Qua 3 năm thực hiện Luật Đê điều ở Xuân Trường

08:08, 06/08/2010

 

Đội quản lý đê điều huyện Xuân Trường kiểm tra đá dự trữ tại điểm xung yếu kè Hạ Miêu, xã Xuân Thành.   Ảnh: Đức Hoa
Đội quản lý đê điều huyện Xuân Trường kiểm tra đá dự trữ tại điểm xung yếu kè Hạ Miêu, xã Xuân Thành.
Ảnh: Đức Hoa

Huyện Xuân Trường được bao bọc bởi 3 con sông: sông Hồng, sông Ninh Cơ và sông Sò. Trên địa bàn huyện có 3 tuyến đê với tổng chiều dài 38,5 km, trong đó đê cấp II (đê hữu sông Hồng) dài 19,3 km, đê cấp III (đê tả sông Ninh Cơ) dài 12,5 km có nhiệm vụ ngăn lũ và đê cấp IV (đê hữu sông Sò) dài 6,68 km ngăn nước mặn. Trên các tuyến đê có 23 cống dưới đê, 11 cửa khẩu qua đê, 14 điếm canh và 9 kè hộ bờ. Thực hiện Luật Đê điều, hàng năm, thông qua các hội nghị tập huấn công tác PCLB, huyện đã tổ chức tuyên truyền các nội dung của luật, xác định việc quản lý, bảo vệ, tu bổ, nâng cấp, kiên cố hóa đê điều và hộ đê là trách nhiệm chung của các ngành, các cấp và toàn thể nhân dân. Các xã, thị trấn huy động lực lượng thực hiện tuần tra, canh gác và thường trực trên các điếm canh đê khi có báo động lũ từ cấp I trở lên. Việc chấp hành quy định cấp phép đối với các hoạt động liên quan đến đê điều và quy định đối với đất sử dụng cho xây dựng, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa đê điều được UBND huyện và các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc, bảo đảm theo quy định của pháp luật về đất đai. Trong đó, nhiều dự án đã được triển khai xây dựng và đi vào hoạt động như: cống Trà Thượng, cống Liêu Đông, cống Cát Xuyên, cống Tài và cửa khẩu qua đê tả sông Ninh thuộc án phận thị trấn Xuân Trường. Khi thực hiện dự án tu bổ, nâng cấp 2,4 km đê tả sông Ninh (từ đò Cựa Gà đến đò Sồng), Sở NN-PTNT đã phối hợp với UBND huyện và UBND xã Xuân Châu hỗ trợ hoa màu cho bà con trồng cấy trên diện tích 1400 m2 đất trong phạm vi bảo vệ đê điều; hỗ trợ về đất, hoa màu và tài sản trên đất khi thu hồi khoảng 4000 m2 ngoài phạm vi bảo vệ đê điều để xây dựng đê mới tại khu vực cống Trà Thượng (thị trấn Xuân Trường). Việc đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp đê điều từ nguồn vốn Trung ương được triển khai có hiệu quả như dự án đầu tư xây dựng tường bê tông đê tả sông Ninh Cơ, thay thế đê bằng đất dài 6,7 km và kè lát mái hộ bờ dài 2370 m với tổng kinh phí đầu tư 65 tỷ đồng; xây dựng mới 4 cống qua đê, tổng kinh phí khoảng 30 tỷ đồng. Dự án tôn cao, ấp trúc đê tả sông Ninh Cơ từ đò Cựa Gà đến đò Sồng dài 1,4 km với kinh phí 1,2 tỷ đồng; rải đá cấp phối mặt đê hữu sông Hồng từ đò Cựa Gà đến cống chợ Đê dài 1,6 km, kinh phí 4 tỷ đồng và nhiều công trình khác như khoan phụt gia cố đê hữu sông Hồng từ chợ Đê đến cống Cạn (Xuân Châu), xây dựng mới 2 điếm canh Phú Ân và Xuân Phú... Từ nguồn vốn địa phương, huyện đã tổ chức 2 đợt duy tu mặt đê hữu sông Hồng với kinh phí gần 80 triệu đồng. Đặc biệt, huyện đã khuyến khích 5 doanh nghiệp đóng tàu thuộc án phận đê hữu sông Hồng (Xuân Tân) đầu tư kinh phí 200 triệu đồng duy tu 2 km mặt đê phục vụ sản xuất, kinh doanh và PCLB. Trên cơ sở các quy định về đê điều và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, trong 3 năm (2007-2009), các cơ quan chức năng trong huyện đã phối hợp kiểm tra các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh (gồm doanh nghiệp đóng tàu, sửa chữa cơ khí, hộ kinh doanh lâm sản và vật liệu xây dựng) ở vùng bãi ven sông Hồng, sông Ninh. Qua đó phát hiện, lập biên bản xử lý 7 trường hợp xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều, 7 trường hợp xây dựng công trình ở bãi sông không đúng hồ sơ cấp phép, 17 trường hợp xây dựng công trình ở bãi sông không có thủ tục cấp phép, 8 trường hợp để vật liệu xây dựng trong phạm vi bảo vệ đê điều, 26 trường hợp để vật liệu xây dựng không có hồ sơ cấp phép. Phát hiện, ngăn chặn 10 trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ đê, lòng thoát lũ như đào ao, rãnh, xây dựng công trình tạm...,  di chuyển trái phép vật tư dự trữ tại các trọng điểm, chất thải vật liệu xây dựng trên mặt đê, sử dụng xe cơ giới vượt quá trọng tải cho phép đi lại trên đê. Các hộ xây nhà trong phạm vi bảo vệ đê điều cũng đã được yêu cầu tháo dỡ, xử phạt hành chính. UBND các xã xử phạt hành chính 9 trường hợp khai thác cát trái phép khu vực chân đê sông Hồng. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân trong huyện còn phát hiện, báo với cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý 6 vụ vi phạm liên quan đến an toàn đê điều, trong đó có 2 vụ tại xã Xuân Châu, 3 vụ tại xã Xuân Hồng và 1 vụ tại xã Xuân Ninh. 

Qua 3 năm thực hiện Luật Đê điều ở Xuân Trường đã góp phần củng cố, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân bảo đảm an toàn cho công trình đê điều và đáp ứng yêu cầu PCLB. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn đơn điệu về hình thức, sơ sài về nội dung. Tình hình vi phạm luật... tuy mức độ không lớn nhưng khá phổ biến và chưa được xử lý đồng bộ nên vẫn còn xảy ra hiện tượng tái vi phạm. Các vi phạm chủ yếu gồm: xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều chưa được cấp phép hoặc không theo hồ sơ cấp phép; sử dụng xe cơ giới quá trọng tải cho phép đi lại trên đê; đổ chất thải trong phạm vi bảo vệ đê điều ở bãi sông, lòng sông; sử dụng đê, kè, cống làm nơi neo đậu tàu thuyền, khai thác cát ở lòng sông, khai thác đất ở bãi sông không có giấy phép. Sự phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về đê điều giữa các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở thiếu chặt chẽ, đồng bộ. Thời gian tới, để triển khai thực hiện Luật Đê điều có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu PCLB, huyện Xuân Trường tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các hộ dân tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh ở vùng ven đê, ven sông. Kiểm tra, rà soát các trường hợp vi phạm Luật Đê điều và có biện pháp xử lý, từng bước hạn chế, loại bỏ các vi phạm. Triển khai có hiệu quả các hoạt động, biện pháp hộ đê, huy động lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương châm "4 tại chỗ", bảo đảm an toàn đê điều và công tác PCLB theo đúng luật định./.   

Thanh Thủy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com