Ngăn ngừa trẻ em chưa thành niên vi phạm pháp luật: Cần sự quan tâm của toàn xã hội

05:07, 12/07/2019

Ngày 20-6-2019, Tòa án nhân dân huyện Giao Thủy đã đưa ra xét xử vụ án đối với bị cáo Vũ Thị Chắt, trú tại xóm 2 Quyết Thắng, xã Giao Tiến về tội mua bán trái phép chất ma túy theo quy định tại điểm b, e Điều 251 Bộ luật Hình sự. Theo nội dung bản án, tháng 1-2019, tổ công tác Công an huyện Giao Thủy làm nhiệm vụ tuần tra tại xã Giao Tiến bắt quả tang Đ. P. C, sinh ngày 23-10-2003 tàng trữ một túi nilon bên trong có 2 gói giấy bạc màu trắng, mỗi gói đều chứa chất bột dạng cục màu trắng; C khai nhận nguồn gốc ma túy cất giấu là của Vũ Thị Chắt đưa để bán kiếm lời. Trước đó, Chắt cũng đã 2 lần đưa ma túy cho C đi bán mỗi lần một gói giá trị 300 nghìn đồng một gói rồi mang tiền về đưa cho Chắt. Tại phiên tòa, bị cáo Vũ Thị Chắt đã khai nhận toàn bộ hành vi của mình khi đưa ma túy cho C đi bán. Điều đáng chú ý ở vụ án này là đối tượng đã sử dụng trẻ em để vận chuyển ma túy đi tiêu thụ. Hành vi mua bán trái phép chất ma túy của bị cáo là gây nguy hiểm cho xã hội, tình tiết tăng nặng đó là sử dụng người dưới 16 tuổi phạm tội. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Vũ Thị Chắt 6 năm tù.

Trong buổi làm việc giữa Đoàn công tác Ủy ban quốc gia về trẻ em với Ban điều hành Chương trình Bảo vệ trẻ em tỉnh, vấn đề được nhiều thành viên quan tâm trao đổi, đó là thực trạng trẻ em lứa tuổi chưa thành niên vi phạm pháp luật. Trong 2 năm (2017, 2018), toàn tỉnh có gần 250 vụ trẻ em phạm pháp. Theo thống kê, có 4 nhóm tội phạm phổ biến đối với trẻ em dưới 16 tuổi là: trộm cắp tài sản; nhóm xâm phạm trật tự công cộng (bao gồm gây rối trật tự công cộng và cố ý gây thương tích); nhóm tội phạm nghiêm trọng (bao gồm giết người, cướp tài sản và hiếp dâm); nhóm các tội phạm khác (đánh bạc, buôn bán sử dụng ma túy). Tình hình trẻ em vi phạm pháp luật tại Nam Định có chiều hướng suy giảm nhưng vẫn còn phức tạp. Đại diện Vụ Trẻ em (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nêu rõ: Nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội là do ở tuổi mới lớn, nhận thức xã hội thấp và ít hiểu biết về pháp luật nên dễ bị kẻ xấu lôi kéo, kích động. Quá trình phát triển kinh tế - xã hội quá nhanh cũng tạo nên áp lực cân bằng giữa công việc và gia đình. Nhiều hình thức giải trí có tính bạo lực, xâm hại sức khỏe trên thị trường, trẻ em tiếp cận nhanh và dễ bị tác động; từ đó có lối sống buông thả, xem thường đạo lý và pháp luật nên dẫn đến hành vi phạm pháp. Bên cạnh đó, gia đình lo làm ăn, chưa có sự quan tâm đến con cái; xã hội thiếu những điểm vui chơi giải trí lành mạnh... đã khiến trẻ càng dễ bị lôi kéo phạm tội. Trong nhiều gia đình, thời gian dành cho việc chăm sóc, giáo dục con cái ngày càng ít, kể cả trong những gia đình có điều kiện về kinh tế. Trẻ em trong các gia đình này hoặc là thiếu sự quan tâm chăm sóc, hoặc là được quá nuông chiều dẫn đến hư hỏng. Thiếu sự giám sát, giáo dục của bố mẹ là nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng nguy cơ người chưa thành niên tham gia vào các hoạt động không lành mạnh như tụ tập ăn chơi, nghiện game online, uống rượu, hút thuốc. Đồng chí Hoàng Đức Trọng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em nói chung và ngăn ngừa trẻ em chưa thành niên phạm pháp trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến; tỷ lệ trẻ em bỏ học, lang thang hầu như không còn. Thời gian qua, Nam Định là địa phương tiêu biểu trong cả nước đạt mục tiêu "nhiều không" về thực hiện quyền trẻ em như: "Không có trẻ em bỏ học", "Nói không với bạo lực học đường", "Không để trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị bỏ lại phía sau"... Tuy nhiên, trước thời đại công nghệ 4.0, nhiều tác động tiêu cực từ mặt trái kinh tế thị trường ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm, nhận thức của trẻ em. Thiết chế văn hóa, điểm vui chơi giải trí lành mạnh cho trẻ em đã được đầu tư trong thời gian qua, nhưng chủ yếu tập trung ở đô thị, khu vực nông thôn còn rất thiếu. Tổ chức bộ máy cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em không ổn định, sau khi có thay đổi về tổ chức bộ máy văn bản hướng dẫn của Trung ương về nhiệm vụ, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, giám sát đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em chậm hoặc chưa có hướng dẫn, đặc biệt là hoạt động duy trì mạng lưới cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở thôn, xóm, tổ dân phố. Một số ít địa phương, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em do đó việc bố trí các điểm vui chơi, giải trí dành cho trẻ em còn hạn chế, đặc biệt là ở các xã, phường. Hoạt động giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho trẻ em chưa đáp ứng được yêu cầu; một bộ phận trẻ em đến các điểm internet truy cập vào những nội dung không lành mạnh nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Vai trò, trách nhiệm của một bộ phận gia đình trong việc nuôi dạy, quản lý, giáo dục trẻ em còn nhiều hạn chế; đời sống kinh tế của nhân dân một số vùng còn gặp nhiều khó khăn; một số gia đình do hoàn cảnh khó khăn hoặc vì lợi ích trước mắt dẫn đến sự quan tâm đến con em mình còn bị buông lỏng, xao nhãng.

Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến của các thành viên, lãnh đạo đại diện các sở, ngành của tỉnh có chung nhận định: Công tác quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư phòng ngừa vi phạm pháp luật tại Nam Định nói riêng và trong cả nước nói chung còn nhiều khó khăn, phức tạp đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Đại tá Trần Phú Hà, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Lứa tuổi trẻ em vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh chủ yếu là học sinh trung học cơ sở; trong các hành vi phạm tội, chủ yếu là vi phạm an toàn giao thông; không có trẻ em chưa thành niên vi phạm nghiêm trọng (bao gồm giết người, cướp tài sản và hiếp dâm). Theo đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh, phòng ngừa tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên cần được xác định là trách nhiệm của toàn xã hội và là một nội dung quan trọng, có tính chiến lược trong toàn bộ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Do đó, cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn xã hội, trước hết là cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành, đoàn thể ở cơ sở. Từ năm 2009, Thành phố Nam Định đã bắt đầu triển khai thực hiện Đề án quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư, có nguy cơ vi phạm pháp luật nhằm phát huy vai trò của các ngành, đoàn thể và toàn dân tham gia hiệu quả vào công tác quản lý giáo dục thanh, thiếu niên hư, góp phần giữ vững và ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm và ma túy thành phố và các phường, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các ban, ngành, đoàn thể, tổ dân phố, thôn, xóm và các hộ dân tham gia phối hợp thực hiện. Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền phong phú với nội dung cụ thể, thiết thực như: tổ chức các buổi họp dân, tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh và tuyên truyền lưu động trên các đường phố, lồng ghép tuyên truyền phòng ngừa tội phạm, ma túy, đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông với các phong trào khác của địa phương, đồng thời gặp gỡ từng gia đình có đối tượng thanh, thiếu niên hư, có nguy cơ vi phạm pháp luật để vận động, phối hợp đưa con em vào diện quản lý giáo dục. Qua 10 năm  thực hiện Đề án đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể: Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên ở phường, xã đã phối hợp chặt chẽ, áp dụng đồng bộ các biện pháp giáo dục, giúp đỡ các thanh, thiếu niên hư trở thành những thanh, thiếu niên tiến bộ, giảm những nhân tố phát sinh tội phạm, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Để hạn chế và ngăn chặn hành vi phạm tội ở lứa tuổi này, cần có sự phối hợp 3 môi trường giáo dục: Gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó yếu tố gia đình rất quan trọng. Gia đình cần theo dõi, quan tâm đến các em từ việc sử dụng tiền, nhu cầu sinh hoạt, thời gian học, thời gian chơi và các mối quan hệ bạn bè. Chú ý những biểu hiện tâm lý bất thường, không nên nuông chiều con quá mức hoặc thờ ơ, bỏ mặc. Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý các loại hình kinh doanh văn hoá, dịch vụ văn hoá như: internet, karaoke, các ấn phẩm văn hoá, băng đĩa có nội dung xấu nhằm hạn chế sự tác động đến tâm lý của các em./.

 Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com