Rác thải nông thôn - Thực trạng và những giải pháp (kỳ I)

02:06, 11/06/2010

 

Nhà máy xử lý rác thải (Cty TNHH một thành viên môi trường Nam Định), xã Lộc Hoà (TP Nam Định) công suất 250 tấn/ngày, góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: Dương Đức
Nhà máy xử lý rác thải (Cty TNHH một thành viên môi trường Nam Định), xã Lộc Hoà (TP Nam Định) công suất 250 tấn/ngày, góp phần bảo vệ môi trường.                                                                          
                                                                                   Ảnh: Dương Đức

Hiện nay, ở nhiều vùng nông thôn, tình trạng xả rác bừa bãi vì không có nơi tập kết rác tập trung hoặc có nhưng không đổ đã khiến cho môi trường sống nhiều vùng quê bị ô nhiễm. Ngoài việc tuyên truyền, nâng cao ý thức giữ gìn bảo vệ môi trường của người dân, rất cần có sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành chức năng, các cấp chính quyền và nhất là cộng đồng để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra ở các vùng nông thôn hiện nay.

I - RÁC THẢI GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN

Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, tình trạng xả rác thải bừa bãi đang diễn ra ở rất nhiều vùng nông thôn trong tỉnh. Dọc quốc lộ 10 từ thành phố Nam Định đến thị trấn Gôi (Vụ Bản), cứ cách vài trăm mét, có nơi vài chục mét lại có những đống rác được người dân vứt tràn lan ra hai bên đường. Đoạn đi qua xã Liên Bảo (Vụ Bản), vào buổi chiều hằng ngày, có một chợ tự phát mới hình thành. Sau mỗi buổi chợ, các loại rác thải như: túi ni-lon, vỏ hoa quả, nông sản… vứt bừa bãi ven đường quốc lộ, đường ray, lòng kênh. Cách đó không xa, tại khu vực cầu Giành, rác ứ đọng từ nhiều năm nay và ngày càng "phình to" ra với tốc độ ngày một nhanh hơn. Ngay đầu thôn Dương Lai, xã Thành Lợi cũng xuất hiện một đống rác to mà theo nhiều người dân trong thôn, bãi rác này đã tồn tại hơn 2 năm nay, trông rất mất mỹ quan. Mặc dù chính quyền địa phương và nhân dân trong thôn đã nhiều lần tổ chức thu gom, đốt rác nhưng chỉ được vài hôm đâu lại hoàn đấy. Ông Nguyễn Hồng Minh, thôn Trình Xuyên, xã Liên Bảo (Vụ Bản) một người dân sống ngay gần nơi tập kết rác cho biết: Việc đổ rác thải bừa bãi đã khiến cho các hộ ở xung quanh phải sống trong môi trường ô nhiễm. Gia đình ông thường xuyên đóng kín cửa để hạn chế mùi xú uế luôn xộc thẳng vào nhà, bất kể trời nắng hay mưa. Không ít người, nhất là các cụ già và trẻ em sống xung quanh các bãi rác thường xuyên bị mắc các bệnh viêm loét tay chân, đau mắt, viêm đường hô hấp. Từ thành phố Nam Định, theo tuyến quốc lộ 21 qua các huyện: Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thuỷ…, tình trạng vứt rác thải bừa bãi cũng ở mức báo động. Tuy nhiên, ở hầu hết các địa phương, khi được hỏi về "chủ nhân" của những "túi rác" trên, người dân chủ yếu đều đổ lỗi cho người của địa phương khác tranh thủ lúc trời tối hoặc đi chợ về vứt bỏ (!).

Ở các xã có làng nghề, tình trạng ô nhiễm do rác thải lại càng gay gắt vì ngoài rác thải sinh hoạt hàng ngày, ở những nơi này còn phải "gánh" thêm một lượng không nhỏ các loại rác thải từ làm nghề. Tại làng nghề làm chăn bông, hàng may mặc của xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc), người dân phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí do bụi vải, bụi bông. Vải vụn, bông thừa tràn lan hai bên đường, sông ngòi, ao hồ, ruộng, vườn. Cách phổ biến được người dân áp dụng để xử lý các loại rác thải này là đốt. Tuy nhiên, mỗi lần đốt lại là một lần khiến cho không khí thêm ngột ngạt, khó chịu, nhất là vào những ngày nắng nóng. Gặp ngày mưa, nước từ các bãi rác bị đốt đen sì, đặc quánh chảy ra ao, hồ, đồng ruộng... Ở làng nghề Báo Đáp, xã Hồng Quang (Nam Trực), nơi có nghề làm đèn ông sao và hoa giả thì giấy bóng, nhựa, hoá chất và một số loại phế phẩm khác cũng là mối lo của các hộ làm nghề và những người sống xung quanh bởi họ không có phương pháp xử lý hiệu quả. Nghề sản xuất sơn mài, sơn dầu và đồ gỗ mỹ nghệ của các xã: Yên Tiến, Yên Ninh (Ý Yên); Xuân Bắc, Xuân Trung (Xuân Trường); Vĩnh Hào, Liên Minh (Vụ Bản) và nhiều làng nghề khác trong tỉnh cũng rơi vào tình trạng tương tự khi các phế phẩm từ làm nghề bị vứt bỏ bừa bãi khắp nơi...

Hiện tại, toàn tỉnh có hơn 3000 cơ sở sản xuất và doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực: cơ khí, dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ. Bên cạnh việc phát sinh các loại rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, các doanh nghiệp này còn phát thải một số lượng lớn chất thải nguy hại (CTNH) ra môi trường. Theo số liệu thống kê của Chi cục quản lý môi trường (Sở Tài nguyên - Môi trường) thì hàng tháng các doanh nghiệp phát sinh khoảng 44 tấn CTNH, trong đó chất thải ở dạng rắn chiếm khoảng 35%, số còn lại ở dạng bùn, nước thải có chứa các thành phần nguy hại như: hoá chất thải, thuốc nhuộm thải, dầu, sơn… chưa được xử lý. CTNH đã và đang ngày càng gia tăng cả về số lượng, thành phần thải và trở thành nguy cơ hiện hữu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người dân, nhất là người tham gia lao động trong các cơ sở sản xuất ở các làng nghề, khu, CCN…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng rác thải ở các vùng nông thôn như hiện nay song trước tiên phải kể đến ý thức xả thải, giữ gìn và bảo vệ môi trường của đại đa số người dân còn nhiều hạn chế. Theo kết quả điều tra sơ bộ của Sở Tài nguyên - Môi trường, trên địa bàn 204 xã, thị trấn trong toàn tỉnh, trung bình mỗi ngày phát sinh khoảng 621 tấn rác thải, trong đó rác thải nông nghiệp 142,5 tấn/ngày, rác thải sinh hoạt hơn 404 tấn/ngày, còn lại là rác thải công nghiệp. Lượng rác thải được thu gom hằng ngày khoảng 266 tấn, chiếm gần 43% tổng lượng rác thải phát sinh. Số lượng rác còn lại chưa được thu gom vẫn thải trực tiếp ra môi trường. Tuy vậy, hiện nay công tác thu gom và xử lý rác thải ở khu vực nông thôn, nhất là ở những địa phương có làng nghề, có chợ đầu mối hoạt động hàng ngày… vẫn còn nhiều bất cập. Do chưa có bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh, kinh phí dành cho hoạt động bảo vệ môi trường còn eo hẹp cộng với ý thức giữ gìn môi trường ở một bộ phận dân cư còn hạn chế nên đã xả thải bừa bãi xuống ao, hồ, ven các kênh mương, sông, ngòi, các tuyến đường… gây nên tình trạng ô nhiễm ở nhiều nơi. Nhiều bãi rác tồn lưu lâu ngày gây mùi hôi thối, làm mất mỹ quan, gây cản trở sự lưu thông dòng chảy và làm nguồn nước bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của cộng đồng, nhất là những hộ ở gần khu vực bãi rác. Theo kết quả điều tra của Sở Tài nguyên - Môi trường, hiện nay toàn tỉnh có gần 100 điểm đổ rác bừa bãi ngoài quy hoạch của các địa phương. Ở các xã: Nam An, Nghĩa An (Nam Trực); Trực Đạo, Trực Thanh, Trực Hưng, Trực Khang, Trực Thuận (Trực Ninh); Tân Thành, Thành Lợi, Liên Bảo (Vụ Bản); Yên Lộc, Yên Phương (Ý Yên)…, ước tính, hiện có hơn 30% lượng rác thải không được đổ đúng nơi quy định, gây bức xúc cho công tác bảo vệ, giữ gìn môi trường ở nhiều địa phương. Nguyên nhân là do các địa phương chưa quy hoạch được các bãi tập kết rác thải, công tác xử lý rác chủ yếu hiện nay ở các vùng nông thôn vẫn là chôn lấp hoặc đốt nên tiếp tục gây ra tình trạng ô nhiễm: Đốt thì môi trường bị ô nhiễm bởi khói, bụi; còn chôn lấp thì bị ô nhiễm nguồn nước, mùi. Thậm chí ngay tại những bãi rác được đầu tư xây dựng bằng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm của tỉnh, việc thu gom, xử lý rác cũng gặp khó khăn do nhiều nơi chưa xây dựng được quy trình thu gom, xử lý hợp lý.

Tỉnh ta hiện có 94 làng nghề, quy mô sản xuất, kinh doanh ở các làng nghề hầu hết là kinh tế hộ, thiết bị máy móc chủ yếu là tự chế, gia công và sử dụng nguyên liệu thô sơ có lẫn nhiều tạp chất, hoá chất, nhất là ở những làng nghề đúc, cơ khí, mạ, đồ gỗ, sơn mài, mây tre đan… Nhiều làng nghề sử dụng các loại axit, sút, dung dịch mạ, dung môi hữu cơ, sơn màu, Phenol, Axeton, Andehyt, Xyclohecxan… là những hoá chất độc hại, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ người dân. Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, công tác quản lý môi trường ở hầu hết các làng nghề còn nhiều hạn chế. Lực lượng quản lý môi trường ở cấp xã, thị trấn còn thiếu, đội ngũ cán bộ này chưa được đào tạo về công tác quản lý và xử lý môi trường. Phần lớn các làng nghề chưa có quy hoạch, kế hoạch đầu tư, quản lý, xử lý các vấn đề môi trường. Chính sách đầu tư hỗ trợ kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề của Nhà nước chưa nhiều. Mặt khác, hoạt động sản xuất của các gia đình không ổn định, không có chiến lược sản xuất lâu dài nên các hộ không quan tâm đầu tư cho việc giữ gìn và bảo vệ môi trường. Công tác kiểm tra, phát hiện các vi phạm về vệ sinh môi trường theo quy định gặp nhiều khó khăn nên việc xử phạt các cơ sở, hộ gia đình có vi phạm trong quá trình sản xuất gây ô nhiễm môi trường ở cấp xã, thị trấn hầu như chưa được thực hiện có hiệu quả…

(Còn nữa)
Văn Đại Thanh Thuỷ


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com