Tháo gỡ tình trạng thiếu điểm dừng đỗ, đón, trả khách vận tải đường bộ

08:11, 28/11/2016
Với số lượng phương tiện và loại hình dịch vụ vận tải khách bằng ô tô ngày càng tăng, nhu cầu điểm dừng đỗ, đón, trả khách ngày càng nhiều để bảo đảm đáp ứng yêu cầu quản lý trật tự ATGT và nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên đây đang là vấn đề hạn chế cần được các cấp, ngành chức năng tập trung tìm giải pháp tháo gỡ.
 
Trên địa bàn tỉnh hiện có 29 doanh nghiệp, HTX vận tải hành khách theo tuyến cố định với 644 xe, có khoảng 270 tuyến xe đi và đến trên địa bàn tỉnh; 4 doanh nghiệp vận tải hành khách bằng xe buýt với 66 xe, tổ chức thành 8 tuyến từ Thành phố Nam Định đi các huyện và Thành phố Phủ Lý (Hà Nam); 9 doanh nghiệp, HTX vận tải hành khách bằng xe taxi với 771 xe. Hiện nay chất lượng phương tiện ngày càng được nâng cao, kết nối chặt chẽ các địa phương trong tỉnh và các tỉnh, thành phố khác trong khu vực, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Để chủ động bảo đảm các điều kiện về điểm dừng đỗ, đón, trả khách, phương tiện vận tải tiếp tục gia tăng, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, Sở GTVT đã chủ động tiến hành khảo sát, xây dựng quy hoạch vị trí điểm đón, trả khách tuyến cố định đường bộ tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đến nay, trên toàn tỉnh đã có 11 bến xe khách các hạng đã được công bố đưa vào khai thác. Sở GTVT cũng đã phân kỳ đầu tư cắm biển báo vị trí 107 điểm đón, trả khách tuyến cố định, trong đó có 12 điểm đón, trả khách tuyến cố định trên Quốc lộ 10. Tuy nhiên, một trong những tồn tại chính của hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước đang gặp nhiều rào cản là bất cập trong việc đáp ứng nhu cầu điểm đón, trả khách, bến bãi của các doanh nghiệp vận tải, nhất là những doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng. Hiện nay, hệ thống điểm đón, trả khách tại tỉnh ta được chia thành 3 loại: do Nhà nước xây dựng, doanh nghiệp khai thác tuyến tự đầu tư và do nguồn vốn hỗ trợ từ các dự án. Tuy nhiên, các điểm đón, trả khách do Nhà nước đầu tư hiện nay vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng tầm. Phần lớn hệ thống các điểm đón, trả khách trên các tuyến đường vẫn còn thiếu, một số điểm, bến xe lại nằm ở vị trí không thuận tiện. Điển hình như Bến xe Nam Định nằm ở vị trí không thuận lợi cho việc đi lại đã khiến hành khách “ngại” vào bến để đi xe... Với các điểm thực hiện do nguồn vốn hỗ trợ từ các dự án, công tác rà soát để đặt điểm cũng chưa thực sự hiệu quả; tại nhiều vị trí đông dân, đông hành khách thì chưa bố trí nhà chờ, trong khi tại một số vị trí khác ít dân, ít khách lại được bố trí nhà chờ... vì thế, chưa khuyến khích được người dân đến điểm quy định để đón xe. Chính vì chưa đồng bộ, thống nhất dẫn đến tình trạng người dân đứng đón xe ở bất kỳ vị trí nào tiện nhất, xe khách dừng đỗ tự do đón, trả khách. Theo Cty TNHH một thành viên Mai Linh Nam Định, trong khi đặc thù vận tải hành khách bằng taxi phải phân bố, phân tán phương tiện, chở khách theo yêu cầu đến tận từng nhà và tiếp tục tìm điểm dừng đậu chờ khách nhưng do các điểm đỗ xe tĩnh trên đường phố, nhất là tại Thành phố Nam Định và tại các điểm trung chuyển còn rất ít vì vậy lái xe thường phải di chuyển nhiều mới có điểm đỗ đậu an toàn, gây tốn kém và mất ATGT. Việc bắt khách không đúng nơi quy định là điều không doanh nghiệp vận tải nào muốn, vì gây mất ATGT, luôn “nơm nớp” nỗi lo phải nộp phạt vi phạm, nhưng không đón khách trên đường thì doanh nghiệp vận tải không thể hoạt động được khi cùng lúc có sự cạnh tranh của rất nhiều hãng xe. Vì vậy, dù biết sai khi đón trả khách không đúng vị trí nhưng doanh nghiệp vẫn tái diễn vi phạm.
Do thiếu điểm dừng đỗ nên các xe taxi thường đỗ tạm bên lề đường. (Ảnh chụp tại đường Hùng Vương, TP Nam Định).
Do thiếu điểm dừng đỗ nên các xe taxi thường đỗ tạm bên lề đường. (Ảnh chụp tại đường Hùng Vương, TP Nam Định).
Để giải quyết bất cập kể trên, ngành GTVT đề nghị các địa phương, doanh nghiệp tích cực tập trung thực hiện việc bảo đảm các điều kiện cần thiết, đẩy nhanh tiến độ đầu tư theo phân kỳ của Quy hoạch vị trí điểm đón, trả khách tuyến cố định đường bộ tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Cụ thể, đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ đầu tư 22 bến xe khách các loại; trong đó cải tạo, nâng cấp, mở rộng các bến hiện có và tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp thêm 2 bến xe khách trung tâm Thành phố Nam Định đạt tiêu chuẩn bến xe loại I. Xây dựng mới và mở rộng các bến xe khách trung tâm các huyện, đạt tối thiểu loại IV, bổ sung và quy hoạch các bến xe khách, các bến xe hàng hóa, bãi đỗ xe tại các khu vực đông dân cư, nơi lễ hội, KCN… với tiêu chuẩn bến từ loại V (diện tích từ 1.500m 2) trở lên. Tại Thành phố Nam Định quy hoạch dành 5-7% quỹ đất cho xây dựng các công trình giao thông tĩnh, phân bổ đều ở các khu trung tâm; các cửa ngõ ra vào thành phố quy hoạch 1-2 bãi đỗ xe và mỗi phường tối thiểu có 1 bãi đỗ xe, xây dựng thêm trạm dừng, nghỉ trên tuyến đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình. Đối với khu vực thị trấn các huyện quy hoạch 1 bãi đỗ xe trên 2.000m 2 phù hợp với vị trí đấu nối các tuyến giao thông quan trọng và đảm bảo an ninh trật tự, ATGT; xây dựng các bến xe tải tại cửa ngõ vào thành phố. Đặc biệt, việc nâng cấp, xây mới các điểm đón, trả khách được bố trí tại các vị trí đảm bảo ATGT, thuận tiện cho hành khách lên, xuống và xe tiếp cận; có đủ diện tích để xe dừng đón, trả khách không ảnh hưởng đến các phương tiện lưu thông trên đường. Đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đón, trả khách liền kề hoặc giữa điểm dừng đón, trả khách với trạm dừng nghỉ hoặc bến xe hai đầu tuyến; bố trí gần khu dân cư để tăng chất lượng phục vụ… Bên cạnh đó, để ngăn chặn tình trạng các doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật về bảo đảm trật tự, ATGT, đón, trả khách không đúng nơi quy định, bên cạnh sự nỗ lực của ngành chức năng, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp vận tải, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh ngay những biểu hiện cạnh tranh thiếu lành mạnh, gây mất trật tự vận tải. Các bến xe tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý điều hành tăng sức thu hút phương tiện và hành khách vào bến như bảo đảm trật tự, an toàn và vệ sinh công cộng; công khai, minh bạch hoạt động điều phối xe. Mặt khác, người dân cần thay đổi thói quen tùy tiện xuống hoặc đón xe ngoài bến tiếp tay cho vi phạm của nhà xe đón, trả khách không đúng nơi quy định, gây mất trật tự vận tải và phát sinh các tiêu cực của nhà xe ép giá, lèn khách, bán khách dọc đường./.
 
Bài và ảnh:  Thanh Thúy


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com