Tiềm ẩn nguy hiểm ở các tuyến đường không có hành lang an toàn giao thông

07:12, 08/12/2016

Hành lang an toàn đường bộ là phần đất dọc hai bên của đường bộ nhằm bảo đảm ATGT và bảo vệ công trình đường bộ. Giới hạn hành lang an toàn đường bộ xác định theo quy hoạch đường bộ được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhằm bảo đảm an toàn cho công trình giao thông, người tham gia giao thông trên đường bộ và cả người dân sinh sống ở hai bên đường Nhà nước quy định ngoài hành lang lộ giới khi xây dựng công trình buộc áp dụng thêm khoảng lùi xây dựng tùy cấp đường. Cụ thể, đối với quốc lộ lùi 10m, tỉnh lộ lùi 6m, huyện lộ lùi 4m, đường đô thị lùi tối thiểu 2,5m, trừ phố thương mại có lộ giới trùng với chỉ số xây dựng. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh ta còn tồn tại rất nhiều tuyến đường bộ chưa có hành lang ATGT, nhà dân sát ngay mặt đường.

Các hộ dân thôn Nhì, chợ Dần (Vụ Bản) sử dụng hành lang ATGT đường bộ và lòng đường để kinh doanh, buôn bán hàng hóa, gây mất ATGT.
Các hộ dân thôn Nhì, chợ Dần (Vụ Bản) sử dụng hành lang ATGT đường bộ và lòng đường để kinh doanh, buôn bán hàng hóa, gây mất ATGT.

Đi dọc tuyến Quốc lộ 38B không khó bắt gặp tình trạng các hộ dân sinh sống hai bên đường xây nhà, dựng ki-ốt, quán hàng san sát trên phần đất hành lang ATGT. Tại đoạn thôn Nhì, chợ Dần (Vụ Bản) là nơi mật độ lưu thông phương tiện cơ giới cao nhưng suốt đoạn đường này không có vỉa hè, không có hành lang an toàn dành cho người đi bộ. Nhà ở, hàng quán san sát đã “lấp” mất khoảng không gian trống, lẽ ra phải có ở ven đường. Người dân, khách mua hàng bước chân khỏi cửa là xuống phần đường của xe cộ. Vào buổi sáng hoặc giờ tan tầm, công nhân ở các khu, CCN lân cận ồ ạt đi về với các loại phương tiện gây nên cảnh lộn xộn rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông và cả các gia đình sống ven đường. Những tồn tại kể trên đã nảy sinh sau khi tuyến đường được đầu tư nâng cấp thành quốc lộ. Thực trạng này dẫn đến nhiều nguy cơ xảy ra các vụ va chạm, TNGT. Không chỉ Quốc lộ 38B, trên thực tế hiện nay hầu hết các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và cả các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh đều không còn hành lang ATGT. Ở nhiều đoạn, mép đường kề sát ruộng, mương sâu nên nếu xảy ra sự cố bất ngờ, chắc chắn cả người điều khiển và phương tiện đều bị nguy hiểm do lao xuống ruộng, mương. Nguy hiểm hơn là dọc nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, ở những khu vực dân cư, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và nhiều hộ dân đã “tận dụng” đến tấc đất cuối cùng liền với lòng đường để bày biện hàng hóa, sản xuất. Hàng hóa, biển hiệu được bày lấn ra lòng đường gây cản trở giao thông, che khuất tầm nhìn của người đi đường. Xe cộ thường xuyên ra vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh ven đường cũng là những mối hiểm hoạ đối với người đi đường. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều tuyến đường không có hành lang ATGT là do kết cấu hạ tầng giao thông xây dựng chưa đồng bộ, công tác quản lý mốc chỉ giới đường bộ chưa chặt chẽ, việc cắm mốc chưa đầy đủ theo quy định... Quy chế phối hợp quản lý giữa các cấp, các ngành chưa rõ ràng, dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm, thiếu kiểm tra thường xuyên, không xử lý kiên quyết khi vi phạm. Chính quyền địa phương, nhất là cấp cơ sở và các lực lượng chức năng chưa thực sự quyết liệt, né tránh không xử lý ngăn chặn vi phạm ngay khi mới phát sinh. Có nhiều trường hợp vi phạm đã được chỉ đạo, lập biên bản đình chỉ thi công nhưng chính quyền địa phương vì nhiều lý do, vẫn chưa tích cực vào cuộc xử lý. Nếu lưu thông trên tuyến đường nối cầu Tân Phong với Quốc lộ 21 trên địa bàn xã Nam Mỹ, bất cứ ai cũng dễ dàng nhận thấy một số hộ dân xây dựng nhà kiên cố nằm trong hành lang bảo vệ đường bộ hai bên đường. Để bảo đảm ATGT và bảo vệ hành lang, kết cấu hạ tầng giao thông tuyến đường dẫn nối cầu Tân Phong với Quốc lộ 21, UBND huyện Nam Trực đã yêu cầu xã Nam Mỹ tổ chức quản lý, nghiêm cấm việc xây dựng công trình nằm trong hành lang bảo vệ đường bộ (tính từ mép đường ra 6m). Đối với các hộ đã xây dựng công trình yêu cầu UBND xã lập biên bản yêu cầu chấm dứt ngay hoạt động xây dựng, giữ nguyên hiện trạng, chờ quyết định xử lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên đến nay, các ngôi nhà này vẫn đang được hoàn thiện, chuẩn bị đưa vào sử dụng. Công trình vi phạm này không được xử lý nghiêm thì sẽ tạo cớ cho các vi phạm khác. Ngoài ra, còn một số tình trạng quy hoạch giao thông “phạm” vào đất của dân nhưng do kinh phí các dự án không thể mở rộng đền bù cả phần hành lang đường nên nhà dân sát mặt đường. Đối với những trường hợp này việc vận động người dân chấp hành các quy định liên quan về bảo vệ an toàn hành lang đường bộ hay xử lý vi phạm là hết sức khó khăn vì thiếu cơ sở pháp lý. Bên cạnh đó, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân còn hạn chế, đặc biệt là các quy định về quản lý và bảo vệ hành lang ATGT.

Để nâng cao hiệu quả bảo đảm trật tự ATGT tại các tuyến đường chưa có hành lang an toàn đường bộ, đề nghị ngành GTVT tập trung đề xuất, tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy định tăng cường trách nhiệm của đơn vị, bộ phận chức năng trong thi hành nhiệm vụ và có cơ sở để vận động, xử lý người xây dựng lấn chiếm đất hành lang an toàn đường bộ. Đẩy mạnh việc phối hợp xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ, đặc biệt giữa UBND cấp xã với các ngành chức năng. Các sở, ngành và lực lượng chức năng liên quan cần tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy định về phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, các quy định về xử lý các trường hợp công trình xây dựng và đất nằm trong hành lang an toàn đường bộ, các hình thức xử lý vi phạm hành chính liên quan. Tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu các quy định về bảo đảm an toàn hành lang đường bộ cũng như những mối nguy hiểm tiềm ẩn do việc vi phạm hành lang ATGT, từ đó tự giác giữ nguyên hiện trạng sử dụng quỹ đất hành lang ATGT đường bộ thuộc quyền sở hữu đất của gia đình, cá nhân. Đồng thời đẩy mạnh công tác cắm mốc địa giới quỹ đất hành lang ATGT đường bộ tạo thuận lợi cho công tác quản lý cũng như đầu tư mở rộng đường khi có điều kiện./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com