Tập trung giải ngân vốn đầu tư công

07:12, 17/12/2020

Đánh giá công tác giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC) năm 2020, tỉnh ta được xác định là một trong các địa phương có kết quả cao so với bình quân cả nước. Đến 31-10-2020 kết quả giải ngân các nguồn VĐTC đạt 83,2%; ước thực hiện đến 31-1-2021 đạt 100% kế hoạch (3.956,184 tỷ đồng). Đáng kể, đã chủ động xây dựng kế hoạch theo hướng tập trung nguồn lực để sớm hoàn thành các công trình trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gồm: hạ tầng y tế, giáo dục; các tuyến giao thông huyết mạch có tính kết nối vùng nhằm xúc tiến, thu hút đầu tư; các công trình đê kè phòng chống lụt bão, đảm bảo quốc phòng an ninh. Các nguồn VĐTC được phân bổ công khai, minh bạch và theo nguyên tắc bố trí đủ vốn hoàn ứng ngân sách Trung ương (NSTƯ) theo chỉ tiêu Chính phủ giao; đối ứng các dự án ODA theo Hiệp định đã ký kết; ưu tiên bố trí vốn cho các dự án hoàn thành đã có quyết định quyết toán; tích cực xem xét, điều chuyển vốn của các dự án chậm thực hiện, có kết quả giải ngân tốt hơn để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn VĐTC... Tuy nhiên, theo UBND tỉnh công tác giải ngân VĐTC của tỉnh còn nhiều khó khăn, bất cập.

Thi công xây dựng Khu Trung tâm Lễ hội thuộc Dự án văn hóa Trần.
Thi công xây dựng Khu Trung tâm Lễ hội thuộc Dự án văn hóa Trần.

Tỉnh chưa có nguồn thu ngân sách cao và ổn định; nguồn thu và công tác điều hành ngân sách năm 2020 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong khi nhu cầu vốn đầu tư cho các chương trình, dự án, nhất là các dự án trọng điểm còn rất lớn. Nguồn vốn ngân sách tỉnh được cân đối bố trí cho các công trình hạn chế, còn phụ thuộc vào NSTƯ hỗ trợ nên tiến độ thực hiện một số dự án còn chậm, đặc biệt là các dự án không còn được cấp vốn NSTƯ, trái phiếu Chính phủ phải chuyển sang bố trí vốn để thanh toán nợ xây dựng cơ bản hoặc tiếp tục triển khai thực hiện từ nguồn ngân sách tỉnh. Trong các tháng đầu năm, một số nguồn vốn (vốn ODA, vốn NSTƯ hỗ trợ thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn NSTƯ bổ sung thêm từ nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư trung hạn và theo Nghị quyết 797/NQ-UBTVQH14) được giao vốn muộn nên kết quả, tiến độ giải ngân vẫn còn thấp. Phần lớn các dự án được triển khai đảm bảo tiến độ và chất lượng, tuy nhiên vẫn còn một số dự án chậm tiến độ do thời gian hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định kéo dài, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, năng lực của một số chủ đầu tư còn hạn chế, nguồn vốn bố trí ở một số dự án còn hạn hẹp. Tiến độ giải ngân các dự án trước đây được phê duyệt đầu tư từ nguồn NSTƯ, trái phiếu Chính phủ nay không còn được hỗ trợ từ Trung ương mà chuyển về bố trí bằng nguồn vốn ngân sách địa phương còn chậm do tỉnh cần có lộ trình bố trí vốn để tiếp tục hoàn thành dự án, thanh toán nợ xây dựng cơ bản phù hợp với thực lực ngân sách tỉnh. Tỉnh chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế có tiềm lực mạnh tham gia thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức PPP để giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước...

Trước các bất cập kể trên, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương nỗ lực gỡ vướng để tiếp tục đẩy mạnh giải ngân VĐTC. Để đảm bảo kế hoạch được giao theo đúng thời gian quy định từ nay đến ngày kết thúc kỳ giải ngân năm 2020 (31-1-2021) các cấp, các ngành phải chú trọng đẩy nhanh tiến độ đầu tư, thi công, thanh toán vốn đối với các công trình đã và đang triển khai. Trong đó, đặc biệt chú trọng nhóm dự án được giao vốn năm 2020 muộn (vốn ODA, vốn NSTƯ hỗ trợ thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn NSTƯ bổ sung thêm từ nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư trung hạn và theo Nghị quyết 797/NQ-UBTVQH14). Để có kế hoạch cụ thể, chi tiết trong giải ngân hiệu quả VĐTC năm 2021, các sở, ngành, địa phương chủ động lập kế hoạch đầu tư công năm 2021. Trong đó, cần lưu ý bảo đảm các nguyên tắc: Góp phần thực hiện các mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 của tỉnh; phù hợp với nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và hướng dẫn xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục khắc phục dàn trải, cơ cấu lại đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước theo thứ tự ưu tiên bố trí vốn sau: Ưu tiên thực hiện các dự án lớn, trọng điểm, có tính kết nối và tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; thu hồi vốn ứng trước nguồn ngân sách Nhà nước; bố trí vốn đối ứng cho các công trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài phù hợp với tiến độ thực hiện dự án và quyết định đầu tư đã được phê duyệt theo Hiệp định đã ký kết; bố trí vốn chuẩn bị đầu tư và lập quy hoạch tỉnh; bố trí vốn để thanh toán khối lượng đã hoàn thành và tiếp tục triển khai thực hiện các dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025 theo khả năng cân đối của từng nguồn vốn. Bên cạnh đó, chủ động lồng ghép các nguồn vốn NSTƯ, ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các dự án trọng điểm. Tích cực huy động thêm nguồn vốn từ các thành phần kinh tế khác cho xây dựng, nâng cao hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, để giảm nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Tiếp tục lồng ghép các nguồn vốn NSTƯ và ngân sách địa phương, đồng thời tích cực huy động thêm các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao. Đảm bảo quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; tiếp tục thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật tạo quyền chủ động cho các huyện, thành phố nâng cao hiệu quả đầu tư./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com