Xử lý kiên quyết, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ

07:12, 21/12/2017

Trong quý III-2017, các địa phương trên toàn tỉnh đã đồng loạt ra quân thực hiện đợt cao điểm giải tỏa các vi phạm, lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ theo Kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 4-8-2017 của UBND tỉnh. Nhờ đó, toàn tỉnh đã cơ bản giải tỏa vi phạm hành lang ATGT đường bộ trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường đô thị và một số đường GTNT, đảm bảo hè đường thông thoáng, vệ sinh môi trường, thoát nước mặt đường, góp phần đảm bảo trật tự ATGT, giảm thiểu TNGT đường bộ. Tuy nhiên, còn một số vi phạm và một số địa phương chuyển biến chậm.

Huyện Nam Trực giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ.
Huyện Nam Trực giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ.

Tại một số địa phương trên tuyến Quốc lộ 10, cán bộ, chính quyền sở tại còn chưa nhận rõ trách nhiệm quản lý hành lang đường bộ của mình, coi đây là trách nhiệm của đơn vị quản lý đường bộ dẫn đến công tác phối hợp giải tỏa vi phạm chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, việc quản lý hồ sơ giải phóng mặt bằng thi công các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện tại một số địa phương chưa chặt chẽ, dẫn đến việc xác định mốc giới hành lang ATGT không rõ, gây khó khăn cho công tác giải tỏa. Ở các tuyến đường trong tỉnh được đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp thời gian qua theo chương trình xây dựng NTM, mặt bằng mở rộng chủ yếu do người dân hiến đất làm đường do đó chủ yếu mới đảm bảo đất cho mặt đường, chưa thu hồi đủ phần đất bảo trì, bảo vệ đường bộ. Phần lớn đất thuộc sở hữu của các hộ dân ra tận phạm vi chân taluy đường hoặc rãnh thoát nước dọc. Các tuyến đường chưa được cắm mốc phạm vi đất bảo trì đường bộ và hành lang ATGT theo Quyết định 994/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý hành lang đường bộ. Một số công trình xây dựng vi phạm hành lang đường bộ có giá trị lớn, kiên cố nên công tác giải tỏa, tháo dỡ gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các địa phương chưa xử lý được nhiều vi phạm hành lang ATGT đường bộ trên các tuyến đường giao thông nông thôn. Đặc biệt nhiều người dân chưa nhận thức, chấp hành đầy đủ quy định pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT, còn giữ tâm lý bám mặt đường làm sinh kế cho gia đình gây khó khăn cho công tác giải tỏa. Ngay sau đợt cao điểm giải tỏa hành lang ATGT đường bộ, tại các địa phương đã xuất hiện tình trạng tái lấn chiếm, họp chợ, buôn bán trên mặt đường, mặt cầu. Điển hình như huyện Nam Trực, công tác giải tỏa hành lang ATGT đường bộ đã được triển khai đồng bộ, quyết liệt trên các tuyến, nhiều tuyến còn triển khai giải tỏa từ trước khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 77; toàn huyện đã đạt khối lượng giải tỏa vi phạm lớn trong đợt ra quân. Tuy nhiên, ngay sau đợt cao điểm, trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều trường hợp tái vi phạm. Cụ thể như tại khu vực cầu Vòi, trước đây tình hình trật tự ATGT rất phức tạp do người dân họp chợ ven đường nhưng địa phương đã kiên quyết giải tỏa chợ, sử dụng quỹ đất công để xây dựng chợ tạm đưa toàn bộ tiểu thương vào kinh doanh buôn bán, hoạt động trong chợ tạm đã tương đối ổn định. Tuy nhiên, cứ vào 16 giờ hằng ngày các hộ buôn bán nhỏ lẻ lại tái diễn vi phạm, mang hàng hóa ra bày bán tràn lan ven đường khu vực cầu Vòi. Ngoài ra, cũng tại khu vực cầu Vòi, tình trạng các xe khách Bắc - Nam dừng đỗ đón, trả khách, bốc dỡ hàng hóa nườm nượp, không chỉ gia tăng mức độ phức tạp, mất trật tự, ATGT của tuyến tỉnh lộ 486B gây bức xúc cho các hộ dân đã chấp hành nghiêm việc giải tỏa vi phạm. Tại ngã tư tỉnh lộ 490, tình trạng các hộ dân ven đường dùng xe đẩy có che ô để bán bánh mỳ, cộng với các xe khách, xe tải dừng đón, trả khách và hàng hóa vẫn tái diễn vi phạm dù địa phương đã tập trung giải tỏa, xử lý. Tại Thị trấn Nam Giang đã xuất hiện một số hộ dân tái xây dựng các tấm trượt bê tông lên xuống vỉa hè. Tuyến Quốc lộ 21B, địa phận huyện Mỹ Lộc dù đã hoàn tất đền bù, giải phóng mặt bằng dứt điểm từ nhiều năm nay nhưng rất nhiều trường hợp vẫn vi phạm xây dựng lều quán, lán trại, chuồng gà, tập kết nguyên vật liệu xây dựng trên vỉa hè.

Để đạt hiệu quả cao trong nhiệm vụ tiếp tục giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ sau giải tỏa, UBND tỉnh đã yêu cầu các cấp, ngành, địa phương cần coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, phải thường xuyên quan tâm thực hiện. Sở GTVT đã hoàn tất xây dựng biểu mẫu cam kết về bảo vệ kết cấu giao thông đường bộ, hành lang ATGT, chấp hành Luật Giao thông đường bộ thống nhất chung trong toàn tỉnh để các địa phương yêu cầu các hộ dân ký kết. Sau khi Sở GTVT bàn giao biểu mẫu, đến nay UBND các xã, phường, thị trấn đã khẩn trương tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không vi phạm hành lang ATGT đường bộ. Các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh do UBND tỉnh mới ban hành kèm theo Quyết định số 33/2017/QĐ-UBND ngày 20-11-2017. Sở GTVT tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện công tác tuần kiểm theo quy định trên các tuyến quốc lộ được ủy thác quản lý và đường tỉnh trực tiếp quản lý; khi phát hiện vi phạm lập và chuyển ngay biên bản vi phạm hành chính và hồ sơ vụ việc đến UBND cấp huyện, xã nơi xảy ra vi phạm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện vi phạm quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; nếu phát hiện các trường hợp vi phạm sẽ căn cứ theo tính chất, mức độ vi phạm để xử phạt theo thẩm quyền hoặc chuyển vụ việc cho Chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh để xử lý. UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp vận động, tuyên truyền, xử lý đối với các vi phạm về hành lang ATGT, trật tự ATGT, tái lấn chiếm hành lang sau giải tỏa; tăng cường quản lý việc sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ. Các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo các phòng, ban chức năng, UBND cấp xã: kiểm tra, xử lý các vi phạm về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định đối với các tuyến đường tỉnh ủy thác quản lý và các tuyến đường huyện, thành phố, đường xã, liên xã trực tiếp quản lý; phối hợp với các đơn vị quản lý đường bộ, Thanh tra GTVT, Cục Quản lý đường bộ I tiếp nhận thông tin, chủ trì xử lý theo thẩm quyền các hành vi xâm phạm công trình đường bộ, lấn chiếm, sử dụng trái phép đất dành cho đường bộ. Sau khi giải tỏa tiến hành ký cam kết không tái lấn chiếm, lập biên bản bàn giao cho UBND cấp xã theo dõi, quản lý, chống tái lấn chiếm. Không cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong phạm vi đất của đường bộ và đất hành lang an toàn đường bộ. UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường trách nhiệm phối hợp với các đơn vị quản lý đường bộ và các lực lượng liên quan thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình đường bộ, kể cả các cột mốc lộ giới, mốc giải phóng mặt bằng của công trình đường bộ. Tăng cường quản lý sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ, phát hiện và xử lý những trường hợp lấn chiếm, sử dụng trái phép đất thuộc hành lang đường bộ; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan ngăn chặn, xử lý kịp thời các công trình xây dựng trái phép trên đất hành lang an toàn đường bộ. Sau khi tiếp nhận biên bản vi phạm hành chính do tuần kiểm viên, Thanh tra giao thông, đơn vị quản lý đường bộ lập phải nghiêm túc xử lý các trường hợp vi phạm, tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật tự giác tháo dỡ công trình vi phạm, khôi phục nguyên trạng ban đầu của hành lang; hoàn chỉnh hồ sơ vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trình UBND cấp huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế giải tỏa theo quy định đối với các trường hợp vượt quá thẩm quyền; tổ chức theo dõi, xử lý lấn chiếm và chống tái lấn chiếm sau giải tỏa./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com