Doanh nghiệp dệt may thu hút sức mua tại thị trường nội địa

07:07, 08/07/2013

Trong nhiều năm qua, khi các sản phẩm xuất khẩu của ngành dệt may gặp khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp dệt may trong tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp thu hút sức mua tại thị trường nội địa như: tập trung điều chỉnh giá cả, cải tiến mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm, tự sản xuất nguyên, phụ liệu…

Tại Cty CP Dệt may Sơn Nam, để bảo đảm nguồn nguyên liệu, ngay từ năm 2005, Cty đã đầu tư xây dựng hai nhà máy sản xuất sợi OE, công suất 6.000 tấn/năm tại KCN Hoà Xá; năm 2010, Cty tiếp tục đầu tư 110 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất sợi số 3 theo công nghệ Đức, Ý, quy mô 2 vạn cọc, tương ứng gần 4.000 tấn sợi một năm chuyên để dệt các loại vải bò, kaki... Nhờ đó, quy trình sản xuất của Cty từng bước khép kín, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng ra các thị trường tiềm năng. Cty CP Thúy Đạt, KCN Hòa Xá (TP Nam Định) đã nỗ lực đầu tư hạ tầng sản xuất theo dây chuyền khép kín với tổng giá trị đầu tư hàng chục triệu USD, Cty đã triển khai trồng 3.500ha bông tại tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) với tổng mức đầu tư gần 100 triệu USD. Cty còn đầu tư một nhà máy kéo sợi công suất gần 4.000 tấn sợi/năm. Nhờ đó, Cty không chỉ chủ động được nguồn nguyên liệu, ổn định sản xuất, kinh doanh mà còn trở thành nhà cung ứng nguyên liệu đạt chất lượng cao cho các doanh nghiệp cùng ngành. Việc hướng về thị trường nội địa, đã tạo cơ hội cho Cty mở rộng quy mô sản xuất, tăng doanh thu và giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Ban đầu, Cty chỉ có một phân xưởng dệt quy mô 100 lao động, công suất 90 tấn/năm; một phân xưởng may với quy mô 200 máy may công nghiệp. Hiện, Cty đã mở rộng quy mô, xây dựng nhà máy dệt, may tại huyện Nam Trực trên diện tích 6ha, vốn đầu tư 5 triệu USD, tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động và xây dựng khu liên hiệp sản xuất hàng dệt, may chất lượng cao trên diện tích 20ha tại KCN Bảo Minh (Vụ Bản) có mức đầu tư khoảng 65 triệu USD, dự kiến tạo việc làm, thu nhập cho 700 lao động. Ngoài ra, Cty còn huy động nguồn nhân lực tại các làng nghề tham gia sản xuất với trên 300 máy thủ công, đạt công suất trên 2.000 tấn/năm…

Sản xuất khăn xuất khẩu tại Cty CP Dệt may Sơn Nam.
Sản xuất khăn xuất khẩu tại Cty CP Dệt may Sơn Nam.

Tại xã Yên Trị (Ý Yên), với tiêu chí chất lượng và giá cả phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân, cả 3 doanh nghiệp lớn và 23 tổ hợp chuyên sản xuất áo sơ-mi, quần âu, quần áo bảo hộ lao động, đồng phục, mũ, nón thời trang, áo mưa, găng tay đã từng bước được gây dựng, thu hút các nhà phân phối lớn trên địa bàn các tỉnh, thành phố trên toàn quốc đến ký kết hợp đồng sản xuất. Nhờ đó, các đơn vị dệt may của xã không chỉ duy trì sản xuất mà còn phát triển mạnh ngay trong giai đoạn ngành dệt may gặp khó khăn. Doanh nghiệp tư nhân Phương Lan thôn Vĩnh Trị, ban đầu chỉ có đủ đơn hàng cho gần 700 lao động tại đơn vị sản xuất, nhờ đầu tư trang thiết bị, phát triển thêm bạn hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ, hiện tại doanh nghiệp có trên 20 cơ sở may vệ tinh với gần 1.000 lao động nhận gia công sản phẩm, nâng tổng số sản phẩm doanh nghiệp cung ứng ra thị trường lên 40 nghìn sản phẩm các loại/tháng. Hướng về thị trường nội địa, Cty CP May Sông Hồng đã thực hiện tiêu chí chỉ cung cấp ra thị trường các sản phẩm đã đạt chuẩn về chất lượng, giá cả phù hợp. Cùng với việc nâng cao chất lượng, thương hiệu của dòng sản phẩm chăn, ga, gối, đệm, trong năm 2012 Cty còn cung cấp các nhãn hàng thời trang công sở nữ, nam và thời trang trẻ em chất lượng cao. Hiện, Cty còn xây dựng mạng lưới phân phối hàng hóa rộng khắp cả nước, doanh thu ngày càng tăng. Năm 2012, tổng doanh thu của Cty đạt gần 1.800 tỷ đồng; dự kiến năm 2013 đạt doanh thu 2.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, giải pháp trọng tâm được nhiều doanh nghiệp dệt may áp dụng là chủ động kích thích thị trường bằng các hình thức khuyến mãi, giảm giá. Tại Cty CP Nam Tiệp, CCN An Xá (TP Nam Định) mặc dù thị trường chủ lực là xuất khẩu nhưng những năm gần đây, Cty đã chủ động quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng nội địa trong các cuộc triển lãm, hội chợ thương mại, công nghiệp lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh. Nhờ áp dụng các chính sách khuyến mại, giảm giá, các sản phẩm quần áo thu đông, quần áo thể thao của Cty đều được người tiêu dùng trong nước lựa chọn. Việc tập trung thu hút sức mua tại thị trường nội địa, đã giúp cho ngành dệt may toàn tỉnh đứng vững trong giai đoạn khó khăn, tạo được bước phát triển mới. Trong 6 tháng đầu năm 2013, ngành dệt may phục vụ thị trường nội địa đã góp phần giúp ngành công nghiệp tỉnh tăng 11% số lượng sản phẩm quần áo may sẵn; tăng 8,4% số lượng sản phẩm khăn các loại; góp phần vào giá trị sản xuất công nghiệp 7.433,6 tỷ đồng, tăng 20,65% so với cùng kỳ năm 2012.

Thời gian tới, để tiếp tục thu hút sức mua tại thị trường nội địa, bên cạnh việc xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp dệt may trong tỉnh sẽ nâng cao hiệu quả dịch vụ bán hàng, tăng cường đưa hàng dệt may vào các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, đại lý, các chợ truyền thống để sản phẩm đến được đông đảo người tiêu dùng đi đôi với thực hiện nhiều biện pháp khuyến mại, kích thích sức mua trên thị trường. Về lâu dài, các doanh nghiệp dệt may cần nhận được sự hỗ trợ từ phía các cấp, các ngành liên quan để nâng cao khả năng tự sản xuất nguyên phụ liệu, với mức chi phí đầu vào thấp, từ đó sẽ cung cấp ra thị trường các sản phẩm có tính cạnh tranh cao./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com