Thủy), Ngọc Lâm, xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng), Thị trấn Cồn, Thịnh Long (Hải Hậu)... Sản xuất nước mắm, đặc biệt là sản xuất theo phương pháp cổ truyền đòi hỏi các quy trình nghiêm ngặt từ việc chọn lựa nguyên liệu đến bảo quản, ngâm ủ và thời gian chắt lọc… mới cho sản phẩm hoàn hảo. Và đặc biệt là không được dùng các loại hóa chất để tạo màu, tạo mùi và tăng độ đạm cho nước mắm. Hiện tại sản phẩm nước mắm truyền thống tỉnh ta với các thương hiệu Sa Châu, Quý Thịnh, Ninh Cơ, Lâm Bão, Đại Thành, Phú Hải, Dân Phú… đã được nhiều người biết đến và có sức cạnh tranh được với một số loại nước mắm khác trên thị trường. Các sản phẩm nước mắm này có nhãn mác rõ ràng, thông tin đầy đủ trung thực về tên, địa chỉ, xuất xứ hàng hóa, thành phần định lượng… người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm với lựa chọn của mình. Tuy nhiên, nhiều loại nước mắm đang bán trên thị trường dù tem nhãn được gắn biểu tượng “Hàng Việt Nam chất lượng cao” với nhiều lời quảng cáo như “nước mắm thượng hạng”, “nước mắm sạch”, “đạt giải thưởng tại các hội chợ triển lãm”, độ đạm cao, sản xuất bằng phương pháp cổ truyền… nhưng chất lượng thực tế không hẳn đúng. Nhiều sản phẩm trên tem nhãn ghi chỉ tiêu thành phần chung chung là nước, muối, đạm cá cơm, đường, chất điều vị, chất bảo quản, chất ổn định, màu tổng hợp, màu caramel, hương cá hồi, hương cá cơm… Thậm chí, có hãng không ghi thành phần mà chỉ ghi hàm lượng axít amin, axít toàn phần… kiểu “tung hỏa mù” với người tiêu dùng. Về độ đạm, chi tiết người tiêu dùng thường để ý thì không ít hãng nước mắm lại ghi độ đạm thành phần lên tới 60-70%. Trong khi đó theo các chuyên gia dinh dưỡng, nước mắm truyền thống sử dụng nguyên liệu chủ yếu là loại cá cơm có hàm lượng protein cao đạt đến 18-23% độ đạm. Do đó, nếu sử dụng để sản xuất nước mắm bằng phương pháp cổ truyền, nồng độ đạm cao nhất chỉ ở mức 20-30%, không thể nào có được nước mắm với độ đạm cao, siêu cao đến mức 50-60% độ đạm. Nước mắm đạt độ đạm cao như vậy chỉ có thể bằng cách chưng cất và bù hóa chất. Với kiểu ghi nhãn như vậy, người tiêu dùng khi lựa chọn nước mắm độ đạm cao lại vô tình tự nạp hóa chất vào người mà không biết thực hư. Không dừng lại ở những tiểu xảo đó, lợi dụng sự lỏng lẻo trong công tác quản lý, nhiều gian thương còn làm nước mắm giả các thương hiệu lớn hay ghi nhãn kiểu “lập lờ đánh lận con đen” như: “nước mắm Nha Trang”, “nước mắm cá cơm”, “nước mắm cá chim trắng Phú Quốc”, “nước mắm Nam Ngư” và cả một số loại nước mắm truyền thống của Nam Định với nguyên liệu chỉ bằng nước, hóa chất tạo màu, tạo mùi... Lực lượng Quản lý thị trường (Sở Công thương) thời gian qua trong quá trình kiểm tra, kiểm soát đã phát hiện một cơ sở sản xuất nước mắm giả các nhãn hiệu Nha Trang, Phú Quốc, Nam Ngư tại Thị trấn Đông Bình (Nghĩa Hưng). Ngoài ra lực lượng chức năng cũng thu giữ và tiêu hủy hàng nghìn tem nhãn giả các hãng nước mắm được tin dùng trên thị trường.

Trước tình trạng nhập nhèm chất lượng trên thị trường nước mắm, các cơ quan liên quan đã vào cuộc chấn chỉnh tình trạng vi phạm pháp luật đối với sản phẩm này. Trong đó, Chi cục Quản lý thị trường chủ động lập và triển khai các phương án kiểm tra, kiểm soát, loại bỏ hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN và PTNT) đã có văn bản yêu cầu các chủ hộ sản xuất nước mắm trên địa bàn ký cam kết không sử dụng chất tạo ngọt Cadymin trong quá trình sản xuất nước mắm… Đồng thời thành lập đoàn thanh kiểm tra liên ngành kiểm soát chất lượng, nhãn mác nhóm hàng nước mắm trên thị trường, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về ghi nhãn hàng hóa, góp phần bảo vệ quyền lợi nhà sản xuất chân chính và người tiêu dùng. Các cơ sở sản xuất nước mắm tại các làng nghề truyền thống trong tỉnh cần thực hiện tốt hơn các quy định này, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, từng bước khẳng định thương hiệu và trách nhiệm đối với khách hàng. Đồng thời hạn chế việc bán sản phẩm chưa được đóng gói, dán nhãn mác của cơ sở mình (như bán theo can lớn...) để tránh việc các tư thương mua nguyên liệu về pha chế, rồi gắn nhãn mác giả gây hại cho việc sản xuất của cơ sở mình, mất uy tín với người tiêu dùng. Người tiêu dùng chú ý khi chọn mua nước mắm, nên mua của các thương hiệu ghi đầy đủ, rõ ràng các thông tin theo Nghị định 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ, nhất là địa chỉ doanh nghiệp, nơi sản xuất để có thể kiểm tra khi nghi ngờ. Đồng thời cần nắm rõ một số đặc điểm nhận dạng nước mắm ngon như: khi lắc nhẹ chai thấy nước mắm chảy xuống chậm, đọng lại trên vỏ chai nghĩa là mắm có độ đạm cao; màu sắc đậm, giơ ra ánh sáng có màu đỏ cánh gián, hơi sánh là mắm ngon. Ngược lại là nước mắm có độ đạm thấp. Nếu mắm có màu đục, lẫn những lợn cợn thì không sử dụng do mắm đã bị kết tủa, biến đổi chất lượng./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com