Ngành Ngân hàng nỗ lực tiếp vốn xây dựng nông thôn mới

07:12, 15/12/2020

Trong những năm qua, ngành Ngân hàng đã tích cực chung tay, góp sức cùng cả tỉnh thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Qua đó, góp phần quan trọng vào việc nâng cao thu nhập, giảm nghèo, đổi thay diện mạo nông thôn ngày càng tươi đẹp, trù phú hơn.

Sản xuất chăn ga tại Công ty CP May Sông Hồng tại CCN Hải Phương (Hải Hậu).
Sản xuất chăn ga tại Công ty CP May Sông Hồng tại CCN Hải Phương (Hải Hậu).

Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh, thực hiện chương trình xây dựng NTM, trong những năm qua, Chi nhánh đã liên tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản, cơ chế chính sách liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Tập trung triển khai và tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NÐ-CP ngày 9-6-2015 (Nghị định 55) của Chính phủ, Nghị định 116/2018/NÐ-CP ngày 7-9-2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 55 và các văn bản hướng dẫn thực hiện của NHNN Việt Nam. Ðồng thời, các TCTD trên địa bàn tỉnh cũng tích cực triển khai các chương trình tín dụng đặc thù, tín dụng chính sách; đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, tăng cường cung ứng các sản phẩm tín dụng tiêu dùng, phục vụ nhu cầu chính đáng, cấp thiết của người dân. Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, bám sát mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các ngân hàng, TCTD chủ động cân đối nguồn vốn, xây dựng kế hoạch huy động vốn, đầu tư cho vay chương trình xây dựng NTM, trong đó, tập trung đầu tư cho vay phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Mạng lưới hoạt động được mở rộng đến các huyện, xã; từng bước đổi mới, cải tiến quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt phiền hà cho khách hàng vay vốn, nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay, nâng cao khả năng thẩm định, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn, đáp ứng nhu cầu đầu tư, góp phần hạn chế “tín dụng đen”. Các ngân hàng đều công khai thủ tục cho vay, cung cấp các dịch vụ đối với khách hàng như: trình tự các bước thực hiện, thành phần, số lượng hồ sơ, thời hạn giải quyết, lãi suất cho vay… tăng cường quảng bá tuyên truyền để người dân nắm bắt thông tin và lựa chọn sử dụng các chương trình, sản phẩm tín dụng và dịch vụ ngân hàng.

Đường trục xóm xã NTM Phúc Thắng (Nghĩa Hưng).
Đường trục xóm xã NTM Phúc Thắng (Nghĩa Hưng).

Theo báo cáo của Chi nhánh NHNN tỉnh về hỗ trợ xây dựng NTM tại 204 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh, doanh số cho vay lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 29.137 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 24.817 tỷ đồng; dư nợ cho vay đến thời điểm hiện tại là 34.880 tỷ đồng. Trong đó, cho vay ngắn hạn đạt 22.551 tỷ đồng, cho vay trung dài hạn đạt 12.329 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,48% trong tổng dư nợ cho vay đối với xã xây dựng NTM. Dư nợ cho vay chủ yếu tập trung lĩnh vực sản xuất, kinh doanh (23.257 tỷ đồng); cho vay xây dựng nhà ở (1.637 tỷ đồng); cho vay hộ nghèo (1.510 tỷ đồng); cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (1.122 tỷ đồng); cho vay khác (6.949 tỷ đồng)… Số khách hàng còn dư nợ là 209.320 khách hàng, trong đó có 208.523 khách hàng là hộ dân; 789 doanh nghiệp và 8 HTX. Ðồng chí Nguyễn Quý Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hoà (Xuân Trường) cho biết: “Hiện nay, dư nợ tín dụng trên địa bàn xã đạt 103 tỷ 480 triệu đồng với 1.381 khách hàng, tập trung ở các ngân hàng: Chính sách Xã hội; NN và PTNT. Từ nguồn vốn vay, người dân trên địa bàn xã đã đầu tư phát triển, xây dựng các mô hình sản xuất như: nuôi cá lăng, cá trắm đen năng suất cao, hình thành chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, thu hút thêm đầu tư chăn nuôi gia cầm và nuôi thủy sản quy mô lớn, hiện đại… Thu nhập của người dân trong xã từng bước được nâng lên, giá trị kinh tế bình quân trên một đơn vị diện tích canh tác của vùng nuôi thuỷ sản tập trung đạt hơn 200 triệu đồng/ha/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm. Ðến cuối tháng 9-2020, xã Xuân Hoà đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2019. Không chỉ riêng xã Xuân Hoà, ở huyện Xuân Trường, dư nợ cho vay của các ngân hàng tính đến hết tháng 11-2020 đạt 3.293 tỷ đồng với 20.631 hộ, 89 doanh nghiệp và 1 HTX còn dư nợ. Có thể nói, nguồn vốn cho vay của các ngân hàng đã thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, chất lượng đời sống vùng nông thôn, góp phần thúc đẩy người dân tích cực tham gia phong trào xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Ðến hết năm 2020, toàn tỉnh đã có 60 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Với sự vào cuộc tích cực của ngành Ngân hàng, chương trình xây dựng NTM ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện theo đúng lộ trình. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn vẫn còn khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ. Ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục chú trọng công tác huy động vốn, cân đối nguồn vốn tại chỗ, nguồn vốn trung, dài hạn, đảm bảo công tác thanh khoản; thực hiện tăng trưởng tín dụng phù hợp gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát chất lượng tín dụng; điều chỉnh cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên và các chương trình trọng điểm của tỉnh. Cải tiến quy trình hoạt động, mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng các dịch vụ, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đổi mới quy trình, thủ tục cho vay theo hướng đơn giản hóa, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là đối với hộ nông dân, doanh nghiệp sản xuất ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động tiền tệ, tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người nghèo, đối tượng chính sách; tăng cường công tác phối hợp giữa ngân hàng, TCTD với chính quyền địa phương... Chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp và ký kết nội dung ủy thác, phối hợp với các đoàn thể để triển khai hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Kiểm soát cấp tín dụng theo hướng ưu tiên cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo hướng khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com