Thời trang hàng "thùng" - Những nguy cơ tiềm ẩn

01:04, 29/04/2016
Hàng “thùng” (hàng “second hand”) là các loại sản phẩm tiêu dùng (thường là quần áo, giày dép, phụ liệu thời trang, hàng điện tử, điện lạnh…) đã qua sử dụng của người ngoài được du nhập vào nước ta. Ban đầu chủ yếu là nhóm hàng quần áo nhưng nắm bắt sở thích của bộ phận khách hàng sính hàng “ngoại” giá rẻ, độc, lạ nên người kinh doanh đã nhanh chóng nhập các loại như giày dép, kính mắt, mũ, thú nhồi bông, chăn, ga, gối, thảm… và vô số những phụ kiện thời trang... Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích thì những người có thói quen tiêu dùng hàng “thùng” đang phải đối mặt với nguy cơ bệnh tật khó lường như bệnh phụ khoa, viêm da tiếp xúc, nấm tổ đỉa, thậm chí là các bệnh về máu…
 
Hàng hiệu giá rẻ
 
Những người có thâm niên trong giới kinh doanh hàng “thùng” cho biết: Các mặt hàng đã qua sử dụng của người dân ở các nước châu Âu, châu Mỹ và cả châu Á, được thu gom dưới dạng hàng cứu trợ hoặc hàng lỗi mốt, lỗi kỹ thuật nên hầu hết hàng “thùng” là sản phẩm của những thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới như: Hermes, Louis Vuitton, Coco Chanel, Versace, Gucci, Dior… nhưng giá thành tương đối rẻ. Mỗi kiện hàng “thùng” được nén tới hàng nghìn chiếc áo quần, chăn đệm có thể lên tới hàng nghìn chiếc tùy từng chủng loại, chi phí mua tại gốc chỉ khoảng chục triệu đồng và thêm các khoản chi cho khâu trung gian. Do đó một chiếc áo, quần có giá tối đa là vài trăm nghìn đồng và tối thiểu là 10-15 nghìn đồng nên thu hút khá đông khách hàng. Cụ thể, áo phông, áo sơ mi đã qua sử dụng chỉ có giá từ 60-80 nghìn đồng/chiếc; quần bò có giá từ 50-150 nghìn đồng, một chiếc áo rét có chất liệu là nhung, nỉ hay lông vũ, lông trần có giá từ 100-200 nghìn đồng/chiếc hay một tấm thảm nhung, trải sàn có hoa văn đẹp, lạ mắt cũng chỉ có giá 500 nghìn đồng… So với hàng mới thì giá hàng “thùng” chỉ bằng 1/10, 1/20; thậm chí nhiều sản phẩm muốn mua mới cũng không có trên thị trường trong nước. Do đó khách hàng tìm đến hàng “thùng” thường là những “tín đồ” săn tìm hàng hiệu, độc, giá rẻ…; người lao động phổ thông, học sinh, sinh viên ít tiền cũng ưu tiên lựa chọn hàng “thùng” để tiết kiệm chi tiêu. Thậm chí nhiều người đã mắc căn bệnh “nghiện” hàng thùng, đặc biệt là chị em phụ nữ, vì chỉ cần một số tiền nhỏ đã có thể sở hữu những bộ quần áo thời trang nổi tiếng của nhiều hãng khác nhau. Tại cửa hàng bán hàng “thùng” trên phố Hàng Tiện (TP Nam Định), một khách hàng là nhân viên văn phòng đang chọn áo sơ mi cho biết: Mình là “tín đồ” của hàng thùng bởi mình sở hữu một tầm vóc to lớn nên khó mua quần áo may sẵn trong nước; ra hiệu may thì cái được cái không, hơn nữa có vừa cũng không đẹp bởi kỹ thuật may lạc hậu, nhưng khi tìm chọn hàng “thùng” dù là đồ người nước ngoài đã sử dụng lại rất phù hợp. Ngoài quần áo, tôi còn thường xuyên mua giầy dép, túi xách hàng “thùng”. Một khách hàng khác cho biết, em là Thanh Mai sinh viên Trường Đại học Điều dưỡng (TP Nam Định) tìm đến hàng thùng với bài tính vừa chọn được hàng đẹp, phong cách, độc đáo mà vẫn tiết kiệm được chi tiêu... Trên địa bàn tỉnh ta, hàng “thùng” được bày bán phổ biến ở đường Trần Đăng Ninh, Hàng Tiện và rải rác ở khắp các phố chính. Nhiều gian hàng chiếm lĩnh vị trí đẹp trên các tuyến phố chính như Hàng Tiện, Hàn Thuyên, Nguyễn Du... Một số cửa hàng đầu tư gian hàng, dụng cụ, ma-nơ-canh treo quần áo cẩn thận để quảng bá chất lượng sản phẩm hướng tới những khách hàng có thể chi trả cao. 
 
Mua bán quần áo tại chợ đêm trên đường Trần Phú (TP Nam Định).
Mua bán quần áo tại chợ đêm trên đường Trần Phú (TP Nam Định).

Nguy cơ bệnh tật
 
Không gian ngột ngạt, ẩm mốc gây choáng váng, hắt hơi… là cảm nhận chung của nhiều người đi chọn hàng “thùng”. Điều này dễ lý giải bởi hàng “thùng” được nhập về từ nhiều quốc gia, đóng lại thành kiện, chuyển về tiêu dùng trên thị trường mà không ai biết lịch sử “tiền chủ” từng món hàng trước đó có mang các bệnh da liễu, truyền nhiễm gì hay không? Người bán chỉ chăm chút giặt, là, tẩy những sản phẩm đẹp, treo trên mắc để thu hút khách hàng, phần lớn số hàng còn lại được để đống cho khách hàng lựa chọn. Trong không gian chật hẹp, điều kiện thời tiết nồm ẩm, bụi bặm, thiếu ánh sáng thì việc phát sinh nấm mốc và gia tăng các loại ký sinh trùng tiềm ẩn nhiễm vào sản phẩm qua các công đoạn thu gom, lưu giữ, vận chuyển tới tay người tiêu dùng. Để nâng cấp hàng thùng, các chủ hàng còn xử lý qua các công đoạn như tẩy, nhuộm, hồ làm cứng vải, sử dụng chất tẩy ố cực mạnh... đây là một trong những nguyên nhân gây bệnh ngoài da cho người tiêu dùng… Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng chỉ quan tâm đến mẫu mã, giá thành mà ít quan tâm đến xuất xứ của nguồn hàng và những hệ lụy do hàng “thùng” mang lại. Đây thực sự là mối nguy cho sức khỏe bản thân người tiêu dùng và cả cộng đồng. Theo các chuyên gia y tế thì các quần áo cũ thường chứa các vi khuẩn do không được giặt tẩy đúng quy định và bị đóng gói lâu ngày. Nếu chủ nhân trước của những bộ quần áo hàng “thùng” này mắc bệnh ngoài da thì rất dễ lây lan cho người mặc lại chúng. Thậm chí đồ đã qua sử dụng được mang từ vùng đất đó có mang dịch bệnh nguy hiểm như tả, thương hàn, Ebola… cũng là nguyên nhân truyền bệnh dịch khá cao... Do đó, để tiêu dùng thông minh, tận dụng tối đa những ưu điểm của hàng “thùng” và hạn chế những tác nhân gây hại, người tiêu dùng nên quan tâm đến những khuyến cáo của các chuyên gia y tế. Đặc biệt tuân thủ tuyệt đối quy trình chống khuẩn khi đi chọn mua hàng “thùng” theo cách: luôn sử dụng khẩu trang chống khuẩn khi chọn hàng; người có hệ miễn dịch kém không sử dụng sản phẩm này. Nếu dùng, trước khi mặc, người sử dụng nên tiệt trùng đúng cách như: Giặt bằng xà phòng, luộc qua quần áo trong nước sôi và sử dụng chất tẩy rửa, phơi dưới ánh nắng mặt trời ở nhiệt độ thích hợp để loại bỏ tác nhân gây bệnh trước khi sử dụng. Trong quá trình mua bán, người tiêu dùng không nên mặc thử quần áo sát vào cơ thể khi chưa khử khuẩn để tránh lây nhiễm vi khuẩn, mầm dịch bệnh ủ trong sản phẩm./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com