Thái Nguyên: Phát triển đô thị theo hướng xanh, thông minh và bền vững

07:08, 18/08/2020

Nhiều năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung nguồn lực, giải pháp nhằm chuyển dịch đô thị hóa gắn với xây dựng đô thị, an sinh xã hội.

Tỉnh coi trọng phân vùng quy hoạch, đặc biệt là việc phát triển đô thị hướng tới tiêu chí xanh, thông minh và bền vững. Theo đó, hiện tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh Thái Nguyên đạt khoảng 36%. Cùng với quá trình đô thị hóa, các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển kinh tế của tỉnh đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Bên cạnh đó, các đô thị cấp tỉnh đều được phát triển mở rộng không gian theo hướng đa trung tâm và không gian khu vực nội thị. Việc chuyển đổi về hành chính, dân số và phúc lợi đô thị cũng được quan tâm thực hiện bảo đảm yêu cầu quy định. 

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thái Nguyên đề ra phương hướng, giải pháp tiếp tục tập trung đầu tư phát triển đô thị có tầm ảnh hưởng lớn đối với vùng, tỉnh với tỷ lệ đô thị hóa đạt 40,5%; định hướng giai đoạn 2026-2030, Thái Nguyên sẽ từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng toàn tỉnh theo hướng quy hoạch gắn với việc mở rộng, nâng cấp, chỉnh trang các đô thị hiện hữu, tỷ lệ đô thị hóa đạt 45% và đến năm 2035 là 50%...

TP Hồ Chí Minh: 52.800 doanh nghiệp, cá nhân xin gia hạn thuế

Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, có 52.800 doanh nghiệp (DN), tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh trên địa bàn thành phố đã nộp đề nghị gia hạn thuế, tiền thuê đất. 

Trong đó có 28.400 DN, tổ chức và 24.500 hộ gia đình, cá nhân kinh doanh (thuộc đối tượng quy định của Nghị định 41/2020/NĐ-CP) đăng ký gia hạn nộp thuế. Tổng số tiền thuế gia hạn ước tính hơn 8.800 tỷ đồng, gồm 4.400 tỷ đồng giá trị gia tăng, 3.500 tỷ đồng thuế thu nhập DN, 680 tỷ đồng tiền cho thuê mặt đất, mặt nước, 166 tỷ đồng từ hộ, cá nhân kinh doanh.

Ngoài ra, các cá nhân kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngưng nghỉ, Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận được gần 2.400 hồ sơ gửi trực tiếp và gần 2.400 hồ sơ do UBND phường, xã chuyển đến. Trong đó, khoảng 1.400 hồ sơ thuộc diện hỗ trợ và 870 hồ sơ không được hỗ trợ. Lãnh đạo Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị các chính sách liên quan đến lĩnh vực thuế, đề xuất UBND Thành phố Hồ Chí Minh chính sách hỗ trợ DN, cá nhân kinh doanh khó khăn do COVID-19.

Hà Nội: Chuyển đổi hiệu quả hơn 7.700ha đất trồng lúa

Đến nay, tổng diện tích đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa của toàn thành phố Hà Nội đạt 7.762,02ha. Trong đó, chuyển đổi sang trồng cây hàng năm là 2.251,05ha, chuyển đổi sang trồng cây lâu năm là 3.044,2ha và chuyển đổi sang nuôi thủy sản kết hợp trồng lúa gần 2.466,77ha.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang trồng cây rau màu, cây ăn quả lâu năm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 5-6 lần so với trồng lúa. Nhờ chuyển đổi, Hà Nội đã hình thành một số vùng chuyên canh tập trung, thuận lợi cho việc đầu tư, áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến, khai thác tối đa nguồn lực từ đất, mang lại giá trị kinh tế cao. Trung bình, các mô hình chuyển đổi mang lại giá trị từ 330 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha./.

Theo nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com