Nâng cao hiệu quả ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong công tác bảo vệ thực vật

08:06, 29/06/2013

Những năm gần đây, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) (Sở NN và PTNT) đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh hướng dẫn nông dân áp dụng thành công tiến bộ kỹ thuật trong bảo vệ cây trồng như: thâm canh lúa theo phương pháp cải tiến, sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc "4 đúng", quản lý dinh dưỡng trên cây lúa..., góp phần nâng cao năng suất lúa và đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ.

Trong quá trình thâm canh, tăng vòng quay sử dụng đất cộng với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã làm dịch hại phát sinh nhiều, xuất hiện bất thường và ngày càng diễn biến phức tạp. Ngoài các loại sâu, rầy, bệnh đạo ôn, bạc lá…, gần đây bệnh lùn sọc đen trên lúa phát triển trong vụ mùa gây hại lớn cho sản xuất nông nghiệp. Trước thực trạng trên, hằng năm Chi cục BVTV đã tiến hành thử nghiệm, khảo sát, đánh giá hàng trăm loại thuốc BVTV nhằm chọn ra các loại thuốc có khả năng phòng trừ sâu bệnh cao và ít độc hại đối với môi trường. Qua khảo sát, Chi cục đã xác định các nhóm thuốc có hoạt chất thích ứng phòng trừ sâu đục thân, sâu cuốn lá và bệnh đạo ôn hại lúa; đồng thời đưa ra biện pháp hạn chế bệnh bạc lá bằng phương pháp chọn lựa giống và kỹ thuật canh tác. Cùng với việc khảo sát, đánh giá các loại thuốc thích ứng cao, Chi cục BVTV đã phối hợp với Phòng NN và PTNT các huyện, thành phố tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học về kỹ thuật thâm canh và biện pháp phòng trừ dịch hại cho cán bộ kỹ thuật HTX, đội sản xuất. Trong năm 2012, Chi cục đã tổ chức 23 hội nghị tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, dự báo viên BVTV ở cấp cơ sở trước mỗi vụ sản xuất; 104 buổi tập huấn sử dụng thuốc BVTV, quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa và rau  màu, thu hút trên 120 nghìn người tham gia và tổ chức hội thảo về kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV từ cấp tỉnh đến cấp xã để trao đổi, giải đáp những thắc mắc của nông dân về những hiện tượng phát sinh trong quá trình sử dụng các loại thuốc BVTV. Chi cục cũng đã xây dựng các mô hình áp dụng quy trình kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV quản lý dịch hại tổng hợp trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa tại các vùng sinh thái trong tỉnh như: mô hình quản lý dinh dưỡng, mô hình quản lý bệnh lùn sọc đen, mô hình "3 giảm, 3 tăng" và kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI; mô hình BVTV trên cây màu như: khoai tây, cà chua, dưa chuột, bí xanh. Cùng với việc xây dựng các mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, Chi cục BVTV còn thực hiện nhiều đề tài, dự án nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất an toàn và áp dụng vào thực tế sản xuất tại các địa phương. Trong đó, dự án xây dựng mô hình quản lý rầy hại lúa theo hướng hiệu quả bền vững được Chi cục thực hiện để hướng dẫn các hộ xã viên ở HTX Phú Lễ, xã Hải Châu (Hải Hậu) và HTX Nam Mỹ, xã Nam Mỹ (Nam Trực) áp dụng đồng bộ các quy trình kỹ thuật canh tác cải tiến, quản lý rầy và bệnh lùn sọc đen theo hướng sản xuất nông nghiệp sinh thái bền vững nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Dự án thực hiện thành công không những đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân (giảm thiểu lượng phân đạm từ 1-2kg/sào, giảm phun thuốc BVTV 0,5-1,3 lần/vụ, năng suất tăng 350-417kg/ha, hiệu quả kinh tế tăng 3,5-4 triệu đồng/ha), mà còn góp phần bảo vệ môi sinh.

Cán bộ kỹ thuật Chi cục BVTV hướng dẫn nông dân xã Hải Châu (Hải Hậu) quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa.
Cán bộ kỹ thuật Chi cục BVTV hướng dẫn nông dân xã Hải Châu (Hải Hậu) quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa.

Mặt khác qua dự án cũng xác định được nguyên nhân bùng phát các đối tượng rầy hại lúa; trên cơ sở đó xây dựng, tổ chức cộng đồng quản lý rầy và các bệnh vi rút trên cây trồng do rầy môi giới lây truyền một cách khoa học; giúp nông dân có kỹ năng điều tra giám sát, nghiên cứu dịch hại trên chính mảnh ruộng của mình, từ đó chủ động tìm ra giải pháp quản lý rầy hiệu quả... Trên cơ sở kết quả của 2 mô hình, Chi cục BVTV tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề, tuyên truyền, soạn thảo quy trình sản xuất lúa, phát hành sổ tay quản lý rầy và các bệnh vi rút phổ biến cho nông dân; phối kết hợp với các đơn vị có liên quan và chính quyền địa phương tổ chức in tài liệu phổ biến, trình diễn quy trình kỹ thuật và nhân rộng mô hình tại các huyện Hải Hậu, Nam Trực với quy mô 50ha mỗi huyện và định hướng nhân rộng ra các huyện khác vào những năm tiếp theo. Ngay trong vụ xuân 2013, Chi cục BVTV phối hợp với UBND xã Giao Hà (Giao Thuỷ) triển khai xây dựng mô hình "Áp dụng "3 giảm 3 tăng" và kỹ thuật trồng lúa cải tiến SRI trong sản xuất lúa chất lượng”. Mô hình sử dụng giống lúa lai CT16, áp dụng canh tác lúa theo phương pháp cải tiến và quản lý dịch hại tổng hợp, đồng thời sử dụng phương pháp thí nghiệm ô khuyết để nông dân có thể nhận thấy sự khác biệt trong cách chăm bón để đối chứng, rút kinh nghiệm thực tế. Kết quả, lúa theo mô hình áp dụng biện pháp canh tác cải tiến SRI, thực hiện bón phân cân đối giúp lúa sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh, giảm được 3-4kg đạm/sào,  giảm 1 lần phun thuốc BVTV/vụ và năng suất tăng 19 kg/sào, hiệu quả kinh tế cao hơn trung bình 170 nghìn đồng/sào. Qua đó, nông dân bước đầu xác định lượng phân cần bón đối với từng chân đất, từng thửa ruộng của mình. Mô hình phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khắc phục được những khó khăn trong sản xuất lúa hiện nay do thiếu lao động, giá vật tư tăng cao, dịch hại diễn biến phức tạp, ô nhiễm môi trường… Đồng chí Trần Ngọc Chính, Chi cục phó Chi cục BVTV khẳng định: Mô hình trình diễn đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của nông dân trong việc sản xuất lúa theo hướng nông nghiệp sinh thái bền vững, từng bước thay đổi tập quán canh tác cấy dày, cấy nhiều dảnh, bón nhiều phân đạm, đồng thời giúp nông dân biết cách bố trí đồng ruộng, áp dụng theo quy trình cải tiến SRI; bón phân theo nhu cầu của cây lúa, từ đó giảm chi phí đầu vào, tăng thu nhập và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong BVTV, thời gian tới, Chi cục BVTV nhân rộng mô hình canh tác lúa theo phương pháp cải tiến, đồng thời tiếp tục tổ chức khảo sát, đánh giá, lựa chọn những loại thuốc hiệu quả, đồng thời tập trung nghiên cứu các đối tượng dịch hại mới, đối tượng khó quản lý và trang bị kiến thức cho nông dân về BVTV, tích cực xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong canh tác cho nông dân./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com