Chắp cánh những khát vọng vươn khơi

09:01, 28/01/2017

Mùa xuân này thật sự là một “mùa xuân nhiều mới” đối với nhiều ngư dân ở 3 huyện ven biển: Giao Thủy, Nghĩa Hưng và Hải Hậu khi họ được vươn khơi, bám biển trên những con tàu cá vỏ sắt đóng mới theo Nghị định 67. Một chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ đã và đang được ngư dân đón nhận như một “làn gió mới” chắp cánh cho những ước vọng vươn khơi khai thác thủy hải sản, góp phần đưa ngành kinh tế thủy sản tỉnh nhà phát triển lên tầm cao mới, đồng thời cùng với dân và quân cả nước tiếp tục khẳng định vững chắc chủ quyền biển, đảo quê hương…

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, đảm bảo vững chắc chủ quyền quốc gia biển, đảo, ngày 7-7-2014 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Trong các chính sách mang tính đòn bẩy đặc biệt có cơ chế tín dụng cụ thể cho ngư dân vay vốn với mức đủ để đầu tư hiện đại hóa đội tàu khai thác thủy hải sản xa bờ… Đây không chỉ là bước đột phá quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế biển mà còn đáp ứng nguyện vọng chính đáng của ngư dân là mong muốn có những con tàu cá vỏ sắt hiện đại giúp họ an toàn bám biển dài ngày để khai thác nguồn lợi hải sản của biển mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương. Nhận thức được tầm quan trọng của chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ đối với phát triển kinh tế thủy sản của tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã có kế hoạch chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tích cực tham gia thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu cá vỏ sắt theo tinh thần Nghị định 67.

Đôi tàu chụp mực vỏ sắt của ngư dân Trần Văn Long, Trần Ngọc Tuyên ở xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) được đóng mới theo Nghị định 67.
Đôi tàu chụp mực vỏ sắt của ngư dân Trần Văn Long, Trần Ngọc Tuyên ở xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) được đóng mới theo Nghị định 67.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Nam Định (BIDV Nam Định) là một trong những ngân hàng thương mại tiên phong, quyết liệt trong triển khai thực hiện Nghị định 67. Đồng chí Phạm Thanh Hương, Giám đốc BIDV Nam Định cho biết: Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tổng Giám đốc BIDV Việt Nam về thực hiện Nghị định 67, BIDV Nam Định đã xác định rõ trách nhiệm chính trị và chủ động triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả. BIDV Nam Định đã thành lập các tổ công tác trực tiếp xuống các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng để khảo sát nhu cầu vay vốn của ngư dân các xã, thị trấn và lấy ý kiến đóng góp của bà con trong việc đóng mới tàu cá vỏ sắt, tạo điều kiện phát triển kinh tế thủy sản của địa phương. Đồng thời tổ chức hàng chục hội nghị quán triệt, giới thiệu các nội dung cơ bản của Nghị định 67 và các chính sách liên quan về phát triển thủy sản cho bà con ngư dân ở các địa phương ven biển có nhận thức đầy đủ, đúng đắn để thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả chủ trương này của Đảng và Nhà nước. Cùng với đó, BIDV Nam Định còn tập huấn cho toàn bộ cán bộ, nhân viên của hệ thống để tạo sự thống nhất và chủ động trong việc triển khai thực hiện các nội dung của Nghị định 67 bảo đảm hiệu quả, sát thực tiễn. Thực hiện phân công lãnh đạo, cán bộ của BIDV Nam Định làm việc với UBND các huyện ven biển để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của bà con ngư dân, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ nhằm đẩy nhanh quá trình triển khai thực hiện Nghị định 67. Ngoài ra, các văn bản hướng dẫn về quy trình thủ tục của BIDV Nam Định về cho vay đóng mới tàu cá vỏ sắt cũng được phổ biến công khai và thống nhất tại tất cả các chi nhánh để bà con ngư dân dễ dàng tiếp cận và theo dõi. Tổ công tác về thực hiện Nghị định 67 của BIDV Nam Định cũng thường xuyên cập nhật các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan để kịp thời hướng dẫn các chi nhánh triển khai… Nhờ chủ động, tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nên BIDV Nam Định đã nhận được hồ sơ vay vốn của 23/34 chủ tàu cá vỏ sắt của toàn tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt triển khai thực hiện trong năm 2015-2016. Trong đó, huyện Giao Thủy có 9 tàu, huyện Hải Hậu có 10 tàu và huyện Nghĩa Hưng có 4 tàu. BIDV Nam Định đã ký hợp đồng tín dụng và giải ngân cho tất cả các chủ tàu vay vốn đóng mới tàu cá vỏ sắt với tổng số tiền cam kết giải ngân là 270 tỷ 903 triệu đồng. Theo cam kết, BIDV Nam Định sẽ thực hiện cho vay tới 95% tổng giá trị một con tàu, số còn lại là nguồn vốn đối ứng của các chủ tàu. Ông Trần Văn Thực, một ngư dân được vay vốn đóng mới tàu cá vỏ sắt theo Nghị định 67 ở xã Hải Lý (Hải Hậu) cho biết: Ngay sau khi Đảng và Nhà nước có chủ trương cho vay vốn đóng mới tàu cá vỏ sắt để vươn khơi, bám biển dài ngày khai thác thủy, hải sản, chúng tôi đã được cán bộ của BIDV Nam Định và chi nhánh huyện Hải Hậu trực tiếp hướng dẫn cách hoàn thiện các thủ tục hồ sơ vay vốn ngân hàng theo đúng tinh thần Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản. Nhờ đó, tôi đã ký được hợp đồng kinh tế thi công đóng mới tàu cá vỏ sắt với Cty TNHH Đóng tàu Trung Bộ (Giao Thủy) với tổng giá trị là 14 tỷ 285 triệu đồng, trong đó BIDV Nam Định cam kết giải ngân cho tôi vay 95% giá trị hợp đồng trong thời hạn 16 năm. Với số vốn trên, tôi có điều kiện để trang bị đầy đủ ngư lưới cụ, phương tiện liên lạc, hệ thống máy móc thiết bị bảo quản hải sản… bảo đảm có thể vươn tới những ngư trường xa hơn, với thời gian hoạt động trên biển dài hơn. Hiện, ông Thực đã đưa tàu vào khai thác hiệu quả và đã bắt đầu trả nợ tiền gốc, tiền lãi cho ngân hàng.

Không chỉ BIDV Nam Định mà Ngân hàng NN và PTNT Việt Nam chi nhánh tỉnh Nam Định (Agribank Nam Định) cũng rất tích cực thực hiện cho ngư dân vay vốn đóng mới tàu cá vỏ sắt theo tinh thần Nghị định 67. Trong năm 2016, Agribank Nam Định đã cho 4 chủ tàu của các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu vay với tổng số vốn cam kết giải ngân là 68,2 tỷ đồng. Theo ghi nhận của chúng tôi, với việc Agribank Nam Định giải ngân cho vay trong thời hạn dài và hỗ trợ lãi suất lên tới 16 năm sẽ giúp cho bà con ngư dân giảm bớt áp lực trả tiền gốc, tiền lãi hằng năm, từ đó an tâm vươn khơi, bám biển sản xuất. Để bảo đảm nguồn vốn vay được sử dụng hiệu quả, Agribank Nam Định sẽ căn cứ theo kết quả thực hiện từng hạng mục công trình, tiến độ thi công tàu để giải ngân, trên cơ sở nghiệm thu, đánh giá kết quả thực hiện của các ngành chức năng, đơn vị thi công và chủ tàu. Tiền được Agribank Nam Định chuyển trực tiếp tới các đơn vị thi công nhằm hạn chế tối đa tình trạng chiếm dụng vốn hoặc sử dụng vốn vay sai mục đích, góp phần bảo đảm an toàn nguồn vốn vay của Nhà nước và của đơn vị. Việc thực hiện trả tiền gốc, tiền lãi được Agribank Nam Định thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ và Agribank Việt Nam.

Cùng “đồng hành” với bà con ngư dân trong đóng mới tàu cá vỏ sắt theo Nghị định 67 còn có các doanh nghiệp đóng tàu của tỉnh. Cty TNHH Đóng tàu Trung Bộ (Giao Thủy) là một trong những doanh nghiệp được Đăng kiểm Việt Nam đánh giá và xác nhận đủ năng lực đóng mới tàu cá vỏ sắt có trọng tải từ 3.000 đến 5.000 tấn và được UBND tỉnh ra Quyết định số 2126/2014/QĐ-UBND về việc công bố cơ sở đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp, hoán cải tàu cá vỏ sắt. Đồng chí Đinh Trung Bộ, Giám đốc Cty cho biết: Cty đã ký hợp đồng đóng mới 7 tàu cá vỏ thép cho ngư dân 3 huyện: Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng. Theo thiết kế được duyệt thì cả 7 tàu cá đóng mới lần này đều có chiều dài 27,5m, chiều cao mạn thuyền 3,25m; công suất thiết kế 829 CV/tàu. Tổng giá trị đầu tư đóng mới mỗi con tàu là 14 tỷ 285 triệu đồng, trong đó các chủ tàu đều ký hợp đồng tín dụng với BIDV Nam Định để vay 95% tổng giá trị mỗi con tàu, còn lại chủ tàu đầu tư 5% vốn đối ứng. Tính đến cuối tháng 12-2016, Cty TNHH Đóng tàu Trung Bộ đã hoàn tất việc thi công đóng mới toàn bộ 7 tàu cá vỏ sắt và tổ chức bàn giao cho ngư dân đưa vào khai thác sử dụng. Còn anh Nguyễn Đức Phùng, Giám đốc Cty TNHH Việt Tiến (Xuân Trường) khẳng định: Để bảo đảm chất lượng các tàu cá vỏ sắt được đóng mới theo Nghị định 67, Cty đã tập trung đầu tư đổi mới, nâng cao năng lực thiết bị, công nghệ hiện đại cho 2 nhà máy sản xuất vỏ tàu; ký hợp đồng với 3 chuyên gia nước ngoài cùng đội ngũ 30 kỹ sư chuyên ngành đóng tàu cho Nhà máy công nghệ cao Việt Tiến. Với sự nỗ lực đầu tư công nghệ đồng bộ, hiện đại nên các tàu cá vỏ sắt đóng mới tại Cty đều bảo đảm chất lượng, được Đăng kiểm Việt Nam chứng nhận bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng và cấp phép lưu hành. Không chỉ đảm bảo thời gian thi công các tàu cá vỏ sắt của tỉnh mà Cty còn hoàn thành đóng mới hàng chục tàu cá vỏ sắt của ngư dân các tỉnh: Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định.

Có thể khẳng định, những con tàu lưới rê, tàu chụp mực, tàu vây… đóng mới theo Nghị định 67 được hoàn thành và đưa vào sử dụng khai thác hải sản trong niềm vui, phấn khởi cùng sự tin tưởng rất lớn của những ngư dân đang ngày đêm bám biển để mang về cho gia đình, quê hương nguồn lợi thủy sản có giá trị kinh tế cao. Điều đầu tiên mà chúng tôi cảm nhận được khi bước lên đôi tàu chụp mực của các anh Trần Văn Long và Trần Ngọc Tuyên ở xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) là sự tiện nghi, chắc chắn, an toàn khi vươn khơi. Trao đổi với chúng tôi, anh Long phấn khởi cho biết: Được Đảng, Chính phủ cũng như các cấp, ngành và chính quyền địa phương, đặc biệt là các ngân hàng quan tâm tạo điều kiện, chúng tôi mới đóng được những con tàu vỏ sắt hiện đại và tiện nghi để thỏa ước vọng vươn khơi, bám biển sản xuất mà bấy lâu nay hằng mong ước. Với thiết kế được duyệt thì đôi tàu này có thể hoạt động liên tục trên biển từ 45-60 ngày và hoạt động bình thường trong điều kiện gió bão cấp 9, cấp 10. Công suất máy thiết kế của tàu là 829CV, với vận tốc tối đa là 12 hải lý/giờ. Tàu được trang bị đầy đủ hệ thống máy ra-đa, máy tầm ngư (dò cá), máy định vị hải đồ, hệ thống máy liên lạc (I.com) với các đài duyên hải cùng hệ thống tời chụp mực tự hành, máy phát điện công suất 700kVA và các loại ngư lưới cụ cần thiết và phù hợp khi hành nghề trên biển. Bên cạnh đó, tàu còn được trang bị hệ thống máy lọc nước mặn thành nước ngọt đủ để phục vụ việc ăn uống, sinh hoạt hằng ngày của 12-15 thuyền viên. Với những trang thiết bị khá đầy đủ, hiện đại cho mỗi con tàu đủ để các anh có thể vươn tới những ngư trường mới ở khu vực biển Trường Sa, Hoàng Sa hay Vịnh Thái Lan… Việc khai thác ở những ngư trường mới không chỉ đem lại những giá trị kinh tế cao hơn mà sự hiện diện của mỗi con tàu Việt Nam trên vùng biển quê hương là sự khẳng định chủ quyền của đất nước, dân tộc Việt Nam đối với vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

Đông qua, Xuân tới với lộc non, chồi biếc sinh sôi nảy nở để khởi đầu một năm. Những chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng, Chính phủ mang đến những nguồn lực mới, sức sống mới cho kinh tế - xã hội. Nghị định 67 và những chính sách liên quan được triển khai thực hiện với sự nỗ lực đồng hành của các cấp, các ngành, đặc biệt là các ngân hàng, doanh nghiệp đóng tàu đã giúp ngư dân các địa phương ven biển có điều kiện để tiếp tục vươn khơi, bám biển khai thác hiệu quả nguồn lợi thủy, hải sản, góp phần mang lại những giá trị kinh tế mới và thúc đẩy ngành thủy sản của tỉnh phát triển; đồng thời tiếp tục khẳng định một cách mạnh mẽ chủ quyền biển, đảo quê hương và bảo đảm an ninh quốc gia trong giai đoạn mới./.

Bài và ảnh: Phạm Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com