Rong ruổi nghề bán muối dạo

09:04, 22/04/2016

Cứ tầm 6 giờ sáng là ông Tăng Văn Thuận, thôn Lộ Xuyên, xã Phương Định (Trực Ninh) lại dậy cắm nồi cơm. Sau đó kiểm tra lại độ căng của hai lốp xe đạp, chằng buộc kỹ hai bao muối (mỗi bì khoảng 40-50kg) đã chuẩn bị từ tối hôm trước lên xe. Cơm vừa chín tới, “đánh bay” hai bát cơm đầy, uống ngụm nước, “bắn” điếu thuốc lào cho sảng khoái, ông dắt xe muối ra khỏi nhà, bắt đầu một ngày… đi bán muối rong.

“Ai muối đây…”!

Vậy mà thấm thoát đã trên hai mươi năm, ông Thuận gắn bó với nghề bán muối rong, nghề mà ông thường nói là “bán mồ hôi”. Bùi ngùi nhớ lại những ngày đầu tiên bước chân vào nghề, ông tâm sự: Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 1976, ông chuyển về làm nhân viên thời vụ tại Cty Quản lý đường sông tỉnh Hà Nam Ninh (cũ). Làm được hơn 5 năm, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, con cái còn nhỏ, nheo nhóc, ông xin về quê để có điều kiện phụ giúp gia đình. Đó là những năm khó khăn nhất trong cuộc đời ông! Không có nguồn thu nhập ổn định, nhà chỉ có 5 sào ruộng, mỗi năm có đến 5-6 tháng nông nhàn. Để cải thiện thu nhập, ông đã bươn trải qua nhiều nghề nhưng đều không ăn thua. Thấy anh chị quá vất vả, các em vợ ông là Trần Văn Tiến, Trần Văn Tiên ngụ ở thôn An Trung trong, xã Phương Định chuyên đi mua muối ở “miền biển” (Giao Thủy, Hải Hậu) về bán rong trên Thành phố Nam Định bèn kéo ông đi bán muối. “Đồ nghề” rất đơn giản gồm 1 xe đạp Thống Nhất “gióng ngang”, bánh sau được thiết kế lại lắp vành, lốp xe thồ để tăng tải trọng. Hai bao gai dệt bằng sợi đay (để đựng muối), chằng buộc kỹ bằng dây chão lớn cũng bện từ sợi đay; một cọc thồ (dài khoảng 1,5-1,7m, làm bằng thân tre đực) cắm đằng sau yên xe, vài mảnh áo mưa che người, che muối để phòng khi trời mưa to. Hằng ngày, cứ khi Đài Tiếng nói Việt Nam phát thanh lúc 5 giờ sáng là ba anh em đã gọn gàng hành trang để lên đường. Sau khoảng một tiếng đạp xe, phần vì đường xấu, phần vì hàng nặng mới đến điểm dừng nghỉ tại cầu Cao Lộng, xã Tân Thịnh (Nam Trực). Không biết từ khi nào, quán ăn nhỏ ở cầu Cao Lộng là “điểm tập kết” của đội quân bán muối, mắm (nước mắm, mắm tôm) rong khoảng 15-20 người, trong đó có anh em ông Thuận. Sau khi ăn uống, nghỉ ngơi khoảng 30 phút, ông Thuận lại tiếp tục hành trình hơn 10km nữa qua cầu Treo vào bán muối rong “trong phố”. Đến đây mọi người bắt đầu chia ra bán theo địa bàn: khu Năng Tĩnh, khu Tám (khu vực các ô 17, 18, 19, Phù Nghĩa), khu Cổng Hậu (đường Điện Biên), khu phố… Ròng rã lúc đạp, lúc đẩy xe muối tiếng rao của ông Thuận cũng như bao người cùng nghề len lỏi khắp các phố phường, vào từng ngõ ngách trong các khu dân cư: “Ai muối đây…!”. Tầm 3 giờ chiều thì kết thúc một ngày bán hàng, ông thong thả đạp xe về. Quãng đường không xa nhưng ngày ấy đường nhỏ, mặt đường lại xấu, về tối quá vừa vất vả lại tiềm ẩn nhiều bất trắc, mất an toàn. Những hôm may mắn, suôn sẻ thì hết hàng, giá cao, lãi nhiều; hôm “xấu ngày” thì phải bán hạ giá, thậm chí bán chịu để giải phóng xe hàng, ngày hôm sau đi chuyến mới. Cực nhất là mùa hè, những hôm trời bất chợt đổ mưa rào. May mắn nếu gặp được chỗ trú, nếu không thì bao nhiêu áo mưa mang theo phải để che muối, còn người thì chịu ướt. Hôm nào trời mưa lâu đành phải gửi lại hàng ở nhà người quen rồi đội mưa về quê. Những ngày như thế thường là không có công hoặc thậm chí lỗ vốn.

Ông Tăng Văn Thuận, thôn Lộ Xuyên, xã Phương Định đang bán muối trong chợ Văn Miếu (TP Nam Định).
Ông Tăng Văn Thuận, thôn Lộ Xuyên, xã Phương Định đang bán muối trong chợ Văn Miếu (TP Nam Định).

Long đong hàng muối rong

“Hành trình” của ông Thuận mỗi ngày (trừ những ngày mưa dầm) cứ đều đều như vậy đã hơn hai mươi năm. Ước tính mỗi ngày đi làm, ông cặm cụi đi bộ, đạp xe khoảng từ 80-100 cây số. Sau vài tháng “đi muối”, ông Thuận trở thành “lão làng” trong nghề, không chỉ thân thuộc từng con phố, ngõ ngách của Thành Nam mà còn có mạng lưới khách quen. Để có thêm thu nhập, ông thường về tận đồng muối Thống Nhất, xã Giao Lâm (nay là Thị trấn Quất Lâm, Giao Thủy) để mua tận ruộng. Chiếc xe đạp thồ mỗi năm một xỉn đen vì muối mặn, bàn tay người bán muối rong mỗi năm một nứt nẻ vì muối sắc. Đến năm 2012, vợ chồng con gái đầu của ông (làm công nhân may tại Cty TNHH Youngone Nam Định) mua được miếng đất, làm nhà tại thôn Lộng Đồng, xã Lộc An (TP Nam Định), công việc của ông Thuận bớt vất vả hơn. Con ông dành phần chái hiên nhà cho ông làm kho trữ muối. Ông Thuận hợp đồng với diêm dân ở HTX Thống Nhất mua muối theo giá bán buôn, thuê xe tải chở lên kho. Mỗi chuyến xe tải 6 tấn muối chi phí mất 1,5 triệu đồng, dừng ở chợ cầu Gia. Thêm khoảng 1 triệu đồng nữa để thuê xe cải tiến, thuê người chuyển vào kho để túc tắc bán dần. Từ ngày có kho muối, mỗi ngày ông Thuận bớt được gần 50km đạp xe đi về nhưng “lộ trình” vẫn không ít hơn là bao. Địa bàn cũng được mở rộng hơn. Ngoài bán rong ở các phố, khu dân cư trong thành phố, cứ tầm 3-4 ngày ông lại đạp xe muối lên Thị trấn Bình Mỹ, xã An Nội, huyện Bình Lục (Hà Nam) và rong ruổi khắp các xã của huyện Mỹ Lộc. Ngoài khách lẻ, ông Thuận đã có đầu mối hàng chục nhà hàng, quán ăn lớn mua muối định kỳ với số lượng lớn từ 5-10 kg/lần. Bình quân mỗi ngày, ông Thuận bán được khoảng 80-100kg muối, giá bán trung bình khoảng 4.000-5.000 đồng/kg, trừ các loại chí phí, ngày công được khoảng từ 100-150 nghìn đồng. Ngoài ông Thuận, trên địa bàn Thành phố Nam Định còn có khoảng chục người chuyên bán muối rong như các ông Toản, Hưởng, bà Sinh… Ông Toản quê ở xã Liêm Hải (Trực Ninh), năm nay khoảng 57 tuổi thường gửi xe thồ ở Cty CP Muối Nam Định. Hằng ngày ông đi xe máy từ nhà lên gửi tại Cty, lấy muối rồi thồ đi “đổ” cho các mối quen trong thành phố, khoảng tầm trưa, bán hết lại phóng xe máy về. Hay như ông Hưởng quê ở xã Việt Hùng (Trực Ninh) thì chuyên lấy lại muối của những người như ông Thuận rồi bán dọc các xã của huyện Mỹ Lộc và cả huyện Bình Lục (Hà Nam). Bà Sinh nhà ở khu vực chợ Cửa Trường chuyên môn bán rong trong các chợ. Ngoài đội quân bán muối rong bằng xe đạp thồ len lỏi khắp các ngõ ngách còn có khoảng chục phụ nữ chở muối bằng xe máy từ các đồng muối trong tỉnh lên bán buôn tại Thành phố Nam Định. Mỗi chuyến hàng chở được khoảng 2 tạ muối nên số lượng bù lợi nhuận, mỗi chuyến cũng được từ 120-150 nghìn đồng.

Ông Thuận tâm sự, bán muối rong là nghề cực nhọc, vất vả, “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, nhưng là nghề mưu sinh chính đáng của những người lao động như ông, lấy công làm lãi. Ông thuộc đường phố Thành Nam có khi còn hơn người ở phố. Từ nghề muối rong, ông Thuận và gia đình đã có nguồn thu nhập ổn định, nuôi dạy 3 người con trưởng thành, có công ăn việc làm./.

Bài và ảnh: Thành Trung
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com