Hiểm họa từ xe "độ chế"

05:12, 29/12/2017

"Độ” xe nhằm thay đổi kết cấu, tính năng nguyên bản của phương tiện là trào lưu của một bộ phận thanh niên thích thể hiện “đẳng cấp” trước đám đông. Cùng với những chiếc xe máy độ, những chiếc xe tự chế như xe 3 bánh, xe đẩy, xe kéo lưu thông trên đường bộ đã vi phạm các quy định của pháp luật và tiềm ẩn mối nguy hiểm cho những người xung quanh và cả chính chủ xe “độ chế” khi tham gia giao thông.

Thời gian gần đây, không hiếm gặp hình ảnh những chiếc xe máy có tiếng nẹt pô chói tai, màu sắc sặc sỡ, đèn led chói mắt lưu thông trên đường. Theo tìm hiểu của chúng tôi, “độ” xe có 2 loại, “độ” ngoại thất (phần vỏ) và “độ” máy (thay đổi kết cấu để tăng vận tốc xe). Hiện nay, giới trẻ đang rộ mốt trang trí xe máy của mình bằng cách “độ” tem nhãn, hình trang trí, vành xe, phuộc nhún, gương chiếu hậu… Khách hàng trước khi muốn “độ” cho hợp gu sẽ vào các trang mạng xem mẫu, tham khảo giá cả rồi đặt hàng cho thợ lắp. Chỉ cần lên mạng gõ qua các công cụ tìm kiếm từ khóa “decal trang trí xe máy, gương xe máy thời trang...” kết quả sẽ ra hàng loạt gian hàng online bán các sản phẩm này. Các loại phụ tùng trang trí cho phần ngoại thất đa dạng về mẫu mã với nhiều mức giá khác nhau. Loại bình dân phần lớn có xuất xứ từ Trung Quốc giá rẻ và độ bền kém. Những loại gương thời trang có giá rẻ dao động từ 40-100 nghìn đồng với nhiều màu sắc bắt mắt nhưng công năng sử dụng gần như bằng không. Khi lắp gương không đúng quy chuẩn, người lái bị hạn chế không gian quan sát hoặc dễ mất thăng bằng khi phải quay lại nhìn phía sau. Bên cạnh việc độ gương, thú chơi đèn led, đèn chuyển từ bóng halogen sang bóng xenon đang được nhiều người ưa chuộng. Nhiều thanh niên muốn chiếc xe phát sáng đủ màu sắc nên đã lắp thêm những bộ đèn led, đèn xi nhan, đèn đề mi. Khi lắp, chỉ cần đấu vào dây điện của bình ắc quy xe và đặt đèn ở vị trí tùy thích. Đèn led có lượng ánh sáng gấp nhiều lần so với bóng halogen nguyên bản làm cho người điều khiển xe chạy đối diện chói mắt, dễ gây tai nạn giao thông. Nhiều xe máy khi lưu thông còn thay toàn bộ cụm đèn phía sau bằng đèn led có ánh sáng trắng. Mỗi khi bóp phanh, ánh sáng chói mắt lập tức phát ra không ngừng nhấp nháy khiến người đi sau bị lóa mắt, mất phương hướng. Ngoài ra, gần đây, một số xe máy được chủ sở hữu trang bị thêm các loại còi với cường độ âm thanh và công suất lớn như: còi thú (bắt chước tiếng lợn kêu, chó sủa, ngựa hí...), còi nhái tiếng xe cứu hỏa, xe công an... Những chiếc còi này có cấu tạo như đèn đôi của xe hơi, gồm 1 chiếc âm trầm (ký hiệu chữ L) và 1 chiếc âm cao (ký hiệu chữ H). Còi xe máy với âm thanh công suất lớn, kỳ quái trở thành nỗi lo thường trực của nhiều người đi đường, nhất là phụ nữ và người lớn tuổi bởi dễ bị giật mình dẫn đến loạng choạng, bị tai nạn. Điều đáng nói là chỉ cần bỏ ra vài trăm nghìn đồng, nhiều người đã có thể dễ dàng trang bị các loại còi cho xe. Anh Trần Quang V - người chơi xe Yamaha FZ150 tại huyện Mỹ Lộc cho biết: Hiện nay, thay vì độ còi, nhiều người chơi xe đã chuyển sang chơi pô xe để thể hiện đẳng cấp. Tuy khác nhau về thể loại, giá cả nhưng các loại pô chế đều có đặc tính nổ to, rền, ấm. Bản thân anh V sau khi mua xe đã không bằng lòng với tiếng pô xe nguyên bản nên lặn lội lên tận Hà Nội để chế cổ pô, bầu hơi và tậu chiếc pô mới hiệu Akrapovic... Sau một thời gian sử dụng thấy bất tiện khi lưu thông, anh đã lắp lại chiếc pô nguyên bản của xe.

Độ đèn led trợ sáng L4 dưới bầu lọc gió xe Yamaha fz150.
Độ đèn led trợ sáng L4 dưới bầu lọc gió xe Yamaha fz150.

Đáng lo nhất là ngoài độ đèn, độ còi, độ pô hiện nay nhiều dân chơi xe còn độ máy nhằm thay đổi kết cấu để tăng vận tốc xe, dân trong nghề gọi là “đôn nòng”. Bình thường, vận tốc tối đa của xe máy có công suất 110cc khoảng 90 km/giờ, nhưng sau khi được “độ” có thể lên đến 120-140 km/giờ. Anh Bùi Huy Đoàn, một thợ sửa xe máy ở đường Thái Bình (TP Nam Định) cho biết: Mỗi người cần hiểu rằng, bất cứ phương tiện nào được đưa ra thị trường đến tay người tiêu dùng đều được nhà sản xuất nghiên cứu kỹ lưỡng về thiết kế, độ an toàn. Hiện nay nhiều khách hàng đôn phuộc (giảm sóc) sau lên, hạ phuộc trước xuống sẽ giúp xe nhìn giống mô tô nhưng sẽ không an toàn vì khi đó toàn bộ trọng lực của xe sẽ dồn về phía trước, dễ gây nên hiện tượng gãy phuộc trước. Với những người điều khiển xe “độ” có công suất máy được nâng lên trong khi độ chịu lực của khung sườn không thay đổi dẫn đến xe bị rung lắc, nguy hiểm khi chạy tốc độ cao. Ngoài ra, việc thay đổi một số chi tiết cũng dẫn đến sự không đồng bộ giữa công suất máy, ảnh hưởng đến tuổi thọ của xe.

Cùng với những chiếc xe máy độ, những chiếc xe tự chế như xe xích lô máy, xe đẩy, xe kéo vẫn hoạt động trên một số tuyến đường vắng nội thành và ở các huyện. Những chiếc xe tự chế được người dân ở địa bàn khu vực nông thôn ưa chuộng bởi kích thước nhỏ gọn, di chuyển thuận lợi, đáp ứng được nhu cầu vận chuyển vật liệu xây dựng và nông sản sau thu hoạch. Đặc biệt, tại những xã dọc tuyến đường sông, có các bến bãi tập kết vật liệu xây dựng và kinh doanh buôn bán hàng hóa, xe tự chế hoạt động phổ biến. Tìm hiểu chất lượng của xe xích lô tự chế, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi bộ khung xe chủ yếu được ráp bằng ống tuýp lộ rõ các mối hàn, động cơ của xe lấy từ các xe máy cũ thải loại có dung tích trên 100cc, các bộ phận như chân ga, phanh, cần số, thùng chở hàng... đều được thiết kế sơ sài, không qua kiểm định an toàn của các cơ quan chức năng. Tương tự, một số xe tự chế sử dụng động cơ chạy bằng máy nổ có kích thước khá lớn dùng để chở vật liệu xây dựng, cây cảnh... dễ trở thành “hung thần” khi lưu thông trên đường. Anh T.V.P, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) từng bị tai nạn giao thông khi va chạm với xe tự chế chở cây. Anh P cho biết, tai nạn đến bất ngờ khi anh đang ngồi sau một chiếc xe gắn máy. Lúc đó một tay anh kéo cây nên khi xe máy tăng ga anh bị ngã xuống đường. Đúng lúc này một chiếc xe tự chế đi đến và cán dập đôi chân của anh P. Anh P mong muốn những ai đang sử dụng xe tự chế vì lý do kiếm sống nên “dừng lại” bởi khi xảy ra tai nạn, người gây tai nạn và gia đình người bị nạn đều phải chịu hậu quả nặng nề.

Trước thực trạng xe “độ - chế” có chiều hướng diễn biến phức tạp, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an tỉnh) và Công an các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp điều khiển xe “độ - chế” khi tham gia giao thông trên các tuyến đường. Kiên quyết tạm giữ phương tiện xe tự chế, xe hết niên hạn sử dụng chuyển hồ sơ cho cấp có thẩm quyền xử lý và tịch thu theo quy định. Cùng với việc kiểm tra, xử lý các cơ quan chức năng các huyện, thành phố cần tiến hành rà soát, quản lý cơ sở sản xuất lắp ráp và số hộ dân sử dụng các loại xe cơ giới 3 bánh tự chế, không có đăng ký; yêu cầu các chủ cơ sở chấm dứt việc sản xuất, lắp ráp và các chủ phương tiện cam kết không cho người khác thuê mướn để sử dụng, lưu hành loại phương tiện này./.

Bài và ảnh: Viết Dư

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com